1. Nhận định chung về đề thi môn Văn qua các đề minh họa của Bộ GD&ĐT
Trong khuôn khổ bài viết này, cô Minh Ngọc tập trung bàn về phần câu hỏi nghị luận văn học, chiếm 50% điểm số trong bài thi, trên cơ sở cùng xem xét lại các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Cô Minh Ngọc nhận định: Qua 3 đề thi minh họa, có thể thấy câu nghị luận văn học đi theo hướng đề tổng hợp, đòi hỏi học sinh phải tư duy, khái quát và tổng hợp kiến thức từ các tác phẩm, hình tượng văn học. Đây là kiểu đề có khả năng phân hóa cao nhưng lại cũng gây khó khăn cho học sinh trung bình, khá vì các em phải chủ động xây dựng ý, tìm dẫn chứng trong toàn bài và phải tự ghi nhớ dẫn chứng.
Từ 3 đề thi ấy, chúng ta có thể thấy đề tập trung vào các dạng sau:
- Phân tích, chứng minh một đặc điểm, khía cạnh của hình tượng thơ hoặc có thể là hình tượng trong tác phẩm kí, hình tượng nhân vật truyện, một nội dung của tác phẩm thơ, truyện. Ví dụ: vẻ đẹp hào hùng của người lính Tây Tiên, tính cách hung bạo của sông Đà, tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” trong đoạn trích “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
- Phân tích 2 phương diện của một hình tượng trong tác phẩm thơ, kí, truyện ngắn . Ví dụ: vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp con người của sông Hương, vẻ đẹp truyền thống và hiện đại trong cách thể hiện tình yêu của người phụ nữ ở bài thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh)
- Chứng minh, làm sáng tỏ 2 ý kiến về 1 nhân vật truyện, thường là 2 ý kiến có vẻ đối lập nhau nhưng lại là 2 phương diện bổ sung cho nhau làm hoàn thiện hình tượng 1 nhân vật truyện. Ví dụ: Tràng (“ Vợ nhặt” – Kim Lân) người đàn ông ngờ nghệch, vô tâm hay là người đàn ông tốt bụng, khát khao hạnh phúc? Mị (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài): người phụ nữ cam chịu, nô lệ hay là người phụ nữ luôn có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt? Hồn Trương Ba (“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” – Lưu Quang Vũ) là người hàn nhát, tha hóa hay là con người dũng cảm, cao thượng, dám đấu tranh để được là chính mình?
- Ngoài ra, không ngoại trừ khả năng đề thi ra dưới dạng so sánh hai đoạn thơ trong 2 bài thơ hoặc 2 đoạn văn có cùng nội dung, chủ đề như đề thi minh họa năm 2015.
2. Những lỗi cơ bản của học sinh khi viết bài nghị luận văn học
Với 3 dạng đề đó, có thể nhận thấy, học sinh giỏi, nắm chắc kiến thức tác phẩm tốt, có kĩ năng làm bài sẽ có cơ hội kiếm điểm cao.
Ngược lại, hầu hết các em học sinh vốn đã gặp khó khăn trong việc học môn văn một cách chủ động, có tư duy sẽ còn khó khăn hơn nữa. Vì với dạng đề như vậy, các em sẽ dễ bộc lộ những nhược điểm thường thấy ở các bài thi môn văn xưa nay là:
- Không xây dựng được hệ thống luận điểm, luận cứ: bài viết không có ý, lan man, gặp thơ thì diễn xuôi, gặp truyện thì sa đà vào tóm tắt, kể lể.
- Không lựa chọn được dẫn chứng phù hợp hoặc không có dẫn chứng: lười học dẫn chứng hoặc học thuộc theo các đề mẫu có sẵn nên không chọn được những dẫn chứng phù hợp cho đề thi.
- Phân tích dẫn chứng không bám sát văn bản: có được dẫn chứng nhưng lại không biết cách phân tích trên cơ sở dựa vào từ ngữ, giọng điệu, hìn hảnh trong tác phẩm nên đi xa văn bản và dẫn chứng đó.
3. Cách ôn tập, hệ thống kiến thức tác phẩm văn học bằng bảng biểu
Dựa trên tình hình thực tế đó, trong quá trình hướng dẫn học sinh khối 12 trường THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), cô Minh Ngọc chia sẻ sáng kiến: Biến kiến thức trong các tác phẩm văn học, các dạng đề thi thành những bảng biểu, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức nhanh và sâu hơn.
Bảng biểu tóm tắt cảnh đêm tình mùa xuân (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài) – sản phẩm của học sinh Phạm Nguyễn Gia Hưng, Trần Bích Tuyết Nhi, lớp 12A, trường THPT Đinh Thiện Lý |
Bảng biểu gồm có 5 cột như sau:
Cột 1: Các luận điểm lớn (ý lớn) trong phần thân bài, thường là: giới thiệu, phân tích – chứng minh, đánh giá – nhận định.
Cột 2: Các luận điểm nhỏ (ý nhỏ) để cụ thể hóa các luận điểm
Cột 3: Các luận cứ nhằm chứng minh cho 1 luận điểm
Cột 4: Trích dẫn chứng dưới dạng trích nguyên văn khổ thơ, lời văn hoặc trích tóm tắt 1 chi tiết, 1 sự kiện.
Cột 5: Đưa ra những điểm cơ bản cần ghi nhớ để phần phân tích dẫn chứng bám sát văn bản, có trọng tâm.
Từ thực tế áp dụng, tôi nhận thấy, so với những cách ôn tập môn văn trước đây như: viết bài, lập dàn ý tóm tắt, sơ đồ tư duy, cách hệ thống kiến thức theo bảng biểu có 4 lợi thế sau đây:
- Rõ ràng, dễ nắm bắt hệ thống ý: chỉ cần nhìn vào bảng biểu, học sinh sẽ nhận biết được các ý lớn, ý nhỏ qua việc tách hàng, tách cột.
- Hỗ trợ ghi nhớ dẫn chứng: đi liền với từng luận cứ, luận điểm, học sinh cũng dễ dàng nắm được dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.
- Dễ dàng triển khai thành đoạn văn (mỗi ý lớn, ý nhỏ được xây dựng theo hướng phát triển thành đoạn văn với mô hình diễn dịch: ý – dẫn chứng – lời bình, phân tích). Thực tế, diễn dịch là mô hình viết đoạn giúp giám khảo năm bắt ý của học sinh dễ nhất, hiệu quả nhất.
- Định hướng viết phần phân tích dẫn chứng hiệu quả, bám sát văn bản: với những ghi chú ngắn gọn, học sinh tránh được lỗi diễn xuôi, kể lể lại nội dung dẫn chứng.
Bảng biểu hướng dẫn cách hệ thống kiến thức bài thơ “Sóng” - (Xuân Quỳnh):
Ngoài ra, các bảng biểu này đều dễ thiết kế trên các phần mềm thông dụng như word hoặc powerpoint mà giáo viên quen sử dụng. Công phu hơn, giáo viên có thể khuyến khích học sinh tự làm bảng biểu viết tay, tự thiết kế bảng biểu, chèn hình, chèn icon minh họa để dễ nhớ bài hơn, bảng biểu sinh động hơn.
Cô Minh Ngọc nhắn nhủ các em: “Nếu muốn làm sẽ tìm cách. Nếu không muốn làm sẽ tìm cớ”. Vì vậy, với những chia sẻ này, mong các em học sinh 12, các thầy cô sẽ thấy con đường hệ thống kiến thức văn 12 trở nên gần hơn, bớt gian nan hơn. Chúc các em một mùa thi thành công.