Ôn tập cho học sinh lớp 12: Chắc kiến thức, vững kỹ năng

GD&TĐ - Vừa ôn tập, vừa “vá lỗ hổng” kiến thức là ưu tiên hàng đầu của thầy, trò khối 12 ở các trường học giai đoạn này. Đây là giải pháp để bảo đảm kiến thức cho học sinh tự tin dự thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường THPT chủ động lên kế hoạch vừa dạy học, vừa ôn tập, vừa “vá lỗ hổng” kiến thức cho HS lớp 12.
Nhiều trường THPT chủ động lên kế hoạch vừa dạy học, vừa ôn tập, vừa “vá lỗ hổng” kiến thức cho HS lớp 12.

Vừa ôn tập, vừa “vá lỗ hổng” kiến thức

Ngay khi trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch Covid-19, nhiều trường THPT chủ động lên kế hoạch vừa dạy học, vừa ôn tập, “giặm vá” kiến thức cho học sinh lớp 12.

Trường THPT Lương Định Của (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) từ tháng 2/2022 tăng 2 tiết/tuần cho tất cả các môn. Đầu tháng 4, học sinh lớp 12 kết thúc chương trình và tổ chức ôn thi học kỳ II và ôn thi tốt nghiệp THPT. Công tác ôn tập của trường được tổ chức theo tổ hợp môn học sinh lựa chọn. Nhà trường tổ chức kiểm tra để phân nhóm những em học lực trung bình và yếu, tổ chức bồi dưỡng thêm kiến thức. Trường chọn giáo viên đảm trách công tác này phải có kinh nghiệm, tâm huyết và hiểu tâm lý học sinh.

Tại Trường THPT Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), nhà trường vừa dạy học, vừa tổ chức phụ đạo trực tuyến cho các em lớp 12 không theo kịp chương trình. Nhờ giải pháp này nên hiện trên 50% học sinh của trường đạt khá, giỏi; còn lại là học sinh trung bình, không có học sinh yếu. “Em và các bạn đang tập trung ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo hình thức cuốn chiếu, với 2 nội dung gồm kiến thức trọng tâm và hướng dẫn giải đề. Bạn nào chưa nắm được bài thầy cô hướng dẫn sau giờ học hoặc qua Zalo, Facebook. Giờ chơi, sau giờ học, thầy cô cũng hỗ trợ để em và các bạn sớm lấy lại kiến thức và chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới”, em Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 12 nói.

Chia sẻ giải pháp phụ đạo, nâng kém cho học sinh lớp 12, thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết: Hằng năm, để hỗ trợ học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường tập hợp học sinh để sinh hoạt tư tưởng, đẩy mạnh một số hoạt động vui chơi, văn nghệ… tạo tâm lý thoải mái. Đặc biệt, để hỗ trợ học sinh ôn tập, nhà trường tổ chức bữa ăn miễn phí để giảm áp lực thời gian cho các em.

Về phương pháp ôn tập, nhà trường chỉ đạo các tổ trưởng, giáo viên bộ môn ôn tập tóm lược tất cả kiến thức, theo kiểu cuốn chiếu, ngắn gọn không gây áp lực. Riêng các em có nguy cơ trượt tốt nghiệp, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp rà soát kết quả học tập sau thi học kỳ II. Tổ chức các lớp phụ đạo vào buổi tối, ít nhất 3 buổi trong tuần để giúp các em vượt qua kỳ thi quan trọng. “Nhờ những giải pháp này nên 4 năm học qua ngôi trường vùng ven thành phố luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99,7%. Đặc biệt, 2 năm học liền nhà trường đều có học sinh đạt thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT”, thầy Dũng cho biết.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến tại trường.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến tại trường.

Tận dụng thời gian vàng hỗ trợ học sinh

Để đảm bảo kiến thức cho học sinh lớp 12, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các trường phải thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19. Thầy cô tận dụng triệt để thời gian học trực tiếp để cung cấp các kiến thức trọng tâm, cốt lõi của chương trình. Linh hoạt tổ chức các buổi ôn tập trực tuyến hoặc kết hợp một cách phù hợp với khả năng học tập của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của đơn vị.

Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở yêu cầu lãnh đạo các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát, xây dựng và hoàn thành kế hoạch dạy học chương trình lớp 12. Tuyệt đối không được cắt giảm số tiết, môn học và hoạt động giáo dục đã quy định trong chương trình. Phấn đấu hoàn thành trước ngày 16/5 để tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập để kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp ôn tập cho phù hợp…

Tại tỉnh Tiền Giang, các trường THPT khởi động ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ đầu tháng 5. 2 tháng còn lại tuy không nhiều nhưng được xem là thời gian vàng để thầy và trò lớp 12 có thể hệ thống lại kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh cần cân đối thời gian, tự đề ra cho bản thân từng giai đoạn ôn tập phù hợp. Bên cạnh ôn tập ở trường, học sinh cần dành thời gian để tự lấy lại kiến thức bị hổng trong quá trình học trực tuyến.

Theo thầy Trần Trọng Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim, học sinh ôn tập cần có trọng tâm, không được học vẹt, học máy móc. Bên cạnh học trên lớp, các em có thể học nhóm, lên mạng tham gia nhóm học tập để trao đổi kinh nghiệm… Các em cần có kế hoạch cụ thể cần phải làm gì trong từng tuần, cho đến tuần cuối cùng có thể đủ tự tin với hành trang kiến thức, kỹ năng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch ôn tập, hỗ trợ học sinh yếu, kém có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT. Thời gian từ nay đến kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhiều, sau khi có điểm thi học kỳ II, các trường, trung tâm tiếp tục rà soát, phân loại học sinh. Trong đó chú trọng trò học lực yếu, kém, có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT để lên kế hoạch ôn tập, giúp các em nắm kiến thức căn bản để tham gia thi tốt nghiệp THPT...

Tỉnh Cà Mau cũng tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 12, theo Sở GD&ĐT, các trường THPT đã hướng dẫn trò chủ động rà soát, hệ thống hoá kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học. Sở triển khai thi thử nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài thi... Thông qua kết quả thi, nhà trường, giáo viên rút kinh nghiệm, đánh giá để đưa ra giải pháp tiếp tục bồi dưỡng trong những tuần còn lại, giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đạt yêu cầu của kỳ thi. Theo ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, học sinh lớp 12 cần chủ động trong việc hệ thống hoá kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, dạng bài tập theo các mức độ. Qua đó nắm vững và làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong các tình huống khác nhau của đề thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.