Ngôi trường cả thầy lẫn trò không xài ly nhựa, hộp xốp, túi nilông

Chỉ cần bước vô cổng trường, dù là thầy hay trò, không ai dùng ly nhựa, hộp xốp cho dù mua nước mía, cơm hộp từ bên ngoài. Nếu "lỡ" cầm ly nhựa vô trường, bạn sẽ là người... kỳ kỳ.

Học sinh cùng phân loại rác sau giờ học - Ảnh: T.Trang
Học sinh cùng phân loại rác sau giờ học - Ảnh: T.Trang

Gần một năm nay, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ đặt ra nguyên tắc: "Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa", khuyến khích học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Dù còn khó khăn khi áp dụng vào thực tế nhưng sự thay đổi tích cực của thầy cô như làn gió mới, đến ngày hôm nay, rất ít thấy học sinh tay cầm ly nhựa hay mang hộp xốp vào trường.

Trước tiên, phải thay đổi bản thân

11h20, sau giờ học buổi sáng, nhóm học sinh lớp 11 vào "ca trực" phân loại rác. Người thì cầm kẹp gắp từng loại rác, người thì cầm sổ ghi lại trọng lượng, người thì sắp xếp rác phân loại cho vào từng thùng.

Cô Mai Ánh Tuyết, chủ nhiệm CLB Zero Waste (CLB Không rác), cũng là giáo viên của trường, luôn túc trực cùng học sinh, nói rằng giáo viên cũng phải có mặt để động viên các em, khi phân loại rác cũng cần người am hiểu về từng loại rác. "Lúc đầu các em còn ngần ngại nhưng giờ đã quen tay, quen việc, làm nhanh tay lẹ chân hơn mình nữa" - cô Tuyết kể.

"Đã có lúc tưởng chừng việc sẽ phải ngưng lại khi các xe thu gom rác lại dồn chung hết cho lên xe. Học sinh nản, không ai trân trọng việc làm của mình. Chúng tôi động viên nếu các em không cố gắng thì mai kia môi trường toàn rác. Chính mình phải thay đổi trước mới đòi hỏi người khác thay đổi" - cô Tuyết tâm sự thêm.

Rồi cái khó ló cái khôn, học sinh phân loại rác hữu cơ để xe rác mang đi, các loại như chai, lọ, giấy... thì mang bán ve chai, ly mì ăn liền không thể bán được thì dùng trồng rau, hoa để bán khi đến hội chợ xuân, cắm trại... góp vào gây quỹ trang trải cho các hoạt động của CLB.

Hằng tuần, theo lịch tự phân công, các em chia nhau rửa hộp sữa, bịch sữa tươi. Cô Tuyết nói những hộp sữa sau khi vệ sinh xong, học sinh sẽ đem ra xe gửi lên công ty tái chế hộp sữa giấy.

"Những tưởng đó là loại "rác chết" nhưng nó lại rất hữu ích khi ngày nay công nghệ tiến bộ có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái, sổ tay hay hộp quà" - cô Tuyết chia sẻ.

Không ly nhựa, không hộp xốp, không túi nilông

Cô Cao Thị Ngọc Hà, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho hay trường không cấm mà luôn vận động mọi người hưởng ứng "3 không" này với nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoặc tổ chức nhiều chương trình liên quan chủ đề bảo vệ môi trường.

"Thói quen không thể thay đổi ngày một ngày hai, lứa tuổi này cũng không thể cấm đoán nên nhà trường chỉ khích lệ các em hạn chế khi sử dụng các sản phẩm trên và nên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường" - cô Hà nói.

Cô Tuyết thì chia sẻ những giờ lên lớp, các thầy cô trong trường luôn có bên mình bình giữ nhiệt đựng nước uống, không dùng ống hút nhựa, thậm chí cơm mua bên ngoài cũng mang hộp từ nhà theo mua để làm gương cho học sinh.

Cô Tuyết kể thêm, cái khó không riêng gì vận động học sinh, mà các thầy cô lớn tuổi cũng khó thay đổi ngày một ngày hai bởi thói quen hình thành đã mấy chục năm.

Lúc đầu cũng thấy nhiều bất tiện nhưng "bản thân mình không thay đổi thì vận động được ai, dần dà nhiều thầy cô cũng thay đổi như mình, có cô còn hỏi không đựng cà mên mà đựng cơm bằng hộp bã mía được không thì mình biết mọi người đã đồng lòng rồi" - cô Tuyết chia sẻ.

Túi nilông hay hộp xốp mới... kỳ kỳ

Bạn Trương Gia Bảo, lớp 11P, nói lúc đầu cũng bất tiện nhưng thấy thầy cô trong trường đều nêu gương nên giờ đi học mang theo bình nước là chuyện bình thường. "Bây giờ em thấy ở trường bạn nào mang túi nilông hay hộp xốp thì mới... kỳ kỳ" - Bảo vui vẻ nói.

Còn cô Trần Thị Tư, bán nước mía đối diện trường, kể lúc đầu có mấy bạn học sinh đem bình theo mua nước mía, cô bối rối lắm vì bình lớn nhỏ khác nhau không biết phải tính tiền sao do trước giờ vô bịch quen rồi.

"Tui không bán vô bình thì tụi nó không chịu mua, riết tui cũng đong đo được hết. Thấy tụi nhỏ làm vậy cũng hay hay, tui cũng muốn bán mang đi không xài ly nhựa mà chưa biết phải mang bằng cái gì" - cô Tư cho hay.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.