Kịch bản phim Dạ cổ hoài lang (DCHL) được “cha đẻ” của vở diễn “kinh điển” là tác giả Thanh Hoàng kết hợp cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể.
Nội dung xoay quanh nỗi niềm tha hương của hai người bạn già là ông Tư Lành, ông Năm Triều và những ký ức thời trẻ nít rong chơi, thời yêu đương tuổi trẻ của họ với cô bạn cùng xóm hiền lành Út Trong.
Với một tác phẩm đã in đậm trong tâm trí nhiều lớp khán giả như DCHL, điều người xem chờ đợi ở phiên bản mới, lần đầu trên màn ảnh rộng là đạo diễn xử lý câu chuyện từ sân khấu sang điện ảnh như thế nào khi mà hai loại hình này có những đặc trưng khác nhau.
Sân khấu chỉ có bốn nhân vật: ông Tư, ông Năm, cô cháu gái người bạn trai của cô và hai lớp cảnh: trong nhà và trên sân thượng, một bộ phim nếu bê nguyên xi như thế lên màn ảnh sẽ rất nhàm chán. Ngoài ra sân khấu chủ yếu tập trung vào lời thoại trong khi phim ảnh đòi hỏi ngôn ngữ hình ảnh thay lời nói.
Thanh Hoàng- "cha đẻ" của Dạ cổ hoài lang (phải) cũng góp mặt trong phim với vai cha của Năm Triều
Cách biển chuyển của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chính là thêm thắt vào tuyến truyện diễn tiến mối tình tay ba giữa Tư Lành, Năm Triều và Út Trong.
Cách làm này giúp kéo giãn câu chuyện trên màn ảnh thêm phần màu sắc, kịch tính, thay vì khán giả chỉ biết ông Tư và ông Năm là tình địch của nhau lúc trẻ qua lời kể của họ như khi xem kịch. Sáng tạo này cũng là cái cớ để bộ phim khoe được ưu điểm về phần hình ảnh.
Khán giả bị hớp hồn bởi những khung hình sông nước ruộng đồng nên thơ, tươi đẹp trong phim, xúc động khi nhìn hình ảnh bụi tre, cây cầu bên bến sông, những chiếc xuồng nhỏ, lu nước bên hè, khạp sành đựng gạo… hiện lên trên màn hình.
Có chút gì đó rưng rưng khi thấy lại tuổi thơ qua hình ảnh những người bạn nhỏ Tư lành Năm Triều Út Trong cùng nhau chơi thả diều, đi lùa vịt, tắm sông và nhất là chi tiết hài hước khi Năm Triều canh me thằng bạn Tư Lành đang leo lên cây gỡ con diều liền tụt quần bạn, hay chi tiết Tư Lành bắt chuồn chuồn cho cắn rún để biết bơi.
Cảnh Tư Lành, Năm Triều đi “cầu tõm” và xấu hổ lấy lá chuối che mặt khi thấy Út Trong từ xa đi tới cũng là một sáng tạo dễ thương của phim.
Cảnh đi "cầu tõm" là một sáng tạo dễ thương trong phim
Ba diễn viên được chọn vào vai Tư, Năm, Út thời trẻ là Đình Hiếu, Will và Oanh Kiều rất hợp vai. Vẻ mặt ngây ngô hiền lành và mộc mạc của “anh chàng bán giò” Đình Hiếu phù hợp với tính cách Tư Lành- người hiền như cái tên.
Will có nét lém lỉnh, tinh nghịch lẫn sự kênh kiệu của một anh công tử con nhà giàu như Năm Triều còn nữ diễn viên Oanh Kiều dù không có nhiều đất diễn, ít thoại nhưng ngoại hình, gương mặt lẫn diễn xuất của cô lột tả tốt hình ảnh một cô thôn nữ miền Tây thiệt thà, duyên dáng. Diễn xuất của cả ba điểm xuyết cho phim thêm nét trẻ trung, tươi mới.
Oanh kiều và Đình Hiếu thể hiện vai Út Trong và Tư Lành thời trẻ
Trở lại với tuyến nhân vật chính ông Tư, ông Năm do Hoài Linh và Chí Tài, sự ăn ý đồng điệu và cả trải nghiệm sống ngoài đời- cũng là những người tha hương như nhân vật- của hai anh giúp cho vai diễn lấy được tiếng cười lẫn nước mắt khán giả.
Thể hiện rõ nhất ở đoạn ông Tư và ông Năm gọi điện thoại xổ tiếng Anh “lòe” nhau và đoạn hai ông ngồi trên sân thượng uống rượu hút thuốc tìm chút cảm giác quê nhà- hai phân cảnh đáng nhớ nhất của phim.
Ông Tư Lành trong phim cho Hoài Linh cơ hội chứng tỏ nét diễn rất đời của mình, thoát khỏi kiểu diễn mang tính sân khấu và hình ảnh một Hoài Linh chủ yếu chỉ chuyên biết gây cười trên màn ảnh lâu nay.
Giọng nói chậm rãi, ánh mắt khẩn khoản vừa van xin vừa biết lỗi của anh trong câu thoại “Ở trong đó buồn dữ lắm, cho nội ở nhà một ngày hôm nay thôi. Ngày mai nội trở vô trong kia, nội sẽ đi một mình, không phiền con lái xe đưa đi đâu. Nội biết đi xe buýt mà” làm người xem không thể kềm lòng, rơi nước mắt.
Hoài Linh, Chí Tài diễn xuất ăn ý trong phim Dạ cổ hoài lang
Chuyển thể một vở kịch lên phim đã khó, chuyển thể một vở diễn vang bóng một thời như Dạ cổ hoài lang càng là một thử thách nhưng với phiên bản phim, ít nhất khán giả không thất vọng vì giá trị tinh thần, thông điệp của câu chuyện vẫn được giữ nguyên đó mà vẫn phảng phất được không khí mới mẻ, sáng tạo của một tác phẩm điện ảnh thời hiện đại.