Phát huy thế mạnh của học sinh
Định hướng nghề nghiệp là bước đầu tiên trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT dài hơi và kỹ lưỡng của thầy và trò Trường THPT Quang Trung, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Cô Phạm Ngọc Quá, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trong 3 năm học, nhà trường thường tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 12 trước kỳ thi quan trọng. Thông qua các buổi định hướng nghề nghiệp, chúng tôi hy vọng học sinh có thể hiểu và khám phá mong muốn, năng lực, sở thích của bản thân và có những định hướng khác nhau cho con đường phía trước.
Nhiều học sinh nhà trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học nhưng cũng có những em tốt nghiệp THPT và học nghề. Điều quan trọng nhất là định hướng để các em tìm ra con đường phù hợp với bản thân mình”.
“Nhà trường luôn động viên, khích lệ học sinh lựa chọn định hướng nghề nghiệp theo năng lực, sở thích của các em miễn sao các em có thể cống hiến sức lực, khả năng, phát huy được thế mạnh cá nhân và đóng góp cho xã hội”, cô Quá chia sẻ.
Cô Quá cho biết công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh thường được tổ chức vào các tiết chào cờ. Nhà trường mời đại diện các trường đại học đến trò chuyện, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh về quá trình đăng ký và lựa chọn ngành nghề. Đơn cử, mới đây, nhà trường mời chuyên gia đến từ Trường Đại học Chu Văn An, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, và thu hút sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường mời chuyên gia trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau hoặc chuyên gia tư vấn du học, xuất khẩu lao động đến thăm và trao đổi với học sinh. Hay khi khác, đại diện Ban Chỉ huy Quân sự địa phương tổ chức tư vấn để giới thiệu những đổi mới, công tác tuyển sinh, đăng ký nghĩa vụ quân sự tới học sinh nhà trường.
Đổi mới, sáng tạo phương pháp học tại Trường THPT Quang Trung. Ảnh: NTCC. |
Song song với quá trình định hướng nghề nghiệp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy và ôn luyện cho học sinh lớp 12 từ đầu năm học. Giáo viên chủ nhiệm khối 12 được ban giám hiệu lựa chọn là những thầy cô giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn và tâm huyết.
Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 183 học sinh lớp 12, chia thành 5 lớp. Học sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét đại học hay chỉ thi tốt nghiệp cần có những phương pháp giáo dục riêng. Giáo viên xây dựng nội dung ôn tập trọng tâm, dựa trên kiến thức cơ bản, bám sát chương trình sách giáo khoa và đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.
Nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề và thống nhất phương án ôn tập cho học sinh lớp 12 đảm bảo sát trọng tâm, có hiệu quả. Bên cạnh đó, các lớp tổ chức học theo phương pháp chuyên gia. Các bạn học tốt sẽ kèm sát sao bạn học yếu hơn.
Ngoài ra, hàng năm, nhà trường đều tổ chức các kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 12 bên cạnh kỳ thi thử tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh. Cấu trúc đề thi bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Công tác tổ chức thi được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ giống như một kỳ thi thực để học sinh có cơ hội trải nghiệm trực tiếp “không khí phòng thi”.
Kết quả của các kỳ thi này để học sinh soi chiếu, tự đánh giá quá trình ôn tập và năng lực của bản thân. Từ kết quả này, giáo viên chủ nhiệm cũng trao đổi với phụ huynh, học sinh và xây dựng phương án ôn tập, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng phù hợp.
Học sinh Trường THPT Quang Trung tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ảnh: NTCC. |
Động lực tự học tập, tự trau dồi
Đặt mục tiêu tối thiểu là tốt nghiệp THPT, đa số học sinh Trường THPT Quang Trung đã xây dựng tinh thần học tập tự giác từ lớp 10, 11. Để làm được điều này, cô Quá chia sẻ nhà trường đã phối hợp với phụ huynh từ lớp 10 trong công tác giáo dục và rèn luyện nhân cách, phẩm chất cho học sinh. Tăng cường sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, học sinh trong lớp, ban cán sự lớp, ban cán sự Đoàn để dành trọn sự quan tâm cho khối 12 trước kỳ thi quan trọng.
Tuy nhiên, còn một bộ phận nhỏ học sinh chưa có phương pháp học tập đúng đắn. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô phát hiện những học sinh chểnh mảng để trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và kịp thời đôn đốc học sinh giữ vững tinh thần. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để xếp lớp ôn tập phù hợp với năng lực và nguyện vọng.
Ngoài ra, sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần của học sinh cuối cấp cũng được Trường THPT Quang Trung đặc biệt quan tâm. Cô Quá cho hay, ngoài các giờ học chính khóa, nhà trường thường xuyên động viên, khích lệ học sinh tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp như chơi thể thao, quay video nhảy tập thể, đồng diễn nghệ thuật... Các hoạt động hướng đến tinh thần làm việc tập thể, cho phép học sinh được vận động, hít thở ngoài trời để giải tỏa áp lực, căng thẳng bủa vây trong quá trình ôn luyện.
Bên cạnh đó, giáo viên được khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong các giờ lên lớp. Giáo viên không đặt nặng điểm số, thành tích học tập của học sinh và giao bài tập phù hợp với trình độ của các em. Công tác giáo dục của nhà trường cũng góp phần phù hợp với công tác định hướng mỗi học sinh có thể phát huy năng lực, sở thích và thế mạnh cá nhân.
“Chúng tôi hướng đến xây dựng tinh thần học tập tích cực, giúp học sinh nhận thức được học tập mang lại giá trị cho bản thân các em, không phải vì mọi người xung quanh. Từ đó, học sinh sẽ nuôi dưỡng động lực tự học tập, tự trau dồi, tự phấn đấu”, cô Phạm Ngọc Quá, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, tỉnh Hưng Yên, bày tỏ.