Là một người thường xuyên làm từ thiện, thời gian qua khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, nữ ca sĩ Thái Thùy Linh đã quyết định "đơn thân độc mã" vào tận tâm dịch chỉ với vỏn vẹn 2 vali đồ để hỗ trợ, giúp đỡ người dân.
Đặc biệt mới đây, nữ ca sĩ đã bất ngờ có những chia sẻ khá dài trên trang cá nhân về việc làm thế nào để minh bạch tài chính khi làm từ thiện.
Làm thiện nguyện sao phải ngại “nhạy cảm”?
Vì mình là nghệ sỹ làm thiện nguyện nên khi các đồng nghiệp gặp chuyện mà mình lên tiếng nói mình minh bạch thế này thế kia thì vô hình chung lại bị coi là “dìm” bạn để mình nổi. Mà không nói thì dân mạng bảo “chắc cũng thế nào nên mới im im”. Lên tiếng nói 1, dân tình hiểu 5 (kiểu khác nhau).
Nên về cơ bản, Linh không quá để tâm thiên hạ nói gì, cũng không quá quan tâm đến việc mọi người nghĩ sao về những gì Linh nói.
Cái gì bớt được thì bớt, cố được thì cố, giúp được ai thì giúp, việc gì mình cần làm thì làm, lúc nào cần nói và có thời gian thì nói, vậy thôi.
Linh có bỏ nhiều tiền ra làm từ thiện?
Các chương trình Linh làm xin không gọi là từ thiện. Vì theo quan điểm của Linh, từ thiện là khi ta có dư thừa và mang đi cho/biếu/tặng. Còn các chương trình Linh làm, gọi tên chính xác là tình nguyện.
Bởi vì rất nhiều người trong chúng tôi không có tiền bạc dư thừa, mà chúng tôi chỉ có điểm chung là tình nguyện cống hiến, cho đi những gì mình có thể, trong hoặc đôi khi là quá khả năng, và thường chia làm 2 kiểu:
a. Phi vật chất: Chúng tôi tình nguyện cho đi thời gian, chất xám, kinh nghiệm, mối quan hệ, công sức, tinh thần… hoàn toàn miễn phí, để đổi lấy những thứ lẽ ra phải mất phí (thậm chí rất nhiều phí) mới có được, cho người khó khăn.
b. Ủng hộ tiền và hiện vật: Ai thấy chúng tôi làm việc hiệu quả và cảm thấy cần góp, muốn góp tiền thì tình nguyện góp tiền, ai sẵn đồ hoặc muốn tặng đồ thì tình nguyện góp đồ. Thậm chí nhiều người chả dư dả gì đâu, nhắn tin bảo chị/em muốn làm tình nguyện viên lắm nhưng không có thời gian, nên chị/em xin góp chút tiền, nhờ Linh và các bạn giúp bà con…, những tin nhắn như thế có rất nhiều.
Tôi hoạt động hơn 10 năm nay hầu như không có khái niệm đi xin (nói là hầu hết vì chỉ có một vài trường hợp rất thân và được dặn trước là Linh có hoạt động gì giúp bà con/các cháu thì ới anh/chị, thì tôi mới mở lời, và thường là những khoản không quá lớn).
Tôi rất ít kêu gọi đóng góp mà tập trung vào làm việc và báo cáo kết quả bằng công việc. Chỉ khi mọi người hỏi nhiều quá thì tôi mới đăng hoặc ghim tài khoản lên để tiện cho mọi người gửi gắm.
Tôi không có thói quen đo thành công của một chương trình bằng số tiền mọi người ủng hộ vào. Tiền càng nhiều càng áp lực nhiều, nếu làm thật sẽ biết chẳng có gì “sung sướng” cả, vì bà con còn đóng góp là mình còn trách nhiệm phải tiêu, mà không được tiêu ẩuu. Tiêu sao cho đúng, cho giỏi mới là hay.
Làm tình nguyện đúng nghĩa là chấp nhận “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chiến dịch càng dài thì càng tốn “cơm nhà”, tốn luôn tỉ tì ti những khoản không tên, trong đó có thời gian và cơ hội chăm lo cho chính mình, cho gia đình. Nên, về cơ bản, được thất nghiệp sớm chừng nào hay chừng ấy - tức là không còn những người quá cần mình phải giúp nữa.
Làm thế nào để minh bạch tài chính?
Như nhiều chương trình tình nguyện khác mình từng làm, Linh không bao giờ độc lập quản lý tài chính. Bởi, 1 là không đủ trình, đến bảng excel còn không biết làm thì đừng nói những việc phức tạp hơn và 2 là không dại gì mà một mình quản lý tiền, tâm có trong như nước cũng không tránh khỏi nghi kị.
Mỗi chương trình luôn tìm tình nguyện viên có chuyên môn kế toán để làm thống kê thu chi, tùy chương trình sẽ đề ra quy trình hay các loại biên lai hóa đơn cần có để thanh toán.
Không bao giờ sử dụng chỉ 1 người làm công tác thống kê hạch toán thu chi, cũng không bao giờ sử dụng 1 tình nguyện viên kế toán xuyên suốt chương trình này qua chương trình khác.
Thông thường sẽ có Ban kiểm toán và Trưởng nhóm tài chính kế toán, vừa đảm bảo chia sẽ bớt khối lượng công việc, vừa đảm bảo có sự kiểm tra chéo, hạn chế nhầm lẫn, sai sót.
Mọi đơn hàng và biên lai đều được duyệt bởi tối thiểu 2 thành viên trước khi chuyển tiền, ai duyệt người đó chịu trách nhiệm cuối cùng, và mọi con số phải đảm bảo khớp tới từng đồng. Kể cả "trùm cuối" muốn chi cũng phải có lệnh của đội kế toán, chứ không phải muốn chi gì thì chi.