Ôn thi tốt nghiệp THPT mùa dịch: Thầy - trò cùng vượt qua áp lực

GD&TĐ - Bắc Ninh và Bắc Giang trở thành “tâm dịch” khi liên tục ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2.

Em Nguyễn Thành Nam học online tại nhà. Ảnh: NVCC
Em Nguyễn Thành Nam học online tại nhà. Ảnh: NVCC

Dịch bùng phát đúng thời điểm “nước rút” ôn thi tốt nghiệp THPT khiến các trường phải chuyển sang phương thức trực tuyến. Thầy và trò đều nỗ lực khắc phục khó khăn, thích ứng với cách dạy – học phi truyền thống này.

Những áp lực vô hình

Nguyễn Thành Nam – học sinh lớp 12A8 Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nơi em sinh sống đang thực hiện giãn cách xã hội. Trong phút chốc, mọi thứ thay đổi từ sinh hoạt thường ngày cho đến kế hoạch học tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần nên Nam có chút lo lắng và áp lực, cho dù đó là những điều không ai mong muốn nhưng bắt buộc phải đối diện để vượt qua.

Nam và các bạn vẫn duy trì lịch ôn thi trực tuyến 2 ca/buổi sáng: Ca 1 từ 7 đến 9 giờ; ca 2 từ 9 giờ 15 phút đến 11 giờ 15 phút. Học trực tuyến, đồng nghĩa với việc em phải dậy sớm hơn một chút, tự thu xếp công việc cá nhân và quan trọng nhất là phải tự học, rèn luyện kỹ năng ôn tập và làm bài thi cho mình. “Năm nay, việc ôn thi của chúng em áp lực và vất vả hơn vì không được thầy, cô ôn tập, hướng dẫn kèm cặp trực tiếp như trước. Chỉ mong dịch sớm được khống chế, để chúng em có thể trở lại trường lớp ôn thi”,  Thành Nam bày tỏ.

Dịch bùng phát ngay tại quê hương nên thầy Đỗ Văn Hải – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Thuận Thành số 3 tỏ rõ sự lo lắng. Thầy lo cho sức khỏe của gia đình, người thân, đồng nghiệp và học trò. Cùng với đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, làm thế nào để học trò có đủ kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi; trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm Covid-19 không ngừng giảm.

“Dù phương thức dạy học trực tuyến không còn xa lạ với thầy – trò chúng tôi, nhưng ở thời điểm “nước rút”, lo lắng và có chút áp lực là điều khó tránh khỏi”, thầy Hải bộc bạch, đồng thời cho biết: Hiện vẫn có một số học sinh bị gián đoạn việc học online do mất mạng, hoặc kết nối chậm. Vì thế, nhiều ngày nay tôi chỉ ở nhà, vừa thực hiện giãn cách xã hội; vừa dành thời gian để sưu tầm, biên soạn tài liệu, các dạng đề ôn tập để gửi cho học sinh tự học. 

Thầy Nguyễn Đức Thái dạy học trực tuyến trong khu cách ly. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Đức Thái dạy học trực tuyến trong khu cách ly. Ảnh: NVCC

Cùng vượt khó

Ngay sau khi được thông báo có giáo viên và học sinh trong trường thuộc diện F0, thầy Nguyễn Đức Thái - giáo viên Vật lý, Trường THPT Yên Dũng số 1 (Bắc Giang) tự xác định mình thuộc diện F1 phải cách ly. Trước khi vào khu tập trung, thầy sắp xếp chu toàn việc gia đình, nhắn nhủ vợ con. Thầy cũng không quên in tài liệu, đề thi tham khảo và các chủ đề kiến thức trọng tâm để gửi cho học trò ôn tập trong những ngày giãn cách.

Hành trang cùng thầy vào khu cách ly là “đồ nghề” dạy – học online như: Máy tính, bộ phát wifi, điện thoại kết nối 4G, tài liệu giảng dạy để việc ôn thi trực tuyến của thầy – trò không bị gián đoạn. Thầy Thái cho biết: Trong khu cách ly có khoảng 10 giáo viên cũng dạy ôn thi cho học sinh lớp 12 nên mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau. Trong giờ ôn tập trực tuyến, tôi thường kết nối điện thoại với máy tính để có thể ghi lại bài giảng, sau đó gửi vào nhóm Zalo của lớp. Bằng cách này, những em bị gián đoạn khi học trực tuyến do mạng kém có thể xem lại bài học. Ngoài ra, thầy sưu tầm một số bài giảng hay, có chất lượng ở trên mạng rồi gửi bổ sung để các em có thêm một kênh học tập.

Sau giờ dạy trực tuyến, thầy Đỗ Văn Hải dành phần lớn thời gian trong ngày để biên soạn tài liệu ôn thi cho học sinh. Ảnh: NVCC
Sau giờ dạy trực tuyến, thầy Đỗ Văn Hải dành phần lớn thời gian trong ngày để biên soạn tài liệu ôn thi cho học sinh. Ảnh: NVCC

Khác với các môn tự nhiên, điều mà cô Nguyễn Thị Năm – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) trăn trở nhất là, làm sao có thể truyền tải được cảm xúc của mình cho học trò khi dạy trực tuyến. Bởi với môn học này yếu tố cảm thụ tác phẩm rất quan trọng, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh phải “đồng điệu”, mà việc này chỉ dạy học trực tiếp mới có thể phát huy hiệu quả tốt nhất. Khắc phục tình trạng này, cô Năm tăng cường câu hỏi gợi mở cho học sinh để các em có thể diễn đạt ý tứ và nói những hiểu biết, cảm nhận của của mình về tác phẩm. “Trong bối cảnh này, chúng tôi chỉ có thể tăng cường dạy kỹ năng tập làm văn để các em có thể vận dụng và phát triển thành bài văn hoàn chỉnh, sau đó giáo viên sẽ góp ý”, cô Năm chia sẻ.

Ôn thi tốt nghiệp THPT mùa dịch: Thầy - trò cùng vượt qua áp lực ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung.

Lo lắng cho học trò, cô Nguyễn Phương Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) cho hay: Ngoài việc ôn tập trực tuyến, nhà trường khuyến khích giáo viên hỗ trợ học sinh bằng mọi cách, giúp các các em vững vàng kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi. Với những học sinh vùng núi, mạng Internet kém, giáo viên bộ môn sẽ photo tài liệu, in các dạng đề thi rồi gửi tại chốt kiểm dịch, để học sinh đến lấy về ôn tập. “Chúng tôi hỗ trợ học sinh bằng mọi cách, để không em nào bị bỏ lại phía sau. Mong ước lớn nhất của chúng tôi lúc này là, dịch sớm được khống chế, để học sinh có thể đến trường ôn tập, dù chỉ là 1 - 2 tuần trước kỳ thi”, cô Lan trải lòng.

Tổ Toán của trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi theo từng chủ đề ôn tập. Các chủ đề bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Sau mỗi giờ học, chúng tôi gửi bài tập hoặc các dạng đề thi để học sinh luyện tập. Điện thoại luôn trong tình trạng mở và sẵn sàng làm “đường dây nóng” để giải đáp bất cứ lúc nào khi các em cần. - Thầy Đỗ Văn Hải – Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh)

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ