Chiến dịch bầu cử chung của Vương quốc Anh cuối cùng đã có thời điểm thích hợp đầu tiên, khi Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson và lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn đối mặt nhau trong một cuộc tranh luận trực tiếp. Tuy nhiên, cuộc tranh luận không đưa ra được câu trả lời về tương lai của chiến dịch bầu cử đầy bất trắc này.
Mục đích của ông Johnson rất đơn giản: Đưa ra khẩu hiệu chiến dịch “Hoàn thành Brexit” và chứng minh cho cả nước thấy rằng đảng Bảo thủ của ông cuối cùng sẽ kết thúc ba năm đầy biến động của nước Anh. Trong khi đó, đối với ông Corbyn, công việc phức tạp hơn.
Chính sách Brexit chính thức mà đảng Lao động của ông duy trì là đàm phán một thỏa thuận mới với EU, sau đó đưa ra công chúng trong một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai để lựa chọn rời khỏi châu Âu với thỏa thuận của ông Corbyn, hay là ở lại. Corbyn đã nói rằng, ông sẽ giữ vị trí trung lập trong chiến dịch.
Ngay từ đầu, điểm yếu của ông Corbyn đối với Brexit là hiển nhiên. Trong tuyên bố mở đầu, ông hầu như không đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất mà đất nước này đang phải đối mặt, thay vào đó lại tập trung vào những thất bại của đảng Bảo thủ trong suốt chín năm cai trị. Điều này cho phép ông Johnson tiếp tục sử dụng lại các khẩu hiệu của mình và cáo buộc ông Corbyn muốn kéo dài “sự trì hoãn cho nước Anh”.
Kẽ hở của các ứng viên
Khi cuộc tranh luận chuyển sang các vấn đề rộng lớn hơn mà quốc gia phải đối mặt, một số kẽ hở đã xuất hiện trong chiến lược của ông Johnson.
Ông Johnson coi ông Corbyn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống nhất của các thành phần tạo nên Vương quốc Anh. Để có thể thắng cử, có lẽ ông Corbyn cần phải đạt được thỏa thuận với đảng Quốc gia Scotland, cũng có nghĩa là cam kết với một cuộc trưng cầu dân ý độc lập khác của Scotland. Tuy nhiên, đây là một lập luận khó khăn đối với ông Johnson. Nhiều người tin rằng để có được một thỏa thuận Brexit từ Brussels, Thủ tướng đương nhiệm Johnson đã gạt Bắc Ireland sang một bên và mở đường cho sự thống nhất Ailen - một điều được coi là khá kỳ lạ đối với nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ và Liên minh.
Ngược lại, ông Corbyn đã có cơ hội tỏa sáng khi bàn đến lĩnh vực dịch vụ y tế quốc gia. Ông nói rằng nếu được bầu làm Thủ tướng, ông sẽ “chấm dứt sự vô nghĩa” của tư nhân hóa trong lĩnh vực này. Ông Corbyn cũng lên tiếng công kích và cáo buộc đảng Bảo thủ của ông Johnson đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với Mỹ về khả năng đưa các hợp đồng y tế lên bàn đàm phán trong hầu như mọi thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh.
Niềm tin lung lay
Mặc dù ông Johnson đã nhiều lần khẳng định rằng mình không hề có kế hoạch như vậy, nhưng việc gán thông điệp này vào nhận thức của người dân có ý nghĩa rất lớn trong chính trị. Mặc khác, dường như ông Johnson có rất ít khả năng diễn giải cho công chúng thấy rằng đảng của ông không có nhiều khả năng thương mại hóa các bộ phận của dịch vụ y tế.
Dịch vụ y tế vốn là thứ gần gũi nhất đối với người Anh. Vì vậy, triển vọng bán thứ “hàng hóa” đặc biệt này cho một người vốn không được ưa chuộng ở Anh là Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trước thềm bầu cử sẽ chẳng khác nào châm ngòi cháy chậm của một khối thuốc nổ.
Khi nói về phong cách lãnh đạo của chính mình, ông Corbyn tự mô tả mình là một người biết lắng nghe mọi người trên khắp đất nước, thay vì cai trị theo kiểu “độc tài”. Tuy nhiên, bài diễn thuyết không làm khán giả tin tưởng khi ông nhắc về thành tích của mình trong cuộc khủng hoảng chống Do Thái trong đảng của mình bốn năm qua.
Về phía ông Johnson, nỗ lực của ông trong việc khẳng định sẽ “Hoàn thành Brexit” cũng khiến người nghe nản lòng, nhất là khi họ nhớ lại những lời khẳng định như đinh đóng cột của bà Theresa May trong năm 2017 về một nước Anh “mạnh mẽ và ổn định”.