(GD&TĐ) - Tiến sĩ, NSND Phạm Thị Thành - nữ đạo diễn sân khấu đương đại đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng tại Nhà hát Lớn Hà Nội 27/5/2012. Bà là nữ đạo diễn hiếm của nền sân khấu đương đại nước nhà, một thế hệ vàng, người thầy đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh, nay họ đã trưởng thành là những NSND, NSƯT cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Điều hiếm và đặc biệt là ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” bà vẫn say mê làm việc và luôn có ý tưởng mới trong sáng tạo nghệ thuật. Bà là người có ý tưởng làm đề án Sân khấu học đường và thành công được quỹ Ford tài trợ, giới thiệu kịch hát dân tộc cho các trường cấp 2 – 3 (Đông Anh và Khánh Hòa), và Nghệ thuật Chèo tại Nam Định, được Bộ Giáo dục & Đào tạo chuẩn y và triển khai trên cả nước. Nghỉ hưu không được an nhàn mà còn nổi tiếng là tổng đạo diễn những sân khấu hoành tráng trong các lễ hội lớn, chỉ huy hàng ngàn người tham gia, đem đến cho công chúng những màn trình diễn đầy ngoạn mục, ấn tượng.
Năm nay NSND Phạm Thị Thành lại viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn tại Lễ hội Đền Hùng. Bà cho biết Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 được Đảng ủy – UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, với sự tham gia của 9 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.
Lễ hội sẽ được tổ chức trong 7 ngày, từ ngày 13 - 19/4/ 2013 (tức từ ngày 4 – 10/3 âm lịch). Phần lễ năm nay có chương trình đặc biệt: Tôn vinh, đón nhận bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Bên cạnh đó là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ...
Phần hội cũng sẽ có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với qui mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận gắn với tôn vinh di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ".
Đặc biệt, quy mô và các thành viên tham gia chương trình nghệ thuật trong sự kiện kép “Unesco công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Qúy Tỵ 2013” cũng được tổ chức trang trọng trong dịp này. Hai sự kiện cùng lúc nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương vào tháng 3 âm lịch. Trong phần lễ là sự trang nghiêm, thành kính – nơi nguồn cội cứ đến ngày giỗ Tổ hàng năm mọi người dân mang dòng máu Lạc Hồng hướng về tri ân Tiên Tổ/. Phần hội có sử dụng nhiều thành tố múa mang đậm sắc màu dân gian, tín ngưỡng thờ cúng… và không thể thiếu hình ảnh CÁNH HOA SEN do các diễn viên múa thể hiện. Nhiều tổ khúc múa, rước kiệu tạo thành những lớp lang đan xen giữa các vùng miền.
Cả nước hướng về ngày giỗ Tổ |
Theo NSND Phạm Thị Thành: “Unesco công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Đó là điểm khác biệt được làm trùng với ngày Giỗ Tổ. Năm nay bà cũng có thêm đồng nghiệp NSND Phạm Anh Phương - GĐ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN: Phó tổng đạo diễn;. NSND Lê Chức: Chỉnh biên và viết bổ sung lời bình. “Hiện nay ở nước ta có 1417 đền thờ Hùng Vương ở cả ba miền đất nước. Phú Thọ là nguồn cội – nơi có Núi thiêng Nghĩa Lĩnh, có Đền thờ, ngôi mộ, cột đá thề… Được giao viết kịch bản và làm tổng đạo diễn là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao”. Bà chia sẻ: - “Cái khác và khó là nội dung Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đó là một cụm từ mang tính tâm linh của dân tộc Việt nên rất khó diễn tả. Ngay cảnh Khai từ mình đã đặt tiêu đề: “Hương trầm tỏa ngát từ núi thiêng Nghĩa Lĩnh” và đã được Ban tổ chức nhất trí tán thành và chuẩn y ngay. Tiếp đó phần hai là phần Lễ Đón Bằng Di sản văn hóa của Unesco và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Qúy Tỵ 2013...”
Giờ, theo nghệ sĩ Phạm Thị Thành, mọi công việc đang xúc tiến, nhanh và chuẩn xác. Vấn đề là làm sao để toát lên tinh thần đậm đà bản sắc, ấn tượng, sâu sắc, hấp dẫn. Biểu hiện được nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết dân tộc, tri ân Tiên Tổ, hướng về nguồn cội – đã có công dựng nước, dạy dân trồng lúa nước, chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Với sự cố gắng hết mình để làm sao mỗi một tác phẩm có một dấu ấn riêng không trùng lặp, gắn với tiến trình lịch sử và đổi mới của đất nước. Song vẫn mang đậm tính kế thừa phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý báu mà Tổ tiên để lại.
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ diễn ra các hoạt động: rước kiệu của các xã vùng ven; hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các huyện, thành, thị trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ; Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng"; trưng bày, giới thiệu các loài hoa phong lan; tổ chức các hoạt động thể thao: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ... |
Khải Nguyên