Lợi dụng chủ trương sắp xếp lại nhà đất
Phiên tòa xét xử cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm bước sang ngày thứ 2 với phần tranh luận. Phiên tòa chiều 17/9 bắt đầu muộn hơn dự kiến. Ông Nguyễn Thành Tài không ngồi ở phòng xét xử mà được bố trí ngồi ở phía sau. Khi HĐXX và luật sư cần thẩm vấn, ông Tài được đưa vào trong để trả lời câu hỏi.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện Viện KSND TPHCM căn cứ vào tài liệu chứng cứ, hồ sơ vụ án, diễn tiến tại phiên tòa trong hai ngày xét xử, cho rằng ông Nguyễn Thành Tài đã lợi dụng chủ trương sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, cùng bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm) và các bị cáo thực hiện hành vi sai phạm.
Trong vụ án, ông Tài chịu trách nhiệm chính trong việc chấp thuận cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà (QLKDN) TPHCM làm chủ đầu tư dự án, thành lập Công ty CP Đầu tư Lavenue, cho bị cáo Thúy tham gia góp vốn 30% và trở thành Chủ tịch; không phải đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Việc này đã khiến khu nhà đất gần 5.000 m2 tại 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TPHCM) vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.927 tỷ đồng.
Đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị tòa tuyên phạt ông Nguyễn Thành Tài mức án 8-9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.
Tham gia với vai trò đồng phạm, bị cáo Thúy bị đề nghị mức án 7-8 năm tù; bị cáo Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) từ 6 đến 7 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó trong vụ án cựu Chủ tịch UBNDTPHCM Nguyễn Hữu Tín; bị cáo Nguyễn Hoài Nam (cựu Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án trước; Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM) 3-4 năm tù.
Phủ nhận "mối quan hệ tình cảm"
Trong phiên tòa buổi sáng, khi nói về "mối quan hệ tình cảm" dẫn đến việc giao khu đất 8-12 Lê Duẩn trái luật như cáo trạng quy kết, ông Tài và bà Lê Thị Thanh Thúy đều phủ nhận.
Ông Tài nói: “Tại tòa cũng như trước đó tôi đã có văn bản giải trình, tôi khẳng định mối quan hệ đó không phải là tình cảm theo kiểu trai gái. Khi hỏi cung, tôi trả lời bằng "có" hoặc "không" nên không diễn tả được bản chất sự việc”.
Đồng thời, bị cáo Thúy khẳng định quan hệ giữa bà và ông Tài là doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước. "Hai cậu của tôi có làm ở cơ quan quản lý Nhà nước nên cũng có quen biết và gặp gỡ ông Tài. Thông qua đó tôi biết ông Tài”, bị cáo Thúy nói: “Tôi rất không đồng tình với câu "ông Tài cho tôi". Ông Tài không cho tôi và không ai cho tôi cái gì cả".
Trong phần tranh luận ở phiên xử buổi chiều, bị cáo Thúy trình bày mục đích thành lập Công ty Hoa Tháng Năm là để đầu tư khách sạn tại TPHCM. Bà tự tin về khả năng tài chính và kinh nghiệm điều hành lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ của gia đình ở Hội An nên có niềm tin dù công ty chỉ mới thành lập được 4 tháng.
Bị cáo Thúy nói thời điểm đó, dịch vụ khách sạn 5 sao khá mới ở Việt Nam nên để vận hành tốt phải mời chuyên gia nước ngoài, tập đoàn tư vấn, nhà thầu trên thế giới tham gia.
Về việc chỉ định Công ty Hoa Tháng Năm góp vốn 30%, bị cáo Thúy cho rằng do bà Thủy nói Công ty QLKDN không muốn đầu tư khách sạn 5 sao nhiều, bà Thủy nói về năng lực vốn thời điểm đó không đủ 50% nên kêu gọi. Từ đó, bà Thúy khi đó góp vốn 30%.
Trả lời luật sư về việc đầu tư mạo hiểm vào khu đất 8-12 Lê Duẩn, bị cáo Thúy trình bày: "Công năng dự án đó là khách sạn 5 sao và cho thuê, phải đầu tư rất nhiều tiền một lần và vận hành bộ máy đó. Thời gian hoàn tất hồ sơ pháp lý 1 năm là tối thiểu, thời gian xây dựng với quy mô 5 tầng hầm và 36 tầng nổi là 5 năm hoặc hơn tùy thuộc nền móng ở dưới. Kinh tế có lúc giảm lúc tăng, đặc biệt ngành nhà hàng, khách sạn phụ thuộc dịch bệnh hoặc phát triển kinh tế. Chúng tôi phải khai thác phòng với tần suất 15 năm liên tục từ ngày vận hành mới có thể hoàn vốn. Đó là lý do tại sao tôi nói là sự đầu tư mạo hiểm".