Ồn ào chạy đua học trái tuyến

Ồn ào chạy đua học trái tuyến

(GD&TĐ) - Mặc dù biết là trái tuyến do hộ khẩu khác phường hoặc chỉ mới đăng ký tạm trú nhưng nhiều PHHS vẫn “nuôi” nguyện vọng cho con em mình vào học các lớp đầu cấp của trường “chất lượng cao”. Vậy làm thế nào để những HS đó có “cửa vào” thuận lợi nhất?

Tuy chỉ có hộ khẩu tạm trú nhưng để có đủ điều kiện cho con nhập trường này, theo lời khuyên của người nhà, vợ chồng anh Lê Văn D. –  công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã tìm cách nhờ “cò”  chạy hộ khẩu KT3. Đây cũng là “đường binh” của rất nhiều người dân sống quanh khu vực này đang có nguyện vọng hướng cho con “tới cái đích mà cha mẹ đã ngắm”.

Chính vì thế áp lực chạy hộ khẩu bắt đầu “chuyển kênh” sang công an phường. Nếu giá “cò” hộ khẩu từ 1 “chai” (1 triệu) trong đầu tháng 4 thì đến nay đã nhảy vọt lên 3 “chai”. Đây cũng là “con đường máu” của rất nhiều PH muốn tìm cách cho con mình được vào các trường “chất lượng cao” theo suy nghĩ của họ. 

Cô Nguyễn Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc A có lời khuyên: “Nhà trường rất muốn nhận hết con em vào học nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu nên không thể đáp ứng được mọi yêu cầu của người dân nhất là diện trái tuyến và tạm trú tại địa phương. Có hộ khẩu KT3 chỉ là điều kiện cần chứ không phải quyết định tất cả. PH cố chạy KT3 nhưng trường không mở được thêm lớp thì cũng không thể nào nhận vào được”.

Để tránh tình trạng chạy nóng hộ khẩu, nhiều quận huyện đã đưa ra quy định hộ khẩu chỉ có giá trị trước đó 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Thế nhưng không ít PHHS vẫn tìm cách vớt vát nên trong thời điểm giữa hè mà vẫn bỏ tiền triệu ra “mua” hộ khẩu để lo chạy trường cho con. Trong khi đó, một số trường đã ra thông báo không nhận hộ khẩu nhập sau ngày 30/5. Đây chính là bài toán nan giải cho các hiệu trưởng và BGH các trường dư chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp khi phải làm việc và “giải trình” với người dân. 

Thay vì tìm cách chạy vào trường công chất lượng, nhiều phụ huynh chọn trường ngoài công lập uy tín. Trong ảnh: HS trường Đinh Thiện Lí (TPHCM) trong giờ học
Thay vì tìm cách chạy vào trường công chất lượng, nhiều phụ huynh chọn trường ngoài công lập uy tín. Trong ảnh: HS trường Đinh Thiện Lí (TPHCM) trong giờ học
 

Cách đây vài năm, một trường THCS quận Bình Thạnh có nhận và giải quyết cho một hồ sơ trái tuyến. Khi có người thắc mắc thì mới biết nguyên nhân để nhà trường chấp thuận là do HS có hộ khẩu ở quận Thủ Đức, nhà ở Khu tập thể cao su Bình Lợi giáp ranh với quận Bình Thạnh. Nếu HS này ra học Trường THCS Ngô Chí Quốc đúng tuyến thì mất 4 cây số nhưng nếu được học trái tuyến thì chỉ băng qua cầu Bình Lợi là tới. Trong hồ sơ của em còn có giấy bảo lãnh của cha mẹ đều là GV ở trong ngành Giáo dục nên cũng được BGH và Phòng GD&ĐT chiếu cố hơn.

Đây cũng là cách giải quyết của một số trường hiện nay khi xét hồ sơ HS đăng ký theo nguyện vọng. Hiệu trưởng một trường TH quận Bình Thạnh cho biết, hàng năm vẫn có một số GV đến trường xin cho con cháu vào học theo nguyện vọng.

Tuy nhiên nhà trường chỉ có thể linh động ưu tiên cho những HS là con ruột của GV. Nhưng cũng phải chờ đến cuối tháng 7 khi đã ổn định mới có thể trả lời được. Còn nhiều trường hợp nhận là cháu họ, cháu vợ thì chúng tôi không thể giải quyết được vì biết đâu đó chỉ là người quen, bạn bè hay cháu ruột trên danh nghĩa nhưng “bắn đại bác ba ngày cũng không tới”.

Biết chắc là không còn cơ hội để vào Trường Vĩnh Lộc A nên anh D. đã nhanh chóng cho con vào nhập Trường TH Vĩnh Lộc B theo tuyến. Tuy biết phải đưa rước con xa xôi và cực nhọc nhưng vợ chồng anh nuôi hy vọng sang học kỳ 2 con anh sẽ được chuyển về học tại Trường TH Vĩnh Lộc B cho gần nhà vì theo Phòng GD&ĐT và BGH khẳng định lúc đó trường sẽ xây xong gần 10 phòng học mới chắc chắn nhưng đứa trẻ như con anh sẽ có “cửa vào”  trường trái tuyến.

Vừa qua, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Tân Bình, Trường THCS Trường Chinh bắt đầu niêm yết danh sách HS vào học lớp 6 theo nguyện vọng PHHS đăng ký. Thầy Trịnh Công Thuận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là những HS có hộ khẩu ngoài địa bàn P.12 thuộc diện trái tuyến.

Tuy nhiên, theo sự thống nhất của Phòng GD&ĐT quận, các em đã đủ điều kiện để được vào học lớp 6 tại trường THCS Trường Chinh”. Nhìn vào danh sách được dán trên bảng thông báo trước cổng trường, một số PHHS không thấy họ tên con em mình nhưng cũng bằng lòng vì gần 50 em được xét học trái tuyến lần này đều có số điểm tuyệt đối cho cả 2 môn Tiếng Việt và Toán là 20 điểm.

Chị Ngọc Xuân ngụ ở P.10, Q. Tân Bình phân trần: “Con trai tôi học Trường TH Lê Thị Hồng Gấm là HS trái tuyến nhưng gia đình vẫn có nguyện vọng đầu tiên cho cháu vào học Trường THCS Trường Chinh. Tuy nhiên, do cháu chỉ được 19 điểm nên không có tên trong danh sách này”. Theo chị Xuân, cả 2 vợ chồng đều tiếc nhưng cũng đành phải chấp nhận vì cháu còn thiếu điểm đầu vào.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết: “Trường THCS Trường Chinh là một trong những trường của quận vài năm gần đây bắt đầu chịu áp lực tuyển sinh đầu cấp.

Tuy nhiên trường vẫn có chỉ tiêu ưu tiên cho một số HS thuộc diện trái tuyến theo nguyện vọng của PH”. Cũng theo bà Thuỷ, điều kiện đầu tiên là điểm số về học lực những em đạt điểm tối đa thường được xét ưu tiên trước.

Nếu còn chỗ học thì hạ điểm chuẩn xuống 19,75 như năm học trước và 19,50 như năm học này. Nói như vậy không có nghĩa là HS nào đạt 19,50 đều có tên trong danh sách mà còn xét tới các yếu tố ưu tiên khác như địa lý hay hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Cách làm của trường cũng là cách một số trường THCS trong quận Tân Bình thực hiện”.

Trong khi đó, tại Trường TH Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh phải gánh trách nhiệm vô cùng nặng nề với số lượng HS đúng tuyến. Do trường chỉ có 20 phòng học nên hàng năm không đủ chỗ cho HS 5 khối theo học.

Thế nhưng – theo ông Nguyễn Minh Châu, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh - TH Vĩnh Lộc A là một trường thuộc huyện ngoại thành nhưng nhiều năm nay áp lực tuyển sinh đầu cấp vô cùng lớn.

Nguyên nhân là do trường nằm gần khu công nghiệp nên số lượng gia đình công nhân từ các tỉnh miền ngoài nhập cư hàng năm rất đông. Trường lại nằm giáp ranh với quận Bình Tân nên còn phải làm “nghĩa vụ quốc tế” với quận bạn nữa. Dù PHHS có nhu cầu rất lớn nhưng nhà trường không dám tổ chức các lớp học bán trú như một số trường TH khác chung địa bàn nhưng vẫn không “hạ nhiệt” được sự quá tải.

Nguyễn Hoàng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ