Núi băng A68 nặng hàng tỷ tấn và tách khỏi thềm băng Larsen C ở Biển Weddell thuộc rìa Bán đảo Nam Cực vào giữa năm 2017.
Tảng băng khổng lồ hầu như không di chuyển trong vòng một năm trước khi nó bắt đầu trôi dạt tới bờ biển Nam Georgia ở phía nam Đại Tây Dương. Điều đó gây ra nỗi sợ hãi cho động vật hoang dã như chim cánh cụt và hải cẩu trên đảo.
Ban đầu, người ta cho rằng tảng băng có thể tồn tại trong vài năm, thậm chí có thể mất tới một thập kỷ để tan chảy nếu nó nằm ở phía Nam Georgia.
Tuy nhiên, tảng băng đã vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, cách lãnh thổ hải ngoại của Anh khoảng 140nm về phía đông bắc.
Mảnh lớn nhất còn lại của A68 có kích thước khoảng 3x2nm. Các mảnh vỡ này được coi là không còn đáng để Trung tâm Băng quốc gia Mỹ theo dõi.
Adrian Luckman - nhà băng học và giáo sư địa chất tại Đại học Swansea cho biết: “Khi lần đầu tiên xuất hiện, núi băng A68 dài gấp khoảng 400 lần độ dày của nó, rất khác với hình dạng mà chúng ta thường nghĩ về một tảng băng trôi. Chúng tôi cho rằng không bao lâu nữa A68 sẽ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ hơn nhưng nó đã thực sự tồn tại trong nhiều năm và trôi vài trăm dặm trước khi tan chảy".
Giáo sư Luckman cho biết: “Núi băng A68 nổi tiếng do khối lượng và sự đa dạng của dữ liệu vệ tinh cho phép mọi người theo dõi chi tiết. Những hình ảnh gần như hàng ngày cho phép công chúng theo dõi câu chuyện trong thời gian thực".
“Chúng cũng cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn cách các tảng băng trôi lớn di chuyển dưới tác động của dòng hải lưu và gió, băng tan nhanh như thế nào trong vùng nước đại dương ấm lên khi tảng băng trôi về phía bắc và các mảnh băng trôi cuối cùng đã tan rã như thế nào".
“Tất cả những bài học này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách các tảng băng ứng phó với biến đổi khí hậu ở những nơi khác ở Nam Cực, nơi lượng băng mất đi đáng kể và ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Theo giáo sư Luckman, mặc dù sự sinh ra và biến mất của một tảng băng trôi như A68 không trực tiếp do biến đổi khí hậu, nhưng lượng băng mất đi xung quanh Nam Cực, đã tăng thêm 5 lần kể từ những năm 1990 chắc chắn là kết quả của những thay đổi trong đại dương nhiệt và hoàn lưu.