Gia đình chị Nguyễn Thanh Nga (Hà Nội) sử dụng chiếc thớt gỗ đã ba năm. Hàng ngày, chị băm chặt kết hợp thức ăn sống và thức ăn chín trên thớt. Bề mặt thớt xuất hiện những vết mốc đen, vết dao lâu ngày, tạo thành khe kẽ nhỏ. Chị Nga không mua chiếc mới mà tận dụng tiếp mặt sau của thớt. Mỗi khi dùng xong, chị rửa lại bằng nước lạnh rồi treo lên, để ráo nước.
Thớt gỗ chứa vi khuẩn gấp 200 lần bồn cầu nếu không vệ sinh đúng cách. |
"Dùng chiếc thớt quá lâu và chỉ dùng một thớt cho các loại thức ăn là sai lầm của nhiều người", phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết. Thớt là một hỗn hợp tất cả loại thực phẩm bám vào và không được vệ sinh sạch sẽ. Khi băm chặt thức ăn, mảnh vụn bám lại trên mặt thớt lâu ngày biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm cho cơ thể. Trong số này có vi khuẩn Salmonella gây viêm dạ dày, viêm ruột, sốt thương hàn. Vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy. Đặc biệt, độc tố aflatoxin sinh ra từ nấm mốc được coi là nguy hiểm nhất.
"Aflatoxin hình thành các ảnh hưởng về mặt hóa sinh lên tế bào gây ung thư", ông Thịnh nhấn mạnh. Lau chùi rửa bình thường không thể làm sạch aflatoxin.
Ngoài ra, nếu chỉ dùng một chiếc thớt để thái cả thức ăn sống lẫn thức ăn chín, sẽ dễ bị nhiễm khuẩn chéo từ thức ăn sống sang thức ăn chín. Nhiều gia đình dùng thớt hai mặt, một mặt thái đồ sống, mặt thớt còn lại thái đồ chín, khả năng nhiễm khuẩn càng dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, bệnh về đường tiêu hóa...
Tiến sĩ Thịnh khuyên:
- Mỗi gia đình nên có ít nhất 2-3 chiếc thớt. Thớt dùng cho thực phẩm tươi sống có màu đỏ. Thớt dùng cho thực phẩm nấu chín có màu xanh. Thực phẩm trung gian như rau sống, rau chín thì dùng thớt màu vàng.
- Sau khi dùng, rửa thớt bằng nước rửa chén pha chút nước ấm, sau đó rửa lại thật sạch. Sử dụng dung dịch dấm để vệ sinh thớt hàng tháng bằng cách rót dấm lên thớt, dùng bùi nhùi hoặc miếng bọt biển cọ sạch rồi dội lại với nước sạch.
- Không dùng thớt quá lâu. 6 tháng đến một năm nên thay thớt một lần.
- Đa số gia đình bố trí bếp ăn ở chỗ kín, không có nhiều ánh sáng nên thớt thường để những chỗ tăm tối. Ánh nắng mặt trời là nguồn diệt vi sinh vật hiệu quả. Vì vậy, khi thiết kế nhà, nên thiết kế cho ánh sáng trong bếp, thoáng khí để làm khô được đồ vật.
- Gia đình nông thôn nên phơi thớt thường xuyên. Đây là một cách tốt để thớt tránh nhiễm khuẩn.