Làm gì hết... khát vốn?
Mỗi năm, bình quân Việt Nam cần 0,64 tỷ USD (khoảng 14.400 tỷ đồng) vốn cho nhu cầu đầu tư cấp nước đến năm 2020. Nhu cầu vốn này đến từ việc tầng lớp trung lưu đô thị trong dân số Việt Nam được cho là sẽ đạt 44 triệu người vào năm 2020. Do đó, nhu cầu về cấp nước đô thị cũng sẽ tăng lên từ 9,4 đến 9,6 triệu m3/ngày đêm.
Ngoài ra, quỹ đầu tư cho xây dựng máy xử lý nước thải đô thị trong 5 năm tới dự kiến sẽ là 6,9 triệu USD. Việt Nam có hơn 800 khu đô thị với tổng lượng nước tiêu thụ là 8 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần suốt 10 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng, dù đạt những kết quả tích cực trong những năm qua, nhưng ngành cấp thoát nước ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, phạm vi phục vụ còn thấp (nhất là ở vùng nông thôn tỷ lệ mới đạt 50 – 60%), thất thoát, thất thu còn cao (khoảng 22%), tỷ lệ xử lý nước thải qua các nhà máy tập trung mới đạt 12%.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là nhu cầu vốn để đầu tư các dự án cấp thoát nước ở Việt Nam trong 5 năm tới là rất lớn. Tuy nhiên, với xu thế nguồn vốn ODA giảm dần, nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn lực từ các nhà đầu tư ở khu vực tư nhân đang rất cần thiết trong bối cảnh các công trình cấp thoát nước đang dần xuống cấp như hiện nay.
Cần một mô hình phù hợp
Theo giới chuyên gia, xu hướng hiện nay trong đầu tư các công trình cấp nước là thị trường hoá trong cung ứng dịch vụ, áp dụng mô hình Nhà nước và tư nhân kết hợp trong quản lý và đẩy mạnh tham gia của tư nhân trong quản lý vận hành hệ thống cấp nước.
Hiện nay, các hình thức thực hiện mô hình đối tác công tư (PPP) rất phổ biến ở các nước phát triển (trong đó có Việt Nam) và có thể áp dụng cho các công trình cấp nước nông thôn như: Mô hình BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao), BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành), BTO (xây dựng – chuyển giao – vận hành).
Để thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ về PPP đối với các dự án cấp nước, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cần tập trung lựa chọn các dự án cấp nước tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao.
Thống kê của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy ở Việt Nam khoảng 16.000 công trình cung cấp nước đang có các mô hình quản lý như: Cộng đồng, hợp tác xã, trung tâm nước sạch, tư nhân, DN, UBND, ban quản lý. Trong các mô hình này, mô hình cộng đồng quản lý chiếm đến 73,48%, tiếp đến là UBND xã quản lý (chiếm 13,11%), riêng DN quản lý chỉ chiếm 4,2%, còn tư nhân quản lý cực kỳ khiêm tốn (khoảng 0,4%).
Tuy nhiên, nhược điểm chung của các mô hình quản lý này là có tính chuyên nghiệp thấp, trình độ và năng lực quản lý rất yếu, sự minh bạch về tài chính rất khó được kiểm tra và xác định. Ngay như chất lượng nước, số lượng nước cũng không kiểm soát được, dẫn đến mất sự tin tưởng và sử dụng nước của người dân... Qua so sánh, các công trình tập trung do các đơn vị, DN Nhà nước và các công ty tư nhân, cổ phần quản lý hoạt động tốt hơn những hệ thống do hợp tác xã, UBND xã hay cộng đồng quản lý, vận hành.
Giới đầu tư cũng đang quan tâm đến Quyết định 1232/QĐ-TTg được ban hành hồi tháng 8/2017 khi công bố danh mục thoái vốn Nhà nước đến năm 2020, trong đó có cho biết Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn. Trong số này, có 24 công ty được bán với tỷ lệ sở hữu hơn 50% vốn điều lệ, phần còn lại, 33 công ty sẽ thoái vốn ở tỷ lệ thấp hơn.