Để chuẩn hiệu trưởng thực sự phát huy hiệu quả

GD&TĐ - Việt Nam đang tiến hành đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, nên việc chuẩn hoá các cơ sở giáo dục cũng như các chức danh trong giáo dục là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Để các bộ chuẩn nói chung, chuẩn hiệu trưởng các trường phổ thông nói riêng, thực sự phát huy hiệu quả - quy trình quản lí hiệu trưởng theo chuẩn chắc chắn cần phải được lưu tâm.

 Việc giúp hiệu trưởng đạt chuẩn là rất quan trọng. Ảnh: Internet
Việc giúp hiệu trưởng đạt chuẩn là rất quan trọng. Ảnh: Internet

Trên đây là quan điểm của GS.TS Nguyễn Đức Chính – nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội - khi nghiên cứu dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông Bộ GD&ĐT công bố mới đây.

Điều quan trọng là giúp các hiệu trưởng đạt chuẩn

GS Nguyễn Đức Chính nhận định: Với nỗ lực của các nhà quản lí và các nhà khoa học giáo dục, chúng ta đã xây dựng và ban hành nhiều bộ chuẩn: Các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục, từ mầm non tới đại học; các bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên bậc học từ mầm non tới trung học; các bộ tiêu chuẩn cho các chức danh quản lí: hiệu trưởng, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, cùng nhiều bộ tiêu chuẩn khác.

Cho rằng, nếu chỉ dùng chuẩn để xếp hạng có thể dẫn tới việc đối phó để đạt chuẩn và việc giúp hiệu trưởng đạt chuẩn là rất quan trọng, GS Nguyễn Đức Chính đã nêu đề xuất quy trình sử dụng chuẩn hiệu trưởng.

Nguyên tắc bộ chuẩn được sử dụng trước hết để hướng dẫn đội ngũ hiệu trưởng thực hiện các công việc để đạt chuẩn. Điều này có nghĩa, cần sử dụng bộ chuẩn để xây dựng một hệ thống quản lí, tác động vào các yếu tố cấu thành các phẩm chất, năng lực đã được ghi trong bộ chuẩn để giúp tất cả các hiệu trưởng đạt chuẩn, chứ không nhằm tới việc đạt chuẩn của từng hiệu trưởng đơn lẻ.

Đánh giá hiệu trưởng, bao gồm tự đánh giá và đánh giá của các cấp quản lí là khâu cuối cùng của quá trình quản lí, tức là khi người hiệu trưởng đã có đủ điều kiện và thời gian để phấn đấu đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn. Hơn nữa, mọi hoạt động đánh giá hiệu trưởng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giúp họ tiến bộ không ngừng.

Đánh giá có một mục đích kép là giúp hiệu trưởng tiến bộ. Khi hiệu trưởng tiến bộ, đạt chuẩn thì học sinh, nhà trường, cha mẹ học sinh cũng được thụ hưởng thành quả. Còn nếu chỉ dùng để đánh giá thì họ sẽ đối phó để đạt chuẩn, nhất là khi dùng chuẩn để xếp hạng. Lúc đó không ai có lợi. Hiệu trưởng vẫn như thế, nhà trường cũng không có gì đổi mới...

Đề xuất qui trình quản lí hiệu trưởng theo chuẩn

Từ những nguyên tắc trên, GS Nguyễn Đức Chính đề xuất quy trình quản lý hiệu trưởng theo chuẩn với 6 bước. Theo đó, bước đầu tiên là giải thích từng tiêu chí, nêu rõ các công việc cần làm, các sản phẩm cần có sau mỗi công việc, yêu cầu cần đạt của từng sản phẩm.

Ví dụ, ở tiêu chí 10 - Quản trị nhân sự: Đề xuất để tuyển dụng được giáo viên, nhân viên có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt; tạo được động lực, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Để đạt tiêu chí này hiệu trưởng cần thực hiện các công việc sau:

Xây dựng được qui trình tuyển dụng giáo viên. Bản qui trình phải đảm bảo tuyển dụng được các giáo viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu dạy tốt, giáo dục tốt. Xây dựng được qui chế quản lí, đánh giá giáo viên, nhân viên. Bản qui chế phải đảm bảo tạo động lực, cơ hội phát triển nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên.

Tiếp theo, viết hướng dẫn để hiệu trưởng thực hiện từng công việc để đạt từng tiêu chí. Bản qui trình tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo các bước sau: Xác định khung chuẩn năng, lực phẩm chất của giáo viên, nhân viên (minh chứng:

Khung chuẩn năng lực, phẩm chất giáo viên, nhân viên); căn cứ bản qui hoạch đội ngũ giáo viên nhân viên của các cấp có thẩm quyền, xác định số lượng, cơ cấu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên trong nhiệm kì (minh chứng: số lượng nhân viên, giáo viên cho các môn học vào từng thời điểm). Cuối cùng là xây dựng qui chế tuyển dụng (công bố nhu cầu tuyển dụng, các hình thức tuyển dụng…), minh chứng chính là qui chế tuyển dụng.

Bước 3: Tổ chức để các hiệu trưởng nghiên cứu bản hướng dẫn này, giải thích cho họ hiểu cần làm gì, làm như thế nào để đạt chuẩn và thống nhất để họ thực hiện. Trong quá trình đó, lưu trữ sản phẩm thành các file cho từng tiêu chí phục vụ tự đánh giá và đánh giá sau này

Bước 4: Để một thời gian nhất định để các hiệu trưởng phấn đấu đạt chuẩn. Trong thời gian này có thể tổ chức tập huấn, hội thảo, thành lập các câu lạc bộ hiệu trưởng phấn đấu đạt chuẩn để họ chia sẻ, giúp đỡ nhau đạt chuẩn.

Bước 5 là tổ chức để hiệu trưởng viết báo cáo tự đánh giá; báo cáo tự đánh giá viết lại những gì đã làm theo hướng dẫn. Bước cuối cùng là đánh giá ngoài.

"Cùng với giáo viên, đội ngũ hiệu trưởng là lực lượng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục, là một lực lượng xã hội đặc biệt, được xã hội tôn vinh gọi là thầy, cô. Không nên công khai đánh giá hiệu trưởng này đạt chuẩn, hiệu trưởng kia chưa đạt chuẩn.

Vậy thì trước khi đánh giá họ, cần giải thích chuẩn, nêu rõ các công việc cần làm để đạt chuẩn, giúp đỡ, hỗ trợ họ làm hết các công việc để đạt chuẩn trước khi để họ tự đánh giá và đánh giá ngoài" - GS Nguyễn Đức Chính nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.