Mớ hỗn độn!
Tại cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ với thành viên đảng Bảo thủ trong Hạ viện - được gọi là Ủy ban 1922 - vừa diễn ra, bà May thừa nhận: “Tôi đã đưa chúng ta vào mớ hỗn độn này và tôi sẽ đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng đó”.
Để tiếp tục tại vị là người đứng đầu của một chính phủ mà đảng của mình chiếm thiểu số, bà May sẽ cần đến phiếu của mọi thành viên đảng Bảo thủ có mặt trong Quốc hội. Chỉ cần một vài người trong số đó quay lưng lại là bà rất có thể sẽ phải đối mặt với việc từ chức, hoặc không thể vượt qua thách thức lãnh đạo đảng.
Việc nữ Thủ tướng này được chào đón tại cuộc họp của các nhà lập pháp, có thể xem như dấu hiệu của sự chấp thuận, hay ít nhất, bà đã giành thêm được một chút thời gian. “Bà May biết rằng điều gì đã trở nên sai trái và bà đóng một vai trò trong đó. Bà ấy đã nói những điều mà tôi nghĩ rằng các đồng nghiệp của tôi đang muốn nghe” - Alistair Burt, một nhà lập pháp Bảo thủ cho biết.
Bên cạnh những tín hiệu cho thấy, bà May vẫn nhận được phần nào sự ủng hộ mà bà đang rất cần từ đảng của mình và đồng minh là đảng Liên minh Dân chủ (DUP), thì còn một yếu tố nữa cũng rất đáng lưu ý. Đó là bài phát biểu quan trọng của Nữ hoàng Anh với nội dung đưa ra chương trình nghị sự của chính phủ, vốn được lên lịch vào ngày 19/6, nhưng văn phòng bà May đã từ chối khẳng định lịch này.
Viễn cảnh bất định
Tương lai của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn khá mơ hồ, nhất là sau thất bại của đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò. Bà May đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm với hy vọng củng cố vị trí của mình và để nhận một nhiệm vụ rõ ràng trong quá trình thương lượng để bắt đầu cho việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những gì mà thoạt đầu có vẻ như một chiến thắng dễ dàng đã trở thành thất bại đau đớn đối với các thành viên đảng Bảo thủ.
Đảng Bảo thủ cần 326 ghế để chiếm quá bán nhưng với 649 đơn vị bầu cử đã công bố kết quả kiểm phiếu trong tổng số 650 đơn vị bầu cử, kết quả cho thấy đảng này thiếu số ghế cần thiết tại Quốc hội và phải dựa vào đảng DUP để tiếp tục cầm quyền.
Mặc dù vậy, đảng Bảo thủ cũng vẫn tỏ ra muốn giúp đỡ bà May trụ lại vị trí lãnh đạo đảng và thủ tướng, ít nhất là trong thời gian này. Các cuộc đối thoại đàm phán với Liên minh châu Âu, có thể xem như những thương lượng nặng ký nhất mà nước Anh đối mặt kể từ Đại chiến Thế giới II, đã được đặt kế hoạch vào tuần sau. Trong khi đó, với các cử tri Anh trong một tâm trạng khó đoán, rất ít thành viên đảng Bảo thủ mong muốn mạo hiểm thay đổi lãnh đạo đảng, bởi việc này có thể gây áp lực cho một cuộc bầu cử khác.
Nhiều điều dang dở
Đầu tuần này, Văn phòng Thủ tướng Anh đã phát đi tuyên bố rằng chiến lược của bà May trong việc tìm kiếm một sự ra đi “sạch sẽ” khỏi EU, rút khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan vào tháng 3/2019 sẽ không có gì thay đổi. Thế nhưng thực tế, nhiều nhà lãnh đạo Bảo thủ đang đặt câu hỏi về chiến lược của bà May, dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tiềm ẩn trong nội bộ đảng này về vấn đề này.
Dường như bà May đang nỗ lực để có một thỏa thuận với đảng Liên minh Dân chủ - đảng Bắc Ireland đang nắm giữ 10 phiếu mà bà rất cần để chiếm đa số phiếu. Thực tế, một thỏa thuận với đảng Liên minh Dân chủ là chủ đề gây tranh cãi ở Anh, bởi hai đảng có cái nhìn đối nghịch về nhiều vấn đề như hôn nhân đồng tính, phá thai… Điều này cũng có thể gây ra những biến động ở Bắc Ireland, nơi chính phủ Anh đang nỗ lực hành động như một hòa giải viên công bằng trong việc sắp xếp, chia sẻ quyền lực giữa Liên minh Dân chủ và đảng Dân tộc Công giáo Sinn Fein.
Ngay sau quyết định kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh chóng và tiến hành chiến dịch chạy đua cá nhân, bà May đã nhận lại những hậu quả thảm khốc. Để xoa dịu sự tức giận của nhiều người về phong cách lãnh đạo và thói quen dựa vào nhiều cố vấn, bà May đã phải chia tay với hai cố vấn thân cận là Fiona Hill và Nick Timothy, sau đó cải tổ lại Văn phòng Thủ tướng. Điều gây ngạc nhiên nhất là sự trở lại của ông Michael Gove, người mà bà May đã sa thải vào mùa hè năm ngoái, khi bà nhậm chức. Giờ đây, ông trở thành Bộ trưởng Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn. Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng, đó vẫn chưa phải là những quyết định gây ngạc nhiên cuối cùng của bà May, trong bối cảnh tương lai của chính bà và nước Anh vẫn chưa rõ ràng…