Một nét đàn bầu...

Một nét đàn bầu...

Cây đàn của người Việt

Nhận thấy vị trí và vai trò quan trọng của đàn bầu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang tiến hành các bước nhằm xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình xin công nhận đàn bầu là Di sản Văn hóa quốc gia trong thời gian tới.

Đàn bầu được coi là nhạc cụ thuần Việt, độc đáo nhất trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu để xác định một cách chính xác đàn bầu có từ bao giờ. 

Có tài liệu cho rằng, đàn bầu ra đời vào thế kỷ thứ IX – X, có tài liệu cho rằng, đàn bầu ra đời vào khoảng những năm 1770… Mặc dù chưa có giả thuyết nào được khẳng định là chính xác, nhưng có thể nói đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất có từ trước thế kỷ 19.

Trong diễn trình văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận. Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, các lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây, chúng ta đều thấy có sự tham gia trình diễn của đàn bầu.

Theo nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thanh Tâm, trên thế giới, cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia, nhưng đều dừng lại ở mức độ khá đơn sơ. Duy chỉ có cây đàn bầu của người Việt là phát triển ở trình độ cao với kỹ thuật diễn tấu đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. 

Trong hệ thống nhạc cụ truyền thống, cây đàn bầu có vị trí rất đặc biệt. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) được thành lập, cây đàn bầu đã được đưa vào giảng dạy - học tập một cách chính quy. 

Cũng từ đó, những sáng tạo, cải tiến cây đàn bầu của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, người chế tác nhạc cụ cũng đã lần lượt xuất hiện.

Cụ thể, năm 1956, một nghệ sĩ chuyên sử dụng bộ gõ tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Trung ương đã đưa hệ thống khuyếch đại âm thanh vào cây đàn bầu qua mô-bin, loa và được nghệ nhân Nguyễn Tiếu thể nghiệm qua bài “Hoa thơm bướm lượn” dân ca Quan họ Bắc Ninh. 

Năm 1957, nghệ sĩ Mạnh Thắng (Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) cải tiến đàn bầu bằng cách đặt micro vào hộp đàn truyền ra máy và loa để âm lượng của tiếng đàn lớn hơn. Năm 1978, nghệ sĩ Nguyễn Tiến (Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị) cải tiến đàn bầu trầm, chặn câm và cần đàn nằm ngang…

Có thể nói, trong khoảng thời gian từ thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX đã có thêm nhiều cải tiến đàn bầu. Trong đó, sáng chế của nghệ sĩ Hồ Khắc Chí gắn lên mặt đàn bầu các con ngựa đàn, hay việc nghệ sĩ Quốc Lộc đưa toàn bộ tăng âm và loa giấu vào trong hộp đàn cho gọn nhẹ. 

Nghệ nhân chế tác nhạc cụ Tạ Thâm sáng chế từ đàn Bông Sen 1 cho đến đàn Bông Sen 5 với nhiều thử nghiệm, cải tiến. Nhạc sĩ Mác Tuyên ghép thêm hai bên thân đàn một cần đàn guitar và một bộ phím đàn tranh để vừa trình tấu đàn bầu vừa tự đệm cho đàn bầu gọi là đàn Lạc Cầm. 

Nhạc sĩ Mai Đình Tới hay nghệ sĩ Nguyễn Văn Nam và kỹ sư Nguyễn Văn Lợi thiết kế bộ khuếch đại âm thanh (amply) nhỏ gọn lắp vào hộp đàn sử dụng loa sắt cắm ngoài phù hợp với tiếng đàn bầu và thuận tiện, nên hiện nay được nhiều nghệ sĩ chơi đàn bầu sử dụng…

Bảo tồn, phát huy giá trị đàn bầu

Tiến sĩ Bùi Văn Hộ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho rằng, đàn bầu là loại nhạc khí hết sức độc đáo, là thành quả vô cùng quý giá đã được hình thành, đúc kết từ rất lâu đời, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người Việt. 

Trong thời kỳ giao lưu hội nhập hiện nay, việc bảo tồn nhạc cụ truyền thống nói chung, trong đó có đàn bầu là một vấn đề mang tính cấp thiết, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc truyền thống của đất nước.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Văn Hộ đã thừa nhận một thực tế rằng, hiện nay, số lượng người biết sử dụng đàn bầu không nhiều, trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật, số lượng học sinh đăng ký tham gia học môn đàn bầu ngày càng ít. 

Ở khía cạnh biểu diễn, nhiều đơn vị hoạt động trong phạm vi ngành văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp hầu như không sử dụng đàn bầu. Nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc hiện không sử dụng nhạc truyền thống nói chung hay đàn bầu nói riêng để độc tấu, hòa tấu hay dùng cả một tốp nhạc cụ truyền thống để đệm cho hát các làn điệu dân ca…

“Để giữ gìn được nhạc cụ truyền thống nói chung và ngành nhạc cụ đàn bầu nói riêng, cần phải có một chính sách ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích cho việc bảo tồn, việc học tập, tham gia nghiên cứu vào công tác hoạt động trong lĩnh vực nhạc cụ truyền thống và đàn bầu, nếu không có chính sách mới, cơ chế mới, cây đàn bầu và nghệ thuật đàn bầu sẽ mai một”, Tiến sĩ Bùi Văn Hộ lo ngại.

Tiến sĩ Bùi Văn Hộ đề xuất một số giải pháp để bảo tồn âm nhạc truyền thống phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay, trong đó đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải có những chính sách khuyến khích cụ thể như: Đưa chương trình học nhạc cụ truyền thống nói chung và đàn bầu nói riêng vào giảng dạy, giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho đến trung học phổ thông; cần quan tâm về con người, giáo viên giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình dạy học trong các trường dạy học âm nhạc chuyên nghiệp; 

Đưa ra một số quy định trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, đối với các đoàn chuyên nghiệp và quy định trong hội diễn nghệ thuật quần chúng, bắt buộc phải có tiết mục về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc; ưu tiên biên chế, cơ sở vật chất để khuyến khích nhạc công quan tâm hơn nữa đến nghệ thuật đàn bầu…

Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Lệ Chi, Trưởng bộ môn đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho rằng, để cây đàn bầu tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế với tư cách là một đại diện tiêu biểu của con người và văn hóa Việt Nam, công tác đào tạo phải là nền tảng. Bởi đào tạo chính là cơ sở để phát triển nghệ thuật biểu diễn. 

Tuy nhiên, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Lệ Chi lưu ý, trong đào tạo cần chú trọng đến việc đào tạo từ khi tuổi còn nhỏ, chứ không thể bắt đầu ở lứa tuổi đã lớn như hiện nay. Bên cạnh đó, thời lượng dành cho việc học chuyên ngành phải được tăng cường, đồng thời khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên tăng cường tham gia sáng tác cho đàn bầu bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ kinh tế, trao tặng giải thưởng… Có như vậy, sự nghiệp đào tạo và biểu diễn đàn bầu mới có hy vọng phát triển lâu bền.

Một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ khác cho rằng, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách và công tác đào tạo, để bảo tồn nghệ thuật đàn bầu Việt Nam trong xã hội hiện đại, không thể thiếu được sự vào cuộc, đóng góp của các nghệ nhân, bởi các nghệ nhân đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn nghệ thuật đàn bầu. Đây cũng chính là cầu nối để chuyển tiếp qua các thế hệ, từ đời này sang đời khác từ đời ông sang đời cha từ đời cha sang đời con, đời cháu…

Hy vọng, trong thời gian không xa, đàn bầu sẽ được Nhà nước ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định được vị thế của mình trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ