Không chỉ giáo viên chủ nhiệm, mỗi thầy cô giáo bộ môn lớp 12 đồng thời là một tư vấn viên sát cánh cùng học sinh.
Động viên, lắng nghe và thấu hiểu
Theo kế hoạch, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, 21 HS lớp 12, dân tộc Cơ Tu của Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sẽ quay trở lại khu nội trú để tiếp tục ôn tập. Thế nhưng, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid–19, HS toàn thành phố Đà Nẵng phải tạm dừng đến trường. Ngoài group chung của lớp, cô Hà Thị Huyên, GV chủ nhiệm lớp 12/11 đã thành lập nhóm Zalo “HS nội trú” để liên hệ thường xuyên với những HS dân tộc Cơ Tu.
“Phần lớn các em đều không có điện thoại, phải gọi nhờ số máy của người nhà. Giáo viên vì vậy muốn trao đổi, hướng dẫn HS học bài phải gọi vào buổi tối. Với đặc thù đầu vào của HS thấp hơn so với mặt bằng chung nên GV phải thường xuyên nhắc nhở HS trong quá trình tự học. Tôi luôn lưu ý với HS, các em cứ gọi bất cứ giờ nào nếu cần thầy cô hỗ trợ, hướng dẫn thêm trong quá trình làm bài” – cô Huyên kể.
Dù là hướng dẫn trực tuyến, cô Hà Thị Huyên vẫn phải chia theo nhóm. “Tôi dạy môn Toán, trong số 21 HS nội trú có những em, tôi tập trung hướng dẫn kiến thức cơ bản nhất. GV sẽ luyện tập cho các em thành thạo những dạng bài đơn giản với mục tiêu đạt mốc 3 – 5 điểm”, cô Huyên thông tin.
Em Trần Thị Thanh Tuyền, HS người Cơ Tu sống tại xã Hòa Bắc và Đặng Thị Thu Lan, sống tại xã Hòa Phú được cô Huyên chọn để làm “liên lạc viên”, xây dựng nhóm học tập trong thời gian HS ôn tập trực tuyến. Đây là những HS nhanh nhẹn, thường xuyên online để nắm bắt thông tin trên các nhóm học tập với GV bộ môn.
Trong số 21 HS dân tộc Cơ Tu của lớp 12/11, chỉ có Mỵ Văn Đen đăng ký xét tuyển sinh ĐH vào ngành Công nghệ thông tin. Đen bày tỏ: Sức học của em ở mức trung bình khá nên em khá lo lắng khi thời gian này không được tập trung ôn tập tại trường để phòng, chống dịch Covid–19.
Nhờ sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, em đỡ căng thẳng, tự xây dựng được kế hoạch ôn tập hợp lý. Ngoài cung cấp đề thi tham khảo để làm quen với các dạng đề, cô Huyên cùng cô thầy giáo bộ môn còn hướng dẫn chúng em kỹ năng làm bài thi như cách phân bố thời gian làm bài, nhận dạng câu hỏi trắc nghiệm…
Thầy Phạm Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ chia sẻ: Theo kế hoạch trước đây, HS lớp 12 ôn tập tại trường cho đến gần sát trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Riêng với số HS dân tộc Cơ Tu tại ký túc xá, ngoài thời gian ôn tập chung với toàn khối, các em được GV hỗ trợ thêm trong buổi tự học để củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài. Tuy nhiên, với diễn biến dịch tại Đà Nẵng, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường chuyển sang ôn tập trực tuyến cho toàn khối 12. Ban giám hiệu đã lưu ý GV bộ môn có những hình thức hỗ trợ phù hợp với HS dân tộc Cơ Tu. Ngoài là trách nhiệm đây còn là tình cảm giữa GV với HS của mình.
Biết mình, biết ta
Sát thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, một số HS vẫn tìm đến thầy, cô giáo để nhờ tư vấn thêm việc chọn ngành, nghề trước khi đặt bút đăng ký. Cô Ngô Bùi Cẩm Hiền – GV chủ nhiệm lớp 12/9, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Một số HS có nguyện vọng thi vào ngành Y nhưng lực học chỉ ở mức khá. Trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, tôi đã trao đổi riêng với HS, gợi ý cho các em tiếp tục đầu tư các môn học khối B theo sở trường nhưng có thể bổ sung thêm nguyện vọng vào các trường ĐH khối nông lâm.
Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ HS trong suốt mùa thi, từ tư vấn hướng nghiệp, giải tỏa tâm lý, áp lực thi cử cho HS. Tổ tâm lý của nhà trường, ngoài đại diện ban giám hiệu, còn có sự tham gia của GV chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường và GV tư vấn tâm lý làm nòng cốt, là tổ phó thường trực.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tổ tư vấn tâm lý của trường tổ chức các hoạt động tư vấn mùa thi cho HS khối 12 theo đơn vị lớp để vừa bảo đảm chất lượng tư vấn vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài phổ biến quy chế thi, quy chế tuyển sinh ĐH, GV tâm lý còn tổ chức trò chơi phù hợp để giải tỏa áp lực thi cử và giúp HS cân bằng tâm lý mùa thi. Với HS còn vướng mắc trong lựa chọn ngành nghề, GV tâm lý sẽ kết hợp với GV chủ nhiệm để có thông tin hỗ trợ hướng nghiệp, giúp các em lựa chọn nghề phù hợp với sở trường, sức học, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường lao động.