Nửa... nhiều tật của Beethoven

GD&TĐ - Beethoven là cháu nội của Lodewijk van Beethoven (1712 – 1773), nhạc sĩ tài năng và được kính trọng nhất ở Bonn (Đức).

Beethoven đời thực luôn trong bộ dạng cáu bẳn. Ảnh: Stock.adobe.com.
Beethoven đời thực luôn trong bộ dạng cáu bẳn. Ảnh: Stock.adobe.com.

Trong tâm thức hậu thế, Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) là thiên tài bất hạnh và cô độc nhưng trong con mắt của người đương thời, cả nỗi cô độc lẫn sự bất hạnh của ông đều là do… tự chuốc. Sau 8 năm phân tích mẫu tóc của Beethoven, các nhà khoa học cuối cùng cũng xác minh được lý do vì sao.

Bậc thầy… hợm hĩnh

Beethoven là cháu nội của Lodewijk van Beethoven (1712 – 1773), nhạc sĩ tài năng và được kính trọng nhất ở Bonn (Đức).

Cha của Beethoven, ông Johann van Beethoven (1740 –1792) cũng theo nghiệp âm nhạc, là ca sĩ, nhạc sĩ kiêm giáo viên dạy nhạc. Từ nhỏ, Beethoven đã được gia đình cho học âm nhạc và sớm bộc lộ năng khiếu phi thường.

Mới 11 tuổi, Beethoven đã có sáng tác đầu tay và thu hút sự chú ý của Hoàng tử Maximillian Francis (1756 – 1801, Áo). Vừa được bổ nhiệm tới Bonn làm hầu tước, Francis lập tức tài trợ kinh phí cho Beethoven lên kinh đô Vienna học nhạc. Tại đó, Beethoven gặp nhà soạn nhạc lừng danh Mozart (1756 – 1791) và được ông khen ngợi hết lời. Chỉ vài năm sau, kỹ năng piano của Beethoven đã vượt qua Mozart và thắng tất cả các cuộc thi piano.

Trước khi cho Beethoven đi Vienna, Francis ra điều kiện phải học nhạc từ Joseph Haydn, nhà soạn nhạc người Áo được công nhận là cha đẻ của giao hưởng và cha đẻ tứ tấu dây. Beethoven có gặp Haydn nhưng lại chê “chẳng có gì đáng để học”.

Càng có tên tuổi, Beethoven càng kiêu ngạo. Hầu hết những người bảo trợ cho ông đều là quý tộc và hoàng tộc Vienna, nổi bật nhất là Thái tử Archduke Rudolph (1788 - 1831).

Dựa thế Rudolph, Beethoven kiếm được cả danh vọng lẫn tiền bạc nhưng vẫn tự cao tự đại phát ngôn, “Hoàng tử thì có gì ghê gớm. Chẳng qua nhờ sinh ra là con nhà vua nên được gọi là hoàng tử, thế giới có đến cả hàng ngàn. Còn tôi, tôi là chính tôi. Thế giới này chỉ có duy nhất một Beethoven”.

nua-nhieu-tat-cua-beethoven-1-3266.jpg
Đối tượng tán tỉnh của Beethoven luôn là 'hoa có chủ' nên toàn thất tình. Ảnh: Gettyimages.com.

Nghiện rượu đến mức bị điếc

Ngoài tự cao, Beethoven còn nóng nảy và bạo lực. Những người từng làm việc với Beethoven đều ví ông như “núi lửa” vì thói bất thần nổi nóng, quát thét và đập phá.

Trước đây, chúng ta luôn tin căn nguyên cơn giận dữ của Beethoven là bệnh điếc do di truyền. Từ những năm cuối độ tuổi 20, do quá say mê và lao lực vì âm nhạc, Beethoven bị ù tai và dần mất thính giác nên đến khoảng giữa độ tuổi 40 thì điếc hoàn toàn.

“Một hôm, khi thức dậy, tôi không nghe thấy tiếng gì cả và cứ thế bị điếc”, Beethoven viết trong thư gửi cho người bạn là bác sĩ. Ông phải tìm đến rượu để vơi bớt nỗi đau và cuối cùng rơi vào nghiện ngập vì “không thể tận tai nghe được bất cứ nốt nhạc nào”.

Hậu thế cứ ngỡ Beethoven bị điếc do di truyền nên hết lòng thương tiếc. Tuy nhiên, sau 8 năm phân tích tóc của Beethoven, nhóm nhà khoa học được hỗ trợ bởi Hiệp hội Beethoven Mỹ và Quỹ tín thác từ thiện của Trung tâm Hugh Stuart phát hiện ông bị điếc là do nghiện rượu.

Thế kỷ XIX ở châu Âu, chì là chất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất rượu. Khi tiêu thụ quá nhiều rượu, người uống bị ngộ độc và nếu cứ say xỉn kinh niên, họ khó tránh khỏi nguy cơ bị điếc. Beethoven không chỉ uống rượu từ khi còn rất trẻ, mà còn nghiện đến mức trước khi chết vẫn còn than: “Tiếc quá! Muộn mất rồi”, với chai rượu quý vì không còn cơ hội để uống.

nua-nhieu-tat-cua-beethoven-2-5697.png
Mẫu tóc của Beethoven tố chủ nhân bị nghiện rượu. Ảnh: Kevin Brown, Ancient-origins.net.

Sở khanh bất thành

Bên cạnh nghiện rượu, Beethoven còn mắc bệnh giang mai. Theo bác sĩ riêng của Beethoven, từ năm 1806 – 1816, thiên tài soạn nhạc này rất thích bầu bạn với gái mại dâm. Ông cũng yêu đương nhưng chỉ thích tán tỉnh phụ nữ đã đính hôn hoặc kết hôn nên thành ra độc thân vĩnh cửu.

Mối tình được biết đến nhiều nhất của Beethoven là với nữ bá tước trẻ Giulietta Guicciardi, người được Beethoven dành tặng bản Sonata “Ánh trăng” (Moonlight sonata, Op. 27) tuyệt hay. Người thứ 2 có lẽ là nữ Bá tước Josephine Brunsvik và bà từ chối vì áp lực gia đình. Người thứ 3 là nữ Nam tước Therese Malfatti, chỉ dừng lại ở mức độ tình bạn…

Sau khi Beethoven qua đời, người ta tìm thấy trong đồ dùng cá nhân của ông bức thư dài 10 trang, không đề ngày tháng, địa điểm, tên người nhận mà chỉ ghi “Gửi người yêu dấu vĩnh cửu”. Suốt 200 năm, hậu thế tìm kiếm danh tính của “người yêu dấu vĩnh cửu” và đưa ra tận 3 ứng cử viên nhưng không dám khẳng định là người nào.

So sánh văn phong của bức thư này với các bức thư khác, người ta thấy nó hao hao với những bức thư mà Beethoven gửi cho nữ Bá tước Josephine Deym, góa phụ trẻ mà ông quen biết 10 năm trước. Không rõ giữa Beethoven và Deym có tình cảm nam nữ hay không nhưng khoảng 5 năm trước đó, Deym đã “cấm cửa” Beethoven và dặn người hầu “cứ lơ anh ta đi”.

Năm 1815, em trai của Beethoven là Kaspar qua đời vì bệnh lao, để lại vợ và con nhỏ - Karl mới 9 tuổi. Trong di chúc, Kaspar trao quyền nuôi Karl cho anh trai.

Trước khi Kaspar qua đời, vợ ông là Johanna đã cầu xin ông đừng trao quyền nuôi con cho Beethoven nhưng không thành. Vốn ghét Johanna, Beethoven kiên quyết không trả cháu nên Johanna phải kiện tụng và theo đuổi vụ kiện cả 5 năm.

Sau nhiều lần giằng giật với em dâu, Beethoven thắng cuộc. “Thằng bé là con tôi. Tôi chính là cha của nó”, ông tuyên bố và nỗ lực uốn nắn Karl theo ý mình. Bị cấm gặp mẹ và quản thúc quá chặt, Karl tự sát.

Cậu mua một khẩu súng lục, trốn vào tàn tích Lâu đài Rauhenstein (Áo) và bắn vào đầu. Nhờ viên đạn thứ nhất bị trượt và viên thứ 2 chỉ làm vỡ thái dương, Karl sống sót. Khi được đưa đi cấp cứu, cậu đòi về với mẹ nhưng Beethoven vẫn kiên quyết không cho.

Những năm chiến tranh pháp lý với em dâu và gò ép cháu trai, Beethoven bỏ bê âm nhạc, càng lúc càng nghiện rượu nặng và hành xử độc đoán hơn.

Người đương thời phải gọi ông là “quái vật”, ai nấy đều e ngại tránh xa. Chán đời, Beethoven ăn mặc như kẻ ăn mày, lang thang khắp nơi, say xỉn và gây sự. Nhiều lần, ông bị cảnh sát tuần tra bắt giữ và tạm giam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thân cây thanh long là nguồn phụ phẩm nông nghiệp có thể được tận dụng tạo than sinh học xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước.

Than sinh học từ thân cây thanh long

GD&TĐ - Nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, biến cành cây thanh long thành than sinh học, để xử lý crom trong nước giúp bảo vệ môi trường...