Nữ trưởng bản của “bộ tộc lá vàng”

GD&TĐ - Trở lại bản Rào Tre vào dịp này, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây đã có nhiều đổi thay. Rõ nhất là những ngôi nhà cao, rộng, sáng màu ngói mới đã xuất hiện ngày càng nhiều bên những ngôi nhà gỗ thấp nhỏ, cũ kĩ trước đây. Nơi đây, còn có một nữ trưởng bản chưa đầy 30 tuổi “cầm cương” bao nhiêu năm qua của “bộ tộc lá vàng” từng sống trong rừng sâu ở Hà Tĩnh, điều có lẽ xưa nay hiếm…

Nữ trưởng bản Hồ Thị Kiên cùng con gái trước căn nhà của mình. Ảnh: TG
Nữ trưởng bản Hồ Thị Kiên cùng con gái trước căn nhà của mình. Ảnh: TG

Người “cầm cương” tuổi 28

Tôi trở lại bản Rào Tre nơi có đồng bào Chứt đang sinh sống trong buổi sáng khí trời se se lạnh của mùa xuân. Vẫn là ngọn núi Ka Đay giống hình con lạc đà, trên lưng dờn dợn mây trắng, nhưng “cái phần đuôi con lạc đà” ngày trước còn le te cây hoang dại, giờ được lợp kín những tán keo tai tượng mỡ màng, ánh ỏi. Những ngôi nhà sàn nằm vắt vẻo dưới chân núi Ka Đay, bên trong thượng nguồn sông Ngàn Sâu được lợp bằng mái tranh nứa lụp xụp, rách nát, xiêu vẹo được thay thế bằng những ngôi nhà ngói mới cao tầng, xây dựng bằng cột bê tông cốt thép hoặc bằng gỗ cao ráo, rộng rãi.

Về bản Rào Tre, điều chúng tôi được nghe nhiều nhất là những câu chuyện về chị Hồ Thị Kiên (28 tuổi) nữ trưởng bản trẻ tuổi nhất của đồng bào Chứt. Bản Rào Tre chỉ có mấy chục hộ gia đình nên tìm nhà chị Kiên không mấy khó khăn. Thấy chúng tôi tìm chị Kiên, bà Hồ Thị Lương chỉ tay về hướng căn nhà ngói mới cao tầng nói vọng sang: “Nhà trưởng bản Kiên đấy nhưng giờ này trưởng bản không có nhà mô. Trưởng bản đi đón con ở trường rồi, chồng hắn còn đi rừng”.

Bà Lương kể, theo phong tục của người Chứt, người giữ chức trưởng bản thường là nam giới lão làng, giỏi việc săn bắt, hái lượm, thông thạo ngõ ngách núi rừng. Những người tuổi đời còn trẻ như chị Kiên có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày làm trưởng bản. Theo tục lệ, khi trưởng bản cũ cảm thấy không đủ sức, đủ tài để lãnh đạo dân bản nữa thì họ được phép chỉ định một người lớn tuổi khác trong tộc lên thay.

Cuộc nói chuyện khá khó khăn giữa tôi và bà Lương bởi bà Lương không thành thạo tiếng Kinh cũng là lúc chị Kiên về. Nữ trưởng bản có nước da rám nắng, vóc người mảnh khảnh, chào hỏi bằng nụ cười thân thiện.

Rót chén nước chè xanh mời khách, Kiên kể: “Giữa năm 2015, được sự vận động của UBND xã Hương Liên và Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), người Chứt ở bản Rào Tre đã “phá lệ làng” tiến hành bầu cử để chọn ra người trưởng bản “có chữ”. Khi ấy tui 25 tuổi may mắn được bà con tín nhiệm làm trưởng bản. Việc trong bản thì nhiều mà chỉ một mình đảm đương nên cũng khá vất vả, từ việc chở học sinh đi học đến chở người già bệnh tật tới bệnh viện. Vì vậy mà thời gian chăm sóc con cái cũng ít đi. May được cái hai đứa ngoan nên cũng đỡ hơn rất nhiều”.

Người tiên phong trong các phong trào

Bản Rào Tre của đồng bào dân tộc Chứt nay đã đổi thay, với những căn nhà khang trang
 Bản Rào Tre của đồng bào dân tộc Chứt nay đã đổi thay, với những căn nhà khang trang

Nói về trưởng bản Hồ Thị Kiên, bà Hồ Nam (nguyên trưởng bản cũ) chia sẻ: “Kiên là trưởng bản trẻ tuổi, rất năng động, gần gũi với bà con trong bản. Kiên có cái chữ nên làm việc tốt hơn, nắm bắt vấn đề nhanh hơn”.

“Từ khi Kiên lên làm trưởng bản, dân số đồng bào Chứt có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, việc sinh đẻ thuận theo tự nhiên, không có kế hoạch, nay chị em trong bản đã biết đến sử dụng thuốc tránh thai. Câu chuyện về đặt vòng, sử dụng thuốc, tiêm… không còn xa lạ với chị em trong bản. Từ đó, tỉ lệ sinh con ngoài ý muốn giảm hẳn, dân bản tập trung chăm lo đời sống kinh tế” - bà Hồ Nam nói.

Chia sẻ về những khó khăn, chị Kiên tâm sự, thời gian đầu làm trưởng bản gặp rất nhiều áp lực. Trước khi được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đưa ra khỏi rừng sâu, người Chứt vẫn giữ các hủ tục truyền thống như hôn nhân cận huyết, sinh con ngoài bờ suối và tin có ma rừng. Lâu nay, do các trưởng bản không biết chữ nên việc xóa bỏ các hủ tục, tuyên truyền các chính sách về an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi chỉ sau thời gian ngắn, ngay cả những người từng bỏ phiếu bầu chị Kiên cũng đòi chị “trả” chức cho trưởng bản cũ. Những cuộc họp đều diễn ra nửa chừng vì người dân bỏ về hết. Dân làng ngày đó vẫn còn hoài nghi về cách trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc nên không chịu lao động. Chị Kiên còn bị người dân cho rằng phản bội “lề luật” khi vận động phụ nữ không được sinh con ngoài bờ suối và khuyên người bệnh phải đi viện.

Chị Kiên vẫn còn bị ám ảnh thời còn ở trong rừng sâu, bởi những cái chết tức tưởi của trẻ vừa được sinh ra. Nguyên nhân các bé tử vong là do tục hôn nhân cận huyết khiến các em bị dị dạng, sức khỏe yếu ớt. Rồi hủ tục sinh con ngoài bờ suối, mẹ của chúng tự mình “vượt cạn” nên bị nhiễm trùng… Đã có trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con.

Sau nhiều đêm thức trắng, chị Kiên quyết định mình phải là người tiên phong trong các phong trào. Muốn người dân tin, chỉ còn cách cho họ thấy việc nuôi trồng mang lại hiệu quả mà không phải vất vả vào rừng săn bắt, kiếm miếng ăn. Muốn xóa bỏ hủ tục thì phải cho họ thấy được hiểm họa đang đe dọa dân làng. Được sự giúp đỡ của Tổ công tác cắm bản Rào Tre, nữ trưởng bản bắt đầu tăng gia sản xuất. Đất không phụ công người, khi thấy ruộng lúa trĩu hạt, những chú gà, chú heo béo trong chuồng nuôi của gia đình chị, dân bản mới bắt đầu trầm trồ. Cũng từ đó, người dân làm theo và tin tưởng tuyệt đối vào nữ trưởng bản trẻ tuổi.

Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên, cho hay từ ngày chị Kiên lên làm trưởng bản, qua sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, chị đã tổ chức họp được dân, hướng dẫn chị em phụ nữ công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé... Đây là những việc làm nổi bật mà các vị trưởng bản trước đó của người Chứt chưa làm được...

Bây giờ, điều chị Kiên lo nhất là việc dựng vợ, gả chồng cho các con em trong bản. Còn việc phụ nữ tự mình “vượt cạn” ngoài bờ suối thì không lo nữa vì chị em đã quyết tâm xóa bỏ được tập tục này. “Việc người Kinh đến lấy con gái bản, ở rể thì dễ, còn con gái mà đi lấy người Kinh thì gặp khó vì phong tục tập quán. Nếu không giải quyết được việc này thì tình trạng hôn nhân cận huyết lại có nguy cơ tái diễn”, chị Kiên cho hay.

Bà Hồ Nam, nguyên trưởng bản Rào Tre, nói rằng bà không ngờ chị Kiên làm được việc, thậm chí còn làm tốt hơn những người trưởng bản trước đó. Bà nói: “Giờ làm lãnh đạo mà mù chữ thì nói ai nghe. Vả lại, dân ta mỗi khi ốm đau, nếu không có người trong bản biết đi xe máy chở đi bệnh viện cấp cứu thì cũng nguy lắm”.

Buổi trưa, tiếng gà cục tác và tiếng ủn ỉn của đàn heo trong chuồng của gia đình chị Kiên hòa lẫn âm thanh của tivi phát từ những ngôi nhà sàn gần bên mang lại cảm giác yên bình. Cuộc sống của người dân trong ngôi làng nằm nép mình dưới chân núi Ka Đay đang đổi thay từng ngày nhờ có một phần công sức của nữ trưởng bản Kiên.

Tộc người Chứt chuyên sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trong điều kiện rất lạc hậu. Tộc người này chủ yếu kiếm ăn bằng săn bắt và hái lượm, sống trong hang, rừng sâu… Từ năm 1958, họ được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre. Đến nay, toàn bản có 41 hộ với hơn 146 nhân khẩu, đời sống kinh tế, tinh thần đã nhiều đổi thay, nhiều hủ tục lạc hậu dần bị đẩy lùi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.