Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt 30 triệu ca, WHO cảnh báo việc mở cửa du lịch

GD&TĐ - Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu hiện ở mức 30.015.547 ca, bao gồm 297.405 ca mới trong ngày hôm qua. Số ca tử vong hiện là 944.497 ca, gồm 6.010 ca mới. Số ca hồi phục gần 21,7 triệu ca và hơn 7,3 triệu ca đang điều trị.

Ấn Độ đang thiếu bình thở oxy khi số ca mắc vượt 5 triệu.
Ấn Độ đang thiếu bình thở oxy khi số ca mắc vượt 5 triệu.

Hôm qua, chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo mức tăng đáng lo ngại về số ca mắc Covid-19 quay trở lại mức mùa xuân tại một số quốc gia.

“Chúng tôi bắt đầu thấy một số xu hướng đáng lo ngại ở một số quốc gia có số ca mắc tăng lên. Số ca mắc đang tăng lên tới mức chúng ta đã thấy trong mùa xuân” – bà Kerkhove nói và cho biết sự gia tăng số ca nhập viện và điều trị tích cực có thể thấy ở Bắc bán cầu là một dấu hiệu đáng lo ngại. Ngoài ra, mùa cúm vốn vẫn chưa bắt đầu có thể gây thêm căng thẳng cho hệ thống y tế.

Ngoài ra, bà Kerkhove cho biết virus corona và cúm không thể nhập thành một loại virus nhưng một người có thể nhiễm cả 2 loại này.

Trong khi đó, Giám đốc khu vực của WHO Carissa Etienne nói rằng châu Mỹ Latinh đã bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường vào thời điểm Covid-19 vẫn cần các biện pháp can thiệp kiểm soát lớn.  

Theo bà Etienne, số ca mắc virus corona ở khu vực biên giới Colombia với Venezuela đã tăng gấp 10 lần trong 2 tuần qua. Tỷ lệ tử vong đang tăng lên ở các vùng của Mexico và xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở các khu vực của Argentina.

“Mặc dù toàn thế giới đang chạy đua để phát triển các công cụ mới nhằm ngăn chặn và chữa Covid-19, nhưng một loại vaccine an toàn và hiệu quả có thể được sản xuất và phân phối trên quy mô lớn vẫn chưa hoàn thành” – bà Etienne cảnh báo – “Chúng ta phải rõ ràng rằng mở cửa quá sớm sẽ khiến loại virus này có nhiều không gian để lây lan hơn và nguy cơ sức khỏe cao hơn”.

Bà Etienne cho rằng các chính phủ phải giám sát du lịch rất cẩn thận vì mở cửa du lịch có thể dẫn đến thất bại. Điều đó đã xảy ra ở Caribe, nơi một số quốc gia hầu như không có ca mắc nào cho tới khi số ca tăng vọt vì du lịch hoạt động trở lại.

Theo thống kê của hãng Reuters, châu Mỹ Latinh đã ghi nhận khoảng 8,4 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 314.000 ca tử vong, trở thành châu lục bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới.

Tại Israel, TT Reuven Rivlin đã xin lỗi công dân vì phải tái áp đặt lệnh phong tỏa liên quan tới virus corona. Ông cũng xin lỗi vì hành vi của mình khi tổ chức tiệc Passover Do Thái với gia đình trong lệnh phong tỏa trước. Đầu tháng này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố lệnh phong tỏa hoàn toàn từ ngày 18/9 trong 3 tuần khi số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng mạnh. Tất cả các cơ sở GD, phòng tập gym, bể bơi, quán cà phê và nhà hàng sẽ phải đóng cửa trong lệnh phong tỏa này.

Hiện Israel có hơn 169.000 ca mắc Covid-19, hơn 120.000 người đã hồi phục và hơn 1.1000 ca tử vong.

Tại Anh, các lệnh giới nghiêm có thể bị áp đặt ở thủ đô London nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2 – Giám đốc cơ quan Y tế công ở London Kevin Fenton cho biết hôm qua. Ông cũng đề cập tới một số biện pháp khác như khuyến khích người dân đeo khẩu trang, tăng cường cảnh báo y tế và tập trung vào việc đảm bảo an toàn tại nơi làm việc.

Tại Cộng hòa Séc, số ca mắc trong ngày hôm qua cao mức kỷ lục là 1.677 ca. Sự tăng tốc về số ca mắc Covid-19 khiến quốc gia này đứng thứ 3 châu Âu sau Tây Ban Nha và Pháp. Hiện tỷ lệ lây nhiễm của Séc là 1,59 - tức là mỗi người nhiễm sẽ truyền virus cho hơn 1 người khác. Séc đã mau chóng yêu cầu người dân đeo khẩu trang và đóng cửa biên giới vào tháng 3, khiến dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, họ lại mau chóng dỡ bỏ các hạn chế và do dự trong việc áp đặt trở lại.

Theo CNA/Sputnik/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.