Nước mắt ngày đoàn tụ

GD&TĐ - Từ ngày 19/4, Australia và New Zealand cho phép đi lại hai chiều, đánh dấu gần 400 ngày đóng cửa biên giới phòng Covid-19.

Australia và New Zealand mở "bong bóng du lịch" từ ngày 19/4. Ảnh: INT
Australia và New Zealand mở "bong bóng du lịch" từ ngày 19/4. Ảnh: INT

Trước đó, hầu hết các bang tại Australia đã mở cửa đón cư dân New Zealand không cần cách ly từ cuối năm 2020. Ngược lại, quốc gia láng giềng vẫn yêu cầu người dân Australia cách ly 14 ngày vì lo ngại bùng phát những cụm dịch nhỏ gần biên giới.

Tại các sân bay của Australia và New Zealand, người dân chào đón nhau bằng những cái ôm, nụ hôn nồng nhiệt. Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi các gia đình tại hai quốc gia được đoàn tụ sau nhiều tháng xa cách vì quy định đóng cửa biên giới.

Quyết định mở cửa hai chiều được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán giữa chính phủ hai nước. Từ đánh giá cả Australia lẫn New Zealand đều kiểm soát dịch tương đối tốt, các biện pháp siết chặt biên giới dần được nới lỏng.

Động thái này có thể coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình tái khởi động ngành du lịch trên toàn thế giới hiện đang bị đóng băng vì Covid-19. Đại dịch đã phá hủy hoạt động của các hãng hàng không và ngành du lịch toàn cầu. Cơ quan Du lịch Australia ước tính chỉ 8.000 du khách quốc tế được phép đặt chân tới quốc gia này, giảm 99% so với năm ngoái.

Xứ sở chuột túi cũng mang lại số lượng khách du lịch quốc tế lớn nhất tại New Zealand với khoảng 1,5 triệu người, tương đương 40% tổng lượng khách năm 2019. Khách du lịch Australia chi 2,6 tỷ USD tại New Zealand vào năm 2019.

Vì lẽ đó, đối với cả hai quốc gia, quyết định mở cửa đi lại tự do là cứu cánh quan trọng, đặc biệt trong thời điểm triển khai vắc-xin phòng Covid-19 còn chậm trễ khiến kế hoạch mở cửa du lịch phải tạm hoãn.

Sau ngày 19/4, Hãng hàng không Australia, Qantas, cho biết dự kiến tăng chuyến bay giữa hai quốc gia lên 200 chuyến mỗi tuần. Trong khi Hãng hàng không Air New Zealand quyết định tăng số chuyến bay lên 30, gấp bốn lần so với thông thường.

Câu hỏi đặt ra là sau niềm hân hoan ban đầu, việc mở cửa hai chiều đem lại lợi ích kinh tế như thế nào cho ngành du lịch vốn bị tàn phá nặng nề trong một năm qua? Các chuyên gia về du lịch đã nhận thấy nhiều điểm bất lợi.

Đầu tiên, phải kể đến là mối lo Covid-19 sẽ bùng phát trở lại khiến “bong bóng du lịch” có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Trong trường hợp virus trở lại, du khách giữa hai quốc gia buộc phải cách ly 14 ngày như yêu cầu trước đó.

Đồng thời, trong những tháng đầu tiên sau khi mở cửa, lượng khách du lịch tại Australia và New Zealand có thể chưa cao. Nhiều người thận trọng vẫn đang quan sát và chờ đợi kết quả của việc mở cửa.

Thừa nhận vấn đề trên, Cơ quan Du lịch New Zealand dự đoán phải đến tháng 1/2022, lượng khách Australia đến New Zealand mới có thể phục hồi khoảng 80% so với thời điểm trước Covid-19. Thực tế cho thấy, những chuyến bay đầu tiên trong ngày 19/4 nhận được đông đảo sự quan tâm của người dân hai nước nhưng các chuyến bay cuối ngày lại thưa thớt hơn.

Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, và Thủ tướng Australia, Scott Morrison, đều đưa ra cảnh báo việc di chuyển giữa hai quốc gia có thể bị gián đoạn nếu xuất hiện nguy cơ bùng phát Covid-19.

Những rủi ro của chương trình du lịch không kiểm dịch cũng sẽ được hai bên đánh giá liên tục. Nếu động thái này là an toàn, chính phủ hai nước hy vọng có thể sớm mở rộng các chuyến du lịch không kiểm dịch tới các quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.