Ổn định sĩ số của các trường vùng “nóng”: Chủ động và linh hoạt

GD&TĐ - Với các nhà trường và thầy cô giáo ở vùng cao, tháng Giêng là khoảng thời gian vất vả trong công tác huy động học sinh trở lại trường lớp do các em nghỉ học tham gia lễ hội, lao động kiếm sống, kết hôn sớm… Duy trì trường lớp thời điểm “nóng” đòi hỏi những giải pháp, nỗ lực của nhà trường, thầy cô và địa phương. 

Nhanh chóng ổn định sĩ số ở nhiều trường học vùng khó
Nhanh chóng ổn định sĩ số ở nhiều trường học vùng khó

Ổn định sĩ số “vùng nóng”

Thầy giáo Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường PT DTBT Tiểu học Tả Gia Khâu – Mường Khương (Lào Cai) chia sẻ: Tựu trường sớm 1 - 2 ngày sau nghỉ Tết không còn xa lạ với đa số thầy cô giáo vùng cao để sớm đưa công tác giảng dạy và sĩ số học sinh vào ổn định. Song đa số giáo viên (GV) đều coi đây như nhiệm vụ tất yếu, dù vất vả nhưng họ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết, tình cảm đối với trường lớp, học trò…

Tại Trường PT DTBT Tiểu học Tả Gia Khâu, 3 ngày trở lại trường sau Tết, tỉ lệ chuyên cần của HS toàn trường đã đạt 100% với tổng số 281 HS tại 1 điểm trường trung tâm và 6 điểm trường lẻ trên 10 thôn bản.

Theo thầy Tùng, sĩ số HS được GV và nhà trường nắm bắt theo từng ngày. Sau mỗi buổi học, GV chủ nhiệm có trách nhiệm tới tận nhà trao đổi cùng gia đình, động viên HS mau chóng trở lại lớp học. Trong trường hợp nhận thấy HS có ý định nghỉ học để tham gia lao động sản xuất, lấy vợ chồng sớm, mải chơi lễ hội… nhà trường sẽ kết hợp với trưởng thôn bản bằng mọi cách đưa HS trở lại lớp nhanh nhất...

Thực tế cho thấy, tại một số trường vùng cao biên giới nơi có tỉ lệ HS dân tộc chiếm 98 - 100% và có nhiều lễ hội, hủ tục ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số như TH và THCS Nghĩa Thuận - huyện Quản Bạ - tỉnh Hà Giang; Trường THPT A Túc - huyện Hướng Hóa - tỉnh Quảng Trị; THCS BT Tân Xuân - huyện Vân Hồ - tỉnh Sơn La… đã ghi nhận tỉ lệ duy trì sĩ số khá cao từ 95 - 100%. Tình trạng HS nghỉ, trốn, bỏ học để lao động sản xuất, tham gia lễ hội, cưới vợ chồng sớm… cơ bản đã được loại bỏ. Các trường hợp HS chưa đến lớp có lý do (ốm đau, đi thăm người thân) đều được giáo viên nắm bắt theo sát đôn đốc. Hoạt động giáo dục sớm đi vào nền nếp từ buổi học đầu tiên.

HS vùng khó. Ảnh minh họa
 HS vùng khó. Ảnh minh họa

Không bị động ngày đầu năm học

Có thể nói, các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT… khá chủ động trong việc chỉ đạo, quán triệt sớm xuống nhà trường các giải pháp ổn định, duy trì sĩ số học sinh sau Tết. Ngoài ra, các nhà trường cũng linh hoạt với nhiều giải pháp chống bỏ học, đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp với HS và tình hình chung.

Ông Lê Kim Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ cho biết: Sau Tết là thời điểm “nóng” nhất trong việc vận động HS trở lại trường lớp đầy đủ. Tết Nguyên đán 2018, số HS quay lại trường lớp ngày đầu của toàn huyện Quản Bạ chỉ đạt 80%. Năm nay, để không bị động, đồng thời quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục nên Phòng GD&ĐT Quản Bạ đã chỉ đạo các cơ sở GD triển khai hàng loạt giải pháp chống bỏ học.

Các nhà trường nắm rõ và thông báo tới PHHS thời gian nghỉ và nhập học trước và sau Tết; GV phải làm tốt công tác động viên, tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của PHHS trong việc đưa con trở lại trường lớp; Nhà trường khoanh vùng cụ thể đối tượng HS để làm hiệu quả công tác vận động; Nhà trường và xã kết hợp thành lập ban vận động, phối hợp vận động… Năm nay lịch nhập học sau Tết Nguyên đán của HS huyện Quản Bạ dù đã rút ngắn và đẩy sớm lên so với các năm trước 4 ngày song sau 3 ngày trường lớp đi vào hoạt động thì sĩ số HS cũng đảm bảo gần 100%. 

Từ thực tế duy trì ổn định sĩ số tại các trường học vùng cao, vùng khó thời điểm “nóng” sau Tết Nguyên đán cho thấy: Ở đâu nhà trường, GV, chính quyền địa phương quan tâm, tích cực chủ động bám trường lớp, học sinh thì ở đó thu được kết quả cao. Mặt khác, các giải pháp chống bỏ, nghỉ học được áp dụng   ở mỗi địa phương, nhà trường cần căn cứ theo tình hình thực tế để phát huy hiệu quả. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.