(GD&TĐ) - Gần 5 năm sống trong chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), Kiều Lan Anh tiếp tục nuôi mơ ước trở thành cô giáo. Ở thời điểm cận kề kỳ thi ĐH, em đã bày tỏ những suy ngẫm về ước mơ ấp ủ hơn 10 năm của mình.
Bố mẹ chia tay, đi ở chùa
10 giờ sáng, cửa phòng Lan Anh vẫn đóng kín, khiến ông cụ ngồi ngoài hành lang tưởng cô bé vắng nhà. Nghe có tiếng người nhắc tên mình, Lan Anh mở cửa, tươi cười mời khách. Bên ngoài sân chùa, đám trẻ đứa khóc mếu, đứa nô đùa ríu rít. Trước kia Lan Anh có thể dành cả buổi chơi đùa, bảo ban mấy đứa nhỏ, như một cách em tập làm cô giáo. Nhưng bẵng đi hơn một tháng, đám trẻ hiếm khi thấy chị Lan Anh để níu tay quẩn chân chị. Ngày nào Lan Anh cũng khép cửa, lặng lẽ “dùi mài kinh sử” từ sáng tới chiều. Em đang tập trung chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Lo lắng, thấp thỏm vốn là tâm lí chung của các cô cậu lớp 12 trong đợt “nước rút” này. Song với Lan Anh, nỗi lo lắng ấy dường như lớn hơn nhiều lần, bởi cánh cửa đại học giống như một lối thoát cho cuộc sống của em. “Em sợ lắm… Lỡ không đỗ ĐH thì em chẳng biết làm gì. Mà em lại ở chùa…”. Bố mẹ chia tay, Lan Anh được các dì đưa vào chùa từ lớp 8. Gần 5 năm, em đã thân quen với nếp sống chay tịnh; sư thầy, các bác, các chị và đám trẻ nhỏ ở đây trở thành những người thân của em.
Với nỗ lực trước ngày thi ĐH, Lan Anh đang bước gần tới ước mơ làm cô giáo của em. Ảnh: Quỳnh Vũ |
Ước mong lay động trái tim học trò
Cuộc trò chuyện với Lan Anh xoay quanh việc thi cử và mơ ước của em. Để giải tỏa căng thẳng trước ngày thi, chúng tôi kể đủ chuyện hài mùa thi. Ngày đưa con lên thành phố thi, bố mẹ dậy từ sớm, tất tả làm gà, thổi xôi đỗ khấn tổ tiên, ép con ăn để lấy may; hai bố con tay xách nách mang đi từ sáng sớm, trong tiếng chúc không ngớt của hàng xóm… Lan Anh bật cười trước những chuyện phổ biến ấy dù chúng xa lạ với cuộc sống của em.
Hai bộ hồ sơ thi ĐH của Lan Anh đều đăng ký ngành Sư phạm (SP Tin học và SP Tiếng Anh - ĐH Sư phạm Hà Nội). Tấm lòng của một cô giáo đối với Lan Anh từ thời tiểu học đã khơi dậy ước mơ theo đuổi nghề dạy học trong em. Đó là lần bị điểm 3 môn Văn, buồn nản quá, em ngồi khóc cả buổi học. Cô giáo đến bên em, vỗ về, an ủi. Người giáo viên lí tưởng trong mắt em là người có cả tâm huyết và tài năng. Cô bé triết lí: “Tâm huyết với học sinh, với nghề là cái quan trọng nhất của nghề dạy học. Nhưng nếu dạy không giỏi, không có năng lực thì em nghĩ người thầy khó có thể tác động tới học trò”. Mong ước của em là trở thành một giáo viên có thể lay động trái tim học trò, khơi dậy trong chúng niềm yêu thích học tập và thái độ sống tốt đẹp.
Quỳnh Vũ