Làm thay đổi cấu trúc não bộ
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh - Khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Dược Huế) cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo, ô nhiễm gây tổn hại đến chức năng phổi của trẻ em, ngay cả ở mức phơi nhiễm thấp hơn cũng ảnh hưởng sức khỏe và các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch và phổi.
Cùng với đó, nhiều công trình nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với nguy cơ đe dọa bộ não và chức năng nhận thức của trẻ em.
Theo đó, không khí ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh của trẻ em, dẫn đến kết quả kiểm tra nhận thức thấp hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần và vận động của chúng.
Thậm chí, từ lâu các nghiên cứu cũng đã ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh tâm thần và nhận thức chậm trong học tập và phát triển ở trẻ em sinh sống gần những đoạn đường giao thông tắc nghẽn cao hơn hẳn các khu vực có môi trường sống trong lành.
Dẫn nguồn các bằng chứng khoa học, bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh cho biết thêm, trẻ em hít phải không khí độc hại hay sống trong môi trường ô nhiễm không khí đối mặt với nguy cơ lớn lên bị rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Những nghiên cứu cho thấy, thanh niên sống ở khu vực ô nhiễm cao có nguy cơ phát triển bệnh ASD cao hơn 86% so với các khu vực khác.
Thanh thiếu niên sống ở thành phố ô nhiễm phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, ô nhiễm không khí từ khói thải của ô tô có thể làm thay đổi cấu trúc não bộ của trẻ em khiến chúng hay lo âu hơn.
Là người nhiều năm nghiên cứu về thần kinh trẻ em, bà Tôn Nữ Vân Anh cho biết: Ngay thời gian ở trong bào thai và suốt thời thơ ấu, những đứa trẻ sống trong môi trường ô nhiễm sẽ ít có khả năng tập trung, kỹ năng ghi nhớ làm việc kém và như vậy có thể ảnh hưởng đến việc học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.
Như vậy, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong giai đoạn sớm nhất của cuộc đời, ở những bà mẹ mang thai sống trong vùng ô nhiễm có liên quan đến các tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức của đứa trẻ khi chào đời.
Hãy chủ động cứu mình
Ô nhiễm môi trường được xác định ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, người già và trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, bởi sức đề kháng yếu. Tác động dễ nhận thấy nhất ở trẻ liên quan đến các bệnh về hô hấp, tim mạch, não, tăng động, tự kỷ, béo phì, chậm phát triển trong tử cung, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi…
Cùng với đó, ở điều kiện không khí bị ô nhiễm kéo dài có thể gây đột quỵ, bệnh huyết áp, hen phế quản và ung thư phổi.
“Để phần nào khắc phục những nguy cơ trên, bên cạnh những phương án vĩ mô cải thiện môi trường sống, các gia đình cần chủ động bảo vệ người thân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Tức là mỗi người hãy chủ động tự cứu mình từ những việc làm nhỏ nhất”, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh đưa ra lời khuyên.
Phương án dự phòng gồm: Xem thời tiết trước khi ra đường; không tụ tập đông người; tránh nơi kẹt xe để hạn chế hít phải khói bụi, ống khói, hiệu ứng nhà kính.
Nếu bị bệnh lý tim mạch, hô hấp, hãy luôn mang theo thuốc dự phòng. Trường hợp cần ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang hợp chuẩn để hạn chế chất độc sulfure dioxit...
Người lớn và trẻ nhỏ đều cần uống nhiều nước để thải chất độc. Thực hiện thường xuyên các biện pháp cần thiết ngay từ mỗi gia đình để góp phần bảo vệ môi trường sống.
Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng cơ bản nhất để tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng. Đồng thời đa dạng hoá các bữa ăn, tạo một chế độ ăn uống hợp lý đầy đủ năng lượng.
Khi có sức đề kháng tốt, toàn bộ hệ thống niêm mạc của đường hô hấp trên hoạt động tốt như một hệ thống phòng ngự. Tất cả các vi khuẩn qua hệ thống phòng ngự đã bị diệt khá nhiều, không khí đi xuống đường hô hấp dưới hầu như là sạch.
Trẻ em cần được rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý để làm sạch đường hô hấp trên. Trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức cao, các gia đình có thể đóng kín cửa, bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm.