Olympic Khoa học quốc tế với Olympic Vật lí quốc tế

GD&TĐ - Nêu hiệu danh loạt kì thi cấp toàn cầu hằng năm dành cho học sinh giỏi được gọi chung là Olympic Khoa học quốc tế (ISO) xong, bài này sẽ giới thiệu Olympic Vật lí quốc tế (IPhO).

Dự IPhO 2008, Đỗ Hoàng Anh, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Tất Nghĩa (trái sang) cùng đoạt 4 HCV cho Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng
Dự IPhO 2008, Đỗ Hoàng Anh, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Tất Nghĩa (trái sang) cùng đoạt 4 HCV cho Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng

ISO

Olympic Khoa học quốc tế, tiếng Anh ghi International Science Olympiads, do đó tắt hóa thành ISO. Lưu ý rằng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế / International Organization for Standardization cũng tắt hóa thành ISO và iso.

ISO mà chúng ta đang đề cập hiện gồm nhiều kì thi cấp toàn cầu được tổ chức cho học sinh giỏi. Đây liệt kê 16 kì thi nọ: Thứ tự bằng số La Mã, đến năm tổ chức đầu tiên bằng số Ả Rập / Ấn Độ, rồi tên kì thi bằng tiếng Việt và tiếng Anh, sau cùng là hiệu danh tắt hóa trong đôi ngoặc đơn.

I.  1959. Olympic Toán học quốc tế /  International Mathematical Olympiad (IMO)

II. 1967. Olympic Vật lí quốc tế / International Physics Olympiad (IPhO)

III. 1968. Olympic Hóa học quốc tế /International Chemistry Olympiad (IChO)

IV. 1989. Olympic Tin học quốc tế / International Olympiad in Informatics (IOI)

V. 1990. Olympic Sinh học quốc tế / International Biology Olympiad (IBO)

VI. 1993. Olympic Triết học quốc tế / International Philosophy Olympiad (IPO)

VII. 1996. Olympic Thiên văn học quốc tế / International Astronomy Olympiad (IAO)

VIII. 1996. Olympic Địa lý quốc tế /  International Geography Olympiad (IGeO)

IX. 2003. Olympic Ngôn ngữ học quốc tế /  International Linguistics Olympiad (IOL - chứ không phải ILO là International Labour Organization / Tổ chức Lao động quốc tế, một cơ quan đặc biệt của Liên Hợp Quốc)

X. 2004. Olympic Khoa học Thiếu niên quốc tế / International Junior Science Olympiad (IJSO)

XI. 2004. Olympic Hình học quốc tế / International Geometry Olympiad (IGO)

XII. 2007. Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn /  International Olympiad on Astronomy and Astrophysics (IOAA)

XIII. 2007. Olympic Khoa học Trái đất quốc tế / International Earth Science Olympiad (IESO)

XIV. 2013. Olympic Vật lý Thực nghiệm quốc tế / International Experimental Physics Olympiad (IEPhO)

XV. 2015. Olympic Lịch sử quốc tế /  International History Olympiad (IHO)

XVI. 2016. Olympic Y học quốc tế / International Medicine Olympiad (IMDO)

Đương kim Chủ tịch IPhO là GS.TS Vật lí Rajdeep Singh Rawat - giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang / Nam Dương tại Singapore - chụp ảnh với các thí sinh Singapore dự IPhO 2018.
Đương kim Chủ tịch IPhO là GS.TS Vật lí Rajdeep Singh Rawat - giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang / Nam Dương tại Singapore - chụp ảnh với các thí sinh Singapore dự IPhO 2018.

Lược sử và quy chế IPhO

Olympic Vật lí quốc tế / International Physics Olympiad (IPhO) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1967 tại Warsaw, thủ đô đất nước Ba Lan, có 5 quốc gia tham dự là Bulgary, Hungary, Rumani, Tiệp Khắc và chủ nhà Ba Lan.

IPhO lần thứ nhì diễn ra vào năm 1968 tại Budapest, thủ đô Hungary, có 8 quốc gia tham dự, cùng 5 nước đã tham gia lần đầu thì thêm Liên Xô, Nam Tư, Cộng hòa Dân chủ Đức / Tây Đức.

Năm 1972, IPhO lần VI diễn ra tại Bucharest, thủ đô Rumani, có quốc gia tư bản đầu tiên tham gia là Cộng hòa Pháp.

Các năm 1973, 1978, 1980, IPhO không thể tổ chức vì những nguyên nhân bất khả kháng.

Năm 1982, IPhO lần XIII được Tây Đức là quốc gia tư bản đầu tiên làm chủ nhà.

Tham gia IPhO, mỗi nước được cử 1 đoàn với số lượng thí sinh tối đa là 5, thêm 1 trưởng đoàn, 1 phó đoàn cùng các nhà quan sát. Thí sinh phải dưới 20 tuổi, là học sinh trung học phổ thông (THPT), có thể đã lấy bằng tú tài nhưng chưa vào đại học hoặc cao đẳng hoặc tương đương.

Mỗi kì IPhO có 2 ngày thi. Ngày trước, thí sinh giải 3 bài toán liên quan ít nhất 4 lĩnh vực vật lý được dạy trong chương trình THPT, với tổng điểm tối đa là 30. Ngày sau, thí sinh thực hành 1 hoặc 2 bài thí nghiệm, tổng điểm tối đa cũng 30. Giữa 2 ngày thi có 1 ngày nghỉ.

Dự IPhO, mọi thí sinh đều được cấp giấy chứng nhận. Căn cứ tổng điểm từng cá nhân, thí sinh có thể lĩnh phần thưởng từ thấp lên cao gồm bằng danh dự, Huy chương Đồng (HCĐ), HC Bạc (HCB), HC Vàng (HCV). Thí sinh nào đạt tổng điểm cao nhất thì gọi thắng tuyệt đối, cùng HCV còn nhận thêm giải Đặc biệt.

Việt Nam tham gia IPhO

Năm 1981, Việt Nam bắt đầu tham gia IPhO lần XI diễn ra tại ở Vama, TP ven biển Đen của Bulgari. Khởi sự, đoàn nước ta có 5 thí sinh, thì Trương Bá Hà (lớp 11 THPT Phan Bội Châu, Cam Ranh, Khánh Hòa) đoạt HCĐ.

Đến năm 1995, IPhO XXVI tổ chức tại Canberra, thủ đô của Úc, đoàn Việt Nam mới bắt đầu có HCV nhờ thành tích lập bởi Đinh Sỹ Quảng (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Năm kế tiếp, 1996, IPhO XXVII diễn ra tại Oslo, thủ đô Na Uy, đoàn Việt Nam tiếp tục đoạt HCV bởi Trần Thế Trung (THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm 2008, Việt Nam đăng cai tổ chức IPhO lần XXXIX. Đoàn chủ nhà lập thành tích đáng mừng, 5 thí sinh thì Trần Anh Vũ (THPT dân lập Đào Duy Từ, Hà Nội) đoạt HCĐ, còn 4 học sinh Nguyễn Đức Minh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), Đỗ Hoàng Anh (THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Tất Nghĩa (THPT chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An) và Huỳnh Minh Toàn (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) đều ẵm HCV.

Đoàn Việt Nam dự IPhO từ năm 2014 đến năm 2019, năm nào cũng đoạt HCV; trong đó, năm 2018 diễn ra ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, đoạt 4 HCV.

Dự IPhO, có những nam nữ thí sinh nước ta từng đoạt 2 HCV nêu theo năm:

* 2007 & 2008: Nguyễn Tất Nghĩa (THPT chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An)

* 2012 & 2013: Ngô Phi Long (THPT chuyên Sơn La)

* 2014 & 2015: Vũ Thanh Trung Nam (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)

* 2015 & 2016: Đinh Thị Hương Thảo (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định)

* 2016 & 2017: Nguyễn Thế Quỳnh (THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Đồng Hới, Quảng Bình). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ