"Ông Cát đàn bầu" ở đất cố đô

GD&TĐ - Không máy tính, máy quay hiện đại, chỉ với chiếc smartphone “đời cũ”, ông Đào Ngọc Cát đã ghi lại nhiều clip chơi đàn bầu của mình để đăng trên kênh YouTube “Ngọc Cát đàn bầu”.

Ông Đào Ngọc Cát say sưa với cây đàn bầu.
Ông Đào Ngọc Cát say sưa với cây đàn bầu.

Không chỉ vậy, ông còn sẵn sàng truyền dạy miễn phí kỹ thuật chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc cho những ai muốn học. 

Khẳng định “thương hiệu”

Người dân tổ 20, phường Nam Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) gọi cựu chiến binh Đào Ngọc Cát, nguyên Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân đoàn 1, bằng cái tên dễ mến “Ông Cát đàn bầu”, bởi ông có tiếng đàn bầu say đắm lòng người. Ông Cát sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, được thừa hưởng năng khiếu từ người cha từng mưu sinh bằng nghề đánh đàn cho các đám hát văn.

Lòng say mê với đàn bầu được ông đem vào quân ngũ, trở thành “quãng nghỉ” của tâm hồn sau những giờ lăn lộn vất vả trên thao trường. Tiếng đàn của ông đã được ghi nhận khi giành Huy chương Bạc (năm 1973), Huy chương Vàng (năm 1974) tại Hội diễn Nghệ thuật toàn quân…

Trong môi trường quân ngũ, ông Cát là cây văn nghệ nổi tiếng trong và ngoài đơn vị. Cây đàn bầu tuy thô sơ nhưng trong tay ông Cát thì ngọt ngào, trau chuốt và da diết vô cùng. Để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, ông Cát còn được đơn vị gửi đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về âm nhạc tại một số trường, như: Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Trung học Nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa)...

Năm 1983, ông chuyển ngành về công tác trong lĩnh vực giao thông, song tiếng đàn bầu vẫn theo ông như một thú vui khó cưỡng.

Có một thời gian dài, Câu lạc bộ nghệ thuật thị xã Tam Điệp, nay là TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình do ông Cát tham gia đã hoạt động khá sôi nổi, trở thành cái tên rất được chú ý trên phạm vi cả tỉnh Hà Nam Ninh (cũ).

Là một cựu chiến binh, ông Cát tham gia tích cực vào phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương và giành nhiều thành tích: Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu tiết mục “Vì miền Nam” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2011, Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu “Trông cây lại nhớ tới Người” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014...

Là người hoạt động văn nghệ cùng ông Cát thời trong quân ngũ, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Hồi mới vào đơn vị, Ngọc Cát cũng chỉ mới tập đàn bầu nhưng trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, anh luôn được mời lên biểu diễn.

Tiếng đàn của anh lúc ấy còn khô cứng và có nốt còn phô nhưng anh vẫn luôn chơi đàn bằng lòng nhiệt tình và niềm say mê với âm nhạc. Sau mấy chục năm không gặp, tôi nhận ra Ngọc Cát trên Facebook khi anh chơi đàn bầu những bản nhạc, như: “Vì miền Nam”, “Lên ngàn”, “Trống cơm”… và rất nhiều bản nhạc khác.

Tôi thực sự ngạc nhiên vì người đồng đội cũ năm nào, nay đã thành nghệ sĩ đàn bầu đích thực với ngón đàn điêu luyện và tiếng đàn rất mượt mà, chuyên nghiệp. Với năng khiếu trời cho và lòng say mê, sự khổ luyện mấy chục năm, theo tôi, Ngọc Cát có thể cùng cây đàn bầu biểu diễn ở những chương trình lớn đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao”.

Sẵn sàng truyền nghề

Ông Cát cùng các thành viên Đội Văn nghệ quần chúng Thành phố Tam Điệp.

Ông Cát cùng các thành viên Đội Văn nghệ quần chúng Thành phố Tam Điệp.

Không chỉ giỏi đàn bầu, ông Cát còn chơi đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn nhị… Mong muốn lan tỏa tiếng đàn dân tộc nên từ những thí sinh chuẩn bị thi vào Khoa Âm nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến những người muốn học để hành nghề hát văn, hát hầu đồng hay đơn thuần chỉ là học cho biết, ông đều vui vẻ dạy miễn phí.

Không phân biệt tuổi tác, trình độ, chỉ cần có niềm đam mê với âm nhạc truyền thống là ông sẵn sàng truyền dạy. Trong số các học trò của ông Cát có nhiều người đang gắn bó với nghề khi phục vụ trong các gánh hát văn, hoạt động trong các đội văn nghệ quần chúng…

Nhiều bạn trẻ nhờ ông Cát chỉ dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ nay đang là những sinh viên triển vọng của trường nghệ thuật. Ngô Bá Thi, sinh viên chuyên ngành Nhạc công, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là một ví dụ. Thi học thầy Cát một tháng trước khi thi đại học và được cung cấp kiến thức về âm nhạc dân tộc, đặc biệt là kỹ thuật chơi đàn tranh.

“Nhờ có kiến thức truyền dạy của thầy mà em đã tự tin thi đỗ vào trường đại học mà mình khát khao theo đuổi. Không những vậy, em còn học được ở thầy tinh thần cần cù, chịu khó tìm tòi, không ngừng sáng tạo. Đó là điều rất cần thiết với một người học đàn dân tộc. Có thể nói thầy Cát là tấm gương sáng về sự tự học, về lòng đam mê nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc”, Thi bộc bạch.

Cũng là người được ông Cát truyền nghề, bác sĩ Nguyễn Đình Dương (hiện sinh sống ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) nhắc đến với sự trân trọng, quý mến: “Là người tự tập đàn bầu 10 năm nay và nghe rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp đánh đàn bầu nhưng công bằng mà nói thì Ngọc Cát là ngón đàn xuất sắc, mặc dù ông ấy không được đào tạo chuyên nghiệp.

Ông là người truyền cảm hứng và chuyên môn cho tôi cũng như cho bất kể ai muốn học trên khắp mọi miền. Ông cũng là người nghiên cứu chế ra âm-li 3V dùng cho đàn bầu để nó tạo ra âm thanh đặc biệt như những bản đàn ông đã trình làng”.

Lan tỏa tiếng đàn bầu

"Ông Cát đàn bầu" ở đất cố đô ảnh 2

Từ năm 2018, khi được con gái mua tặng chiếc điện thoại thông minh, ông đã mày mò học để quay clip rồi đưa lên “nuôi” kênh YouTube của mình. Ông cứ nghĩ mình chơi đàn bầu thì chỉ truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, còn đưa lên mạng thì biết đâu sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người hơn.

Những bản nhạc mà ông chọn để đăng lên là những ca khúc khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, như: “Lòng mẹ”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Ai ra xứ Huế”, “Lời ca dâng Bác”, “Vì miền Nam”, “Khúc hát sông quê”... Lúc đầu, ông quay rồi cứ thế đưa lên mạng, nhưng sau rút kinh nghiệm từ một lần được bạn quay phim ở Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình “mách” - ghi âm trước rồi ghép nhạc sau nên ông học theo và thấy ngay hiệu quả.

Vào kênh YouTube “Ngọc Cát đàn bầu” không khó để đọc được những bình luận, như: “Tiếng đàn nghe nét, âm điệu êm ả, tác phong anh Bộ đội Cụ Hồ”, rồi “Tiếng đàn dứt khoát mà rất mượt mà” hay “Càng nghe càng say”…

Mới lập được cách đây hơn ba năm nhưng kênh của ông đã có gần 1.500 người đăng ký và mỗi clip có hàng nghìn lượt xem, bình luận. Có những video thu hút đến hơn chục nghìn lượt xem và những bình luận tích cực. Anh Nguyễn Anh Hoàng, ở Nam Định, bày tỏ: “Tôi luôn theo dõi kênh “Ngọc Cát đàn bầu” và đặc biệt thích bài “Tình đất”.

Tôi đã nghe rất nhiều người chơi bài “Tình đất” bằng đàn bầu nhưng với tôi, anh Đào Ngọc Cát là người chơi hay nhất. Mong rằng anh Cát sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, để những người yêu nhạc truyền thống như chúng tôi được thưởng thức”.

Cũng là người thường xuyên quan tâm theo dõi kênh YouTube của ông Cát, Nghệ sĩ Ưu tú Văn Hóa (nghệ sĩ đàn bầu công tác tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng) đánh giá: “Tiếng đàn của Đào Ngọc Cát chắc chắn, tự tin. Các bài trữ tình nhấn rất chuẩn, toát lên được tinh thần của bản nhạc. Phải là người yêu, đam mê lắm thì anh ấy mới “dám” đàn những bài nhạc khí, như: “Dòng kênh trong” của Hoàng Đạm…”.

“Tôi thực sự cảm động khi lập kênh YouTube được nhiều người quan tâm, động viên - đó là nguồn cổ vũ, sức mạnh tinh thần to lớn để tôi tiếp tục cho ra những sản phẩm chất lượng hơn nữa. Có thể nói trong thời đại 4.0 thì bất kỳ người chơi đàn nào cũng nên tận dụng công nghệ để lan tỏa tiếng đàn.

Nhất là trong thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tiếng đàn bầu nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung giúp người nghe lạc quan, vững tin vào cuộc sống phía trước”, ông Đào Ngọc Cát bộc bạch.

Khi được hỏi về kế hoạch trong việc lưu giữ và truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ truyền thống, ông Cát cho biết: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ dân tộc cho những ai muốn theo học và thường xuyên đăng tải video lên kênh YouTube của mình.

Điều tôi trăn trở nhất là những người đến chỗ tôi học chơi đàn đa phần đã cao tuổi, đối tượng thanh thiếu niên khá ít. Bây giờ giới trẻ chỉ thích nhạc hiện đại, hiếm lắm mới có bạn trẻ đam mê và theo đuổi với nhạc cụ dân tộc. Mong rằng, việc làm của tôi sẽ góp phần giúp các bạn trẻ thay đổi nhận thức, quan tâm hơn đến các loại nhạc cụ, âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.