Trong buổi trò chuyện với nhà báo nổi tiếng của Nga, Pavel Zarubin, hôm 23/6/2024, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động hiệu quả và bền vững của Bộ Quốc phòng.
“Nguồn cung quân sự ổn định của một quốc gia và nền kinh tế lành mạnh của Bộ Quốc phòng là cơ sở cần thiết cho an ninh, và Moscow chỉ có thể dựa vào nguồn lực của chính mình ở đây”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm rằng, mọi thứ, bao gồm tiền lương phục vụ của binh lính và các đơn đặt hàng thiết bị mới đều phụ thuộc vào nó.
“Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình trong vấn đề này. Sẽ không có ai đến với chúng ta với bàn tay rộng mở và quyên góp bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ có thể tự mình làm điều đó. Và chúng ta đang thành công”, ông Putin nhấn mạnh.
Vào cuối tháng 5/2024, Tổng thống Putin đã nói rằng, “mỗi đồng rúp” chi cho lực lượng vũ trang phải được sử dụng một cách hiệu quả, và ông còn khẳng định vào thời điểm đó rằng, nguồn tài trợ không chỉ đáp ứng nhu cầu của quân đội mà còn “phù hợp” với nền kinh tế quốc gia.
Nga đã tăng cường công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với Ukraine
Hồi tháng 5/2024, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng Rostec, Sergey Chemezov, cho biết, sản lượng pháo tự hành đã tăng gấp 10 lần trong khi sản xuất súng kéo tăng 14 lần.
Theo ông Chemezov, công ty cung cấp khoảng 80% vũ khí được quân đội Nga sử dụng trong cuộc xung đột, sản lượng đạn cho xe tăng và xe chiến đấu bộ binh tăng 900%, đạn pháo tăng 600% và đạn cho MLRS tăng 800%.
Khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã nhiều lần làm dấy lên mối lo ngại giữa các nước phương Tây ủng hộ Kiev.
Ukraine chủ yếu dựa vào viện trợ quân sự nước ngoài trong cuộc đối đầu với Moscow.
Vào tháng 2/2024, tờ Guardian đưa tin rằng, mức tăng sản lượng công nghiệp quốc phòng của Nga “cao hơn rất nhiều” so với dự đoán của nhiều nhà hoạch định quốc phòng phương Tây.
Vào tháng 3/2024, CNN đưa tin Nga sắp sản xuất số đạn pháo gấp 3 lần so với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.
Hãng tin này cho biết vào thời điểm đó rằng, quân đội Mỹ đã đặt mục tiêu sản xuất 100.000 viên đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025, tuy nhiên, con số này “chưa bằng một nửa sản lượng hàng tháng của Nga”.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, việc phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, nơi theo dõi viện trợ tài chính và quân sự của phương Tây cho Kiev, Washington và các đồng minh đã chi hàng chục tỷ USD mua vũ khí cho Ukraine.
Mỹ dẫn đầu danh sách các nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Kiev với 50,4 tỷ euro (53,89 tỷ USD) chi cho vũ khí cho Ukraine. Đức và Anh đứng thứ hai và thứ ba với lần lượt là 10,2 tỷ euro (10,91 tỷ USD) và 8,8 tỷ euro (9,41 tỷ USD).
Quân đội Nga vẫn tiếp tục tấn công trong những tháng gần đây, giành được những thắng lợi ổn định ở Donbass và phát động một chiến dịch mới ở vùng Đông Bắc Kharkov vào tháng 5/2024.