Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tin này làm nức lòng đội ngũ nhà giáo bởi dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới hướng đến quyền lợi của giáo viên; trong đó tập trung vào một số nội dung đang được đội ngũ giáo viên và dư luận quan tâm như: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo hạng; Bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng CDNN; Không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ. Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm. Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới.
Còn nhớ, thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 01 - 04) đã tạo được hiệu ứng tích cực trong và ngoài ngành Giáo dục. Một trong những điểm nhấn là quy định về việc bổ nhiệm hạng CDNN và xếp lương khởi điểm tương ứng với quy định trình độ chuẩn được đào tạo.
Song cũng không thể phủ nhận, áp dụng chùm thông tư trên vào thực tiễn, nhất là khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì dư luận cũng có ý kiến khác nhau. Nhiều giáo viên tâm tư về việc phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo hạng. Cũng có ý kiến cho rằng, việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như quy định tại Thông tư 01 - 04 không phù hợp và không cần thiết.
Ngoài ra, khi các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT được địa phương triển khai đã nảy sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn: Giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của CDNN hạng II được bổ nhiệm CDNN hạng III, chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10). Tuy nhiên, Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này…
Xuất phát từ thực tế khách quan và trên tinh thần cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, đồng thời để thống nhất với quy định mới, khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 - 04. Qua đó, nhằm tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong việc bổ nhiệm CDNN và xếp lương tại địa phương trong thời gian qua. Trên hết là giúp ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo. Từ đó, giáo viên an tâm công tác, tập trung triển khai chương trình giáo dục đạt hiệu quả.
Minh chứng rõ nét là, trong quá trình thực hiện rà soát, sửa đổi các Thông tư 01 - 04, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến của gần 500.000 giáo viên mầm non, phổ thông về một số nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung. Các ý kiến đóng góp của giáo viên là căn cứ quan trọng để Bộ xác định phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ nhà giáo. Tất nhiên, vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan.