Ổn định tâm lí cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài công tác ôn luyện, sức khỏe, việc ổn định tâm lý thí sinh được phụ huynh và nhà trường rất quan tâm.

Hiện các em học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: CTV).
Hiện các em học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: CTV).

Không tạo áp lực cho các em

Chỉ còn gần một tháng nữa, hàng triệu học sinh khối 12 trên cả nước sẽ bước vào kì thi tốt nghiệp THPT 2023. Áp lực, mệt mỏi, căng thẳng,… là những dấu hiệu sức khỏe, tâm lí dễ thấy ở các em. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất thì việc để ý chăm lo sức khỏe tinh thần, ổn định tâm lí cho các em là điều hết sức quan trọng.

Thời gian ôn tập kéo dài, thời tiết nắng nóng cộng thêm áp lực từ việc học hành, lo lắng cho kì thi sắp tới dễ khiến các em học sinh rơi vào tình trạng stress, thậm chí trầm cảm.

Em Trần Hà Giang, học sinh lớp 12, trường Mai Thúc Loan chia sẻ: “Thời gian này, hầu như lúc nào em cũng rơi vào trạng thái căng thẳng. Nghĩ đến những kì vọng của bố mẹ, thầy cô và công sức đèn sách suốt 12 năm, bản thân em thấy vô cùng áp lực. Mặc dù bố mẹ, thầy cô đã động viên rất nhiều nhưng em vẫn cảm thấy rất lo lắng. Căng thẳng kéo dài dẫn đến khả năng ghi nhớ càng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ôn tập”.

Tâm lý ôn thi tốt nghiệp THPT của các em học sinh được phụ huynh và các trường học rất quan tâm. (Ảnh: CTV).

Tâm lý ôn thi tốt nghiệp THPT của các em học sinh được phụ huynh và các trường học rất quan tâm. (Ảnh: CTV).

Chị Võ Thị Hà (mẹ của em Trần Hà Giang) cho biết, là cha mẹ, ai cũng mong con mình sẽ học hành thành đạt để có công việc ổn định trong tương lai. Nhưng không vì thế mà gia đình tạo áp lực lên con em mình. Tuy nhiên, các con cũng có mong muốn và ước mơ của riêng mình. Kì thi sắp tới chính là thử thách đầu tiên mà các con cần phải vượt qua.

“Nhiều đêm thấy con học bài khuya, tôi cũng âm thầm thức cùng con. Tôi chỉ biết động viên con cố gắng. Mặc dù đang ngày mùa rất bận rộn, bố cháu đi làm xây dựng ở xa, một mình tôi phải quán xuyến việc đồng áng. Nhưng tôi cũng tự thu xếp việc nhà, mướn thêm người làm giúp để tạo điều kiện cho con tập trung vào việc học, không phải phụ giúp mẹ”, chị Hà chia sẻ.

Tạo tâm lý thoải mái nhất

Xác định kì thi tốt THPT đối với các em học sinh lớp 12 vô cùng quan trọng. Theo nhiều phụ huynh, việc tạo cho các em tâm lí thoải mái trước thềm kì thi là điều hết sức cần thiết.

Chị Nguyễn Hải Châu, thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Gia đình có con gái đang ôn tập để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT nên tôi luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ để giảm bớt stress cho cháu. Quá trình ôn tập vất vả, mệt mỏi nên nhiều khi các cháu không thể tránh khỏi tâm trạng bực bội, cáu gắt, tính khi thất thường. Tôi thường đùa với cả nhà “Xin đừng động vào cây mùa lá rụng”. Tất cả chỉ mong cháu có tâm thế tốt nhất để bước vào kì thi”.

“Trong thời tiết nắng nóng, vì học xa nhà nên con phải ở trọ cùng bạn tôi rất xót xa và lo lắng. Tôi đã đề nghị với cháu sẽ thu xếp việc nhà, ra ở trọ cùng con để mẹ con gần gũi nhau và tôi có điều kiện chăm sóc bữa cơm giấc ngủ cho các cháu. Nhưng cháu thương mẹ vất vả, cộng thêm áp lực nên cháu xin được ở cùng bạn. Tôn trọng ý kiến của con nên tôi ở nhà. Hàng tuần tôi gửi thêm đồ ăn, trái cây tươi, bánh sữa để cháu bồi dưỡng, có thêm sức khỏe để học tập”, chị Nguyễn Thị Lợi, huyện Đức Thọ nói.

Thầy Hoàng Quốc Quyết – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, trước kì thi, các em học sinh thường có các triệu chứng như mất ngủ, kém tập trung, dễ cáu gắt, bồn chồn, lo lắng… Đây là những biểu hiện thường thấy khi các em ở trong tình trạng căng thẳng kéo dài. Các bậc phụ huynh và thầy cô cần chú ý quan tâm các em nhiều hơn, thường xuyên động viên, chia sẻ, tháo gỡ khúc mắc để các em có được sự tự tin, tâm lí thoải mái.

“Các thành viên trong gia đình nên tạo không khí bình yên, vui vẻ, tránh các xáo xộn tâm lí không cần thiết làm ảnh hưởng đến tinh thần của các em. Đồng thời, sự quan tâm thái quá cũng sẽ gây thêm áp lực cho các em. Vì vậy, phụ huynh cần giữ sự quan tâm chừng mực, vừa phải. Quá trình diễn biến tâm lí thất thường, nhạy cảm ở các em sẽ chấm dứt sau kì thi, vì vậy bố mẹ, thầy cô cần kiên nhẫn, bao dung, lắng nghe các em, tránh những lời chỉ trích không đáng có.

Bản thân các em học sinh cần đề ra cho mình thời gian biểu phù hợp. Ngoài giờ học, các em cần thư giãn, tập thể dục, chơi các môn thể thao vận động nhẹ nhàng, kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lí”, thầy Quyết nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.