Ôn thi tốt nghiệp THPT tại cần Thơ: Dồn sức tăng cường kiến thức cho học sinh yếu

GD&TĐ - Để nâng cao khả năng đỗ tốt nghiệp THPT cho học sinh yếu, các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ đã linh hoạt và chủ động trong công tác ôn thi.

Giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm trong giờ dạy trực tuyến.
Giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm trong giờ dạy trực tuyến.

Trong đó, từng trường có giải pháp ôn tập riêng, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản và tự tin vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới.

Quan tâm tới học sinh yếu - kém

Tất cả trường THPT trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều có phương án giảng dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém. Tùy vào điều kiện, từng trường có những giải pháp ôn tập một cách hợp lý, với mục tiêu bảo đảm lượng kiến thức cơ bản cho học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, không gây áp lực cho các em.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) có gần 400 học sinh lớp 12, trong đó có 108 em đăng ký dự thi khối khoa học tự nhiên và 286 em đăng ký khối khoa học xã hội. Nhà trường đã tổ chức thi khảo sát đầu vào trước khi ôn tập cho học sinh. Qua khảo sát, có 120 học sinh học lực trung bình, yếu, có nguy cơ rớt tốt nghiệp, phần lớn là học sinh khối khoa học xã hội. Nhà trường đã chia nhỏ các lớp và phân công giáo viên chủ nhiệm, bộ môn theo sát, đồng thời tổ chức ôn 2 buổi, vừa ôn vừa khảo bài để giúp các em vượt qua kỳ thi.

Cô Trương Thị Cẩm Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: Sau kỳ thi khảo sát đầu vào, nhà trường đã trao đổi cùng phụ huynh học sinh có nguy cơ “trượt” tốt nghiệp về việc phối hợp, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các em ôn thi. Nhà trường cũng chủ động nắm bắt tâm lý và hoàn cảnh của từng em để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Sau kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 12 của sở, trường vẫn còn 22 học sinh có nguy cơ “trượt” tốt nghiệp, do đó nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn tăng cường công tác ôn trực tiếp tại trường và khảo bài trực tuyến tại nhà cho các em.

Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai) nhiều năm nay đều thực hiện tốt công tác phân luồng, phân chia lớp cho từng học sinh. Sau đó, tiến hành tách từng nhóm đối tượng, đặc biệt là những học sinh yếu – kém, trường phân công giáo viên bộ môn phối hợp cùng đoàn trường tham gia hỗ trợ ôn bài, khảo bài. Nhờ vậy, nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh Trường THPT Thới Lai đạt tốt nghiệp rất cao.

Năm học 2020 - 2021, Trường THPT Thới Lai có 637 học sinh lớp 12, là trường có số lượng học sinh tham gia kỳ thi THPT lớn nhất thành phố. Đầu năm học, nhà trường rà soát có 72 em thuộc diện có nguy cơ rớt tốt nghiệp cao, nên đã tập trung dồn sức tăng cường các giải pháp “chống trượt”. Nhờ dồn sức suốt năm học nên sau kỳ thi khảo sát chất lượng chỉ còn 27 học sinh có nguy “trượt”. Nhà trường tiếp tục chỉ đạo bộ môn và đoàn trường tham gia hỗ trợ kèm cặp các em.

Một lớp học ôn thi trực tuyến môn Ngoại ngữ.
Một lớp học ôn thi trực tuyến môn Ngoại ngữ.

Chủ động, linh hoạt các hình thức ôn thi

Sau kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 12, Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ rà soát được 34 học sinh có nguy cơ “trượt” tốt nghiệp. Nhà trường đã tổ chức họp và vận động phụ huynh cho các em học thêm vào buổi tối từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ, hoàn toàn miễn phí. Cách làm này của nhà trường nhận được sự ủng hộ và đồng thuận rất cao từ phụ huynh. Nhiều người còn hỗ trợ mì gói, bánh cho các em.

Nhà trường đã tổ chức thành 2 lớp ôn 3 buổi/tuần vào thứ 2, 4 và thứ 6, để dễ kiểm tra và quản lý, đồng thời phân công mỗi bộ môn 2 cán bộ giáo viên hỗ trợ. Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An chia sẻ: “Việc ôn bài vào ban đêm thời tiết mát, yên tĩnh nên các em dễ tập trung. Thầy cô giao một đơn vị kiến thức nhỏ là các em hoàn thành ngay”.

Theo thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, khó khăn lớn nhất trong việc ôn tập cho học sinh yếu - kém là học trực tuyến. “Học trực tiếp, các em đã không tập trung thì nay học trực tuyến lại càng khó thêm. Nhà trường chỉ đạo giáo viên rà soát lại các học sinh yếu - kém, không tập trung học bài, sau đó tổ chức cho các em vào trường, chia nhỏ các lớp riêng biệt để ôn tập”.

Tương tự, tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cô Trương Thị Cẩm Thúy cho biết: Ôn trực tiếp cho các em học sinh yếu - kém tại trường vốn dĩ đã khó, giờ học trực tuyến càng khó quản lý. Để giúp các em vượt qua kỳ thi sắp tới, nhà trường đã phân công giáo viên bộ môn phối hợp cùng phụ huynh học sinh tổ chức phụ đạo trực tuyến vào các buổi tối, khảo bài và hướng dẫn các em ôn bài. Đồng thời, nhà trường phân công giáo viên kiểm tra, giám sát công tác ôn tập như điểm danh, trả bài… nhằm nâng cao chất lượng ôn thi cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19.    

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ