Hôm 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông coi quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hague về việc ban hành lệnh bắt giữ ông Putin là “chính đáng”.
Tuy nhiên, nói với phóng viên ở phía nam Nhà Trắng trước khi bay tới Delaware, ông Biden nói rằng Mỹ không công nhận quyết định của tòa án này.
Khi được hỏi về quyết định của ICC đối với ông Putin, Tổng thống Biden nói, "Chà, tôi nghĩ điều đó chính đáng. Tuy nhiên vấn đề là Mỹ và Nga đều không công nhận ICC. Nhưng tôi nghĩ đó là một thông điệp mạnh mẽ”.
Ngày 17/3, ICC ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova.
Tuyên bố của tòa án cho biết họ có thể phải chịu trách nhiệm "về tội ác chiến tranh do trục xuất bất hợp pháp dân số (trẻ em) và di chuyển bất hợp pháp dân số (trẻ em) từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Liên bang Nga".
Bình luận về quyết định này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý Moscow không công nhận quyền tài phán của ICC.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì đối với Nga, các lệnh bắt giữ đó vô hiệu về mặt pháp lý.
ICC được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998 và không phải là một phần của Liên Hợp Quốc. Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này.
Năm 2016, ông Putin ký một sắc lệnh theo đó Nga sẽ không trở thành thành viên của ICC.
Một số nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC.