Thay vì tạo thêm áp lực, sự quan tâm, chia sẻ và giảng dạy đúng cách từ cha mẹ, thầy cô giúp thí sinh chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đối phó với áp lực vô hình
Là học sinh giỏi ba năm liên tiếp nhưng Nguyễn Quốc Đạt, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn cảm thấy thiếu tự tin trước kỳ thi sắp tới.
Đạt bày tỏ: Em đặt nguyện vọng 1 vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường ĐH Thương mại vì tin sức học của bản thân phù hợp với điểm số và ngành học này. Nhưng dạo gần đây, em cảm thấy lo lắng bởi ôn tập chưa tốt bằng bạn bè nên không thể tập trung học trực tuyến, thiếu động lực luyện đề. Em nghĩmục tiêu đỗ đại học bây giờ không còn khả thi như 1,2 tháng trước.
Sau khi chia sẻ tâm tư với nhóm bạn cùng lớp, Đạt nhận ra nhiều bạn có chung âu lo tương tự. Học trực tuyến khiến các em mất tương tác trực tiếp với bạn bè xung quanh, không được gặp gỡ để ôn luyện và động viên lẫn nhau.
Với mong muốn biến áp lực thành động lực, cả nhóm thống nhất mỗi tối sẽ gọi video từ 1-2 tiếng để ôn bài. Những bạn học tốt có thể giảng cho bạn học yếu hơn hoặc cùng nhau soát kiến thức đã học. Dù không thể gặp mặt nhưng phương pháp này giúp Đạt cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn vì có các bạn “kề vai sát cánh” trong những ngày ôn thi mệt mỏi.
“Nhiều buổi tối, nhóm em “thả lỏng” bằng cách chỉ nói chuyện phiếm, không nhắc đến bài vở. Chúng em thoải mái bộc lộ lo lắng tưởng như cá nhân nhưng hóa ra bạn nào cũng gặp phải rồi cùng nhau tìm cách giải quyết. Được nói ra những suy nghĩ tiêu cực khiến em nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, em vẫn thấy tiếc nuối vì trong giai đoạn nước rút này không thể học trực tiếp với thầy cô tại trường”, Đạt cho biết.
Năm nay, Phạm Hồng Chi - con gái chị Nguyễn Thúy Hằng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thi tốt nghiệp THPT. Từ đầu năm, chị Hằng luôn giữ thái độ nghiêm khắc, nhắc nhở con học hành chăm chỉ, không được lơ là. Chị cùng giúp con xây dựng kế hoạch học tập, lịch học theo từng học kỳ một cách khoa học, giảm áp lực vì phải học quá nhiều.
Theo đó, ngoài lịch trên trường, con gái chị học thêm một tuần 4 buổi các môn Toán, Văn, Tiếng Anh vào tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật. Lịch học thêm so le giúp em có thời gian nghỉ ngơi tại nhà, không bị dồn nén phải học thêm liên tiếp vào các buổi tối. Ngoài ra, vào ngày Chủ nhật, vợ chồng chị thường khuyến khích con gái dậy sớm tập thể dục, chơi cầu lông.
Đến giai đoạn nước rút, con lại tạm dừng đến trường. Điều này khiến chị Hằng cảm thấy “nóng ruột” vì việc ôn luyện gần như phụ thuộc vào tinh thần tự học. Nhưng chị hiểu rằng, con gái cũng đang chịu nhiều áp lực từ bài vở, cạnh tranh giữa bạn bè, kỳ vọng của gia đình. Vì vậy, chị hạn chế hỏi những câu kiểu như: “Hôm nay học trực tuyến như thế nào?”, “Con ôn bài đến đâu rồi?” mà chuyển sang nhắc nhở “con nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng thức khuya quá”. Song song với đó, chị thường khích lệ con: “Năm học vừa qua con đã làm rất tốt, hãy giữ tinh thần nhé. Bố mẹ tin con sẽ làm được”.
Không bỏ bê sức khỏe
Bà Hoàng Thị Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Bắc Hà, quận Đống Đa, Hà Nội, đánh giá: Học sinh lớp 12 thường gặp áp lực lớn do các em tự tạo ra hoặc do kỳ vọng của gia đình, thầy cô. Áp lực này tiếp tục đè nặng khi thí sinh phải ôn thi trong điều kiện dịch bệnh.
Với những học sinh có điểm số trồi sụt do áp lực tâm lý, thầy cô bộ môn cùng giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu, tham vấn tâm lý online giúp các em lấy lại phong độ. Thầy cô cũng tổ chức nói chuyện trực tuyến về kỹ năng tự học, suy nghĩ tích cực cho các lớp. Đồng thời, nhà trường hướng dẫn phụ huynh cách đặt câu hỏi mở để khuyến khích con cái chia sẻ cảm xúc.
Từ đầu năm học, nhà trường đã làm công tác tinh thần “nghỉ dịch nhưng không nghỉ học” tới phụ huynh, học sinh. Vì vậy, khi các trường tại Hà Nội tạm đóng cửa trong khi nhiều tỉnh, thành cho phép học sinh trở lại, học sinh vẫn yên tâm theo sát tiến trình ôn luyện của thầy cô.
Trong học online, các em có thể thu âm đọc tóm tắt, vẽ tranh mô tả các tác phẩm văn học, đăng tải lên Facebook chia sẻ với bạn bè nhằm thỏa sức sáng tạo, thay đổi phương pháp học sinh động, hấp dẫn hơn.Ở các môn học khác, giáo viên sử dụng trò chơi trực tuyến để ôn tập, kiểm tra trắc nghiệm tạo tinh thần hứng khởi, cạnh tranh như Ai là triệu phú, Đuổi hình bắt chữ, Kahoot...
Thầy Phạm Bá Vũ, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, bày tỏ: Trong thời gian học trực tuyến, việc giúp học sinh vùng nông thôn giải tỏa áp lực rất khó. Lý do, đường truyền Internet kém, học sinh chủ yếu học trên điện thoại thông minh có màn hình nhỏ nên không thể ngồi quá lâu. Thay vì yêu cầu trò học 5 tiết ôn tập buổi sáng như lịch học bình thường, thầy cô đã rút ngắn xuống còn 3 tiết.
Từ ngày 24/5, học sinh trở lại trường hoàn thành kiểm tra học kỳ II và tiếp tục ôn thi. Giáo viên bộ môn đã tăng câu hỏi nhận biết, thông hiểu, giảm câu hỏi vận dụng cao trong đề thi để học sinh hoàn thành các môn học không nằm trong khối thi tốt nghiệp.
Việc giải tỏa áp lực được thầy cô lồng ghép vào trong bài giảng. Với môn Ngữ văn, giáo viên sẽ ra đề nghị luận xã hội về áp lực học tập của học sinh ngày nay. Từ đó, các bạn sẽ chỉ ra những điều gây nên áp lực, thảo luận phương pháp giải tỏa căng thẳng. Hay khi luyện đề môn Tiếng Anh, giáo viên sẽ đưa thêm bài đọc hiểu nói về căng thẳng, cách khơi dựng niềm hạnh phúc, sự tự tin.