Không có lợi, khỏi tham gia
Nếu cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” là khẩu hiệu nổi tiếng nhất của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thì chính sách “nước Mỹ trên hết” là sự hiện thực hóa khẩu hiệu trên. Xuất thân từ giới tài phiệt, ông Trump “bê” luôn tư duy của nhà kinh doanh vào chính trường: Có lợi hay không có lợi.
Sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề quốc tế lâu nay phần nhiều xuất phát từ yếu tố chính trị, sau rồi mới đến lợi ích của nước Mỹ và đồng minh, trong khi nhiều sự can thiệp không mang lại chút lợi lộc nào về kinh tế. Những điều đó, với nhà kinh doanh như ông Trump, hoàn toàn không thể chấp nhận.
Kể từ khi nhà tài phiệt này bước chân vào Nhà Trắng, vấn đề Ukraine gần như bị bỏ ngỏ. Vai trò của Mỹ ở Iraq và Afghanistan cũng giảm dần, hầu như chỉ đóng vai trò cố vấn quân sự và hỗ trợ huấn luyện cho quân chính phủ chống khủng bố.
Nóng bỏng như vấn đề Syria, ông Trump cũng không hào hứng. Lẽ đơn giản, ông nhìn thấy không có “lợi lộc” gì cho nước Mỹ ở những “mớ bung xung” này. Khác hẳn với việc đứng về phía Israel trong việc công nhận thủ đô Jerusalem; cam kết hợp tác sâu rộng với Ả-rập Xê-út; đàm phán trực tiếp về thương mại “sòng phẳng” với Trung Quốc và nhất là vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời với cam kết sát cánh cùng Nhật Bản và Hàn Quốc trong mọi vấn đề quốc tế cũng như khu vực.
Đó là những chuyện ai cũng biết, tất nhiên không phải ai cũng ủng hộ hết thảy, nhất là các đối thủ chính trị của ông Trump. Nhưng mặc kệ tất cả, ông vẫn thực hiện các bước đi của mình một cách bài bản, theo hướng ông cảm thấy có lợi nhất cho nước Mỹ.
Đồng minh cũng phải sòng phẳng
Sự gắn kết chặt chẽ cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự giữa Mỹ và các nước phương Tây (trong đó có thể kể đến cả hai nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico) tưởng chừng như không phải bàn cãi. Thế nhưng với ông Trump, điều ông quan tâm là nước Mỹ được gì và mất gì. Theo quan điểm của ông, nước Mỹ chịu thiệt quá nhiều trước các đồng minh, từ những hiệp ước kinh tế cho đến hợp tác quân sự.
Ở đây không nhắc lại các tranh cãi về chính sách kinh tế của ông Trump đối với các đồng minh của mình, hay chính sách kiểm soát di dân hà khắc của ông, vốn được báo giới khai thác tối đa kể từ khi ông lên nắm quyền tới nay.
Câu chuyện đang thu hút sự chú ý hiện nay là vấn đề đóng góp kinh phí cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều làm ông Trump phiền lòng là các thành viên trong khối vẫn trông ngóng vào hầu bao của Mỹ, không chịu đóng góp thỏa đáng về kinh phí hoạt động, trong khi mọi quyền lợi thì luôn đòi hỏi đầy đủ và nhất là về kinh tế lại vẫn duy trì thặng dư thương mại với Mỹ.
Với tư duy của một nhà tài phiệt, ông Trump cho đó là sự bất công. Mỹ “góp vốn” nhiều hơn hẳn, nhưng quyền lợi thì chia đều, thậm chí còn phải “gánh” cho vài “nhà nghèo” là một số quốc gia Đông Âu mới gia nhập khối. Trên Twitter mới đây, ông Trump đã than phiền về vấn đề này và tuyên bố đó là điều “không thể chấp nhận”.
Sự bất bình của ông Trump không khó lý giải. Nên biết hiện nay Washington đóng góp tới 70% kinh phí hoạt động của khối NATO. Mặc dầu khối này đã thỏa thuận từ năm 2024, các quốc gia thành viên sẽ đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, nhưng những nước giàu có như Đức và Tây Ban Nha đang bị người dân phản đối việc chi tiêu quá nhiều cho quân sự và e sẽ khó thực thi nổi. Đó thực sự là câu chuyện đau đầu cho ông Trump cũng như những nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này.
Vậy nên không ngạc nhiên khi ông Trump vừa tuyên bố trước khi lên đường sang Bỉ dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, rằng “Mỹ không ôm mọi thứ” và các quốc gia “phải chi trả các hóa đơn của mình”. Chắc chắn ông Trump sẽ cứng rắn, nhất là khi ông tuyên bố với cử tri nước Mỹ rằng “họ” (các nước thành viên NATO) “đang giết chết chúng ta bằng thương mại”.
Không sòng phẳng, khỏi nói chuyện đồng minh, chỉ có lợi ích mới quan trọng. “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump là thế!