TS Dương Thị Thùy Vân (42 tuổi) là Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, vừa được xét chọn danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.
“Tôi cảm thấy rất tự hào vì sự ghi nhận cho những nỗ lực bản thân trong suốt hành trình của nghề dạy học”, cô Vân chia sẻ khi hay tin mình được xét chọn danh hiệu.
Từ sự cố Y2K...
Tốt nghiệp THPT năm 2000, cũng như nhiều bạn đồng trang lứa, nữ sinh Dương Thị Thùy Vân từng bối rối trong việc chọn ngành nghề để thi đại học. Với kết quả tốt nghiệp THPT loại xuất sắc, Thùy Vân được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học như Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Ngoại Thương (Cơ sở 2 - TPHCM), Trường Đại học Luật TPHCM.
Song, cuối cùng, cô chọn thi ngành Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở TPHCM).
Thi Công nghệ thông tin với tâm lý “thi thử cho biết” nhưng chị lại đỗ với điểm số và thứ hạng cao. Tuy nhiên, với niềm đam mê ngành Sư phạm từ bé, cô lựa chọn ngành Toán, Trường Đại học Sư phạm TPHCM để theo học.
Nhưng “Sự cố máy tính năm 2000” (thường được nhắc đến là Y2K) đã khiến cô nữ sinh năm nhất ngành Sư phạm chuyển hướng sang học Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở TPHCM). Khi đó, cô vừa tò mò, vừa muốn thử sức mình trong lĩnh vực này, nhận ra đây là một ngành có ứng dụng rất rộng, là nền tảng cho nhiều ngành nghề khác.
Tốt nghiệp đại học với kết quả cao, cô Vân về làm giảng viên tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Đây chính là dấu mốc cho sự nghiệp “trồng người” của cô kể từ đó cho đến nay.
Năm 2006, cô theo học cao học tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).
Năm 2010, cô Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vào năm 2015. Chuyên ngành cô theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, cô đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus.
Luôn đặt ra những bài toán cho riêng mình
Đam mê nghiên cứu khoa học, TS Dương Thị Thùy Vân luôn quan sát thực tế cuộc sống, đặt ra các bài toán và tìm lời giải cho chúng. Một trong những bài toán đó đã mang lại cho cô bằng sáng chế do Cục Sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) cấp - một thành tựu hiếm có trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của Việt Nam.
Đề tài mang tên “Hệ thống điều hòa không khí thông minh”, xuất phát từ thực tế, hiện nay tại các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, trung tâm dưỡng lão…, mỗi phòng thường có nhiều bệnh nhân khác nhau và họ đang chịu cùng nhiều độ chung của phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi người thích nghi với một phạm vi nhiệt độ khác nhau, tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, tâm lý,…Nhiệt độ phù hợp nhất sẽ tạo ra môi trường phục hồi tối ưu cho bệnh nhân.
Nhóm nghiên cứu của TS Vân quyết định nghiên cứu và đề xuất giải pháp thiết lập nhiệt độ cụ thể khác nhau cho mỗi giường bệnh trong cùng một phòng. Quá trình nghiên cứu trải qua khoảng 1 năm để hoàn thiện từ ý tưởng đến giải pháp, thử nghiệm giải pháp.
Khi đã có kết quả thử nghiệm, nhóm viết hồ sơ đăng ký bằng sáng chế gửi USPTO. Quá trình phản biện nghiêm ngặt, sau gần 1 năm thì được USPTO đồng ý cấp bằng sáng chế công nghệ.
Năm 2020, TS Vân cùng các đồng nghiệp đã mày mò, chế tạo thành công Robot khử khuẩn, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Robot được bàn giao cho Trung tâm cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM.
Sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2023.
TS Dương Thị Thùy Vân từng chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình, rằng: “Trong quá trình làm việc và sinh hoạt thường ngày, khi gặp phải vấn đề gì, tôi luôn tự hỏi tại sao người ta lại làm như vậy? Và liệu có một giải pháp, cách làm nào tốt hơn không? Từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ để tìm câu trả lời. Tôi mong muốn những đề tài nghiên cứu của mình lúc nào cũng gắn với thực tế, giải quyết những nhu cầu nào đó của xã hội”.
Có lẽ vì vậy, ngoài những bằng sáng chế cho những dự án hữu dụng với đời sống, TS Vân còn sở hữu một thành tích nghiên cứu khoa học và công nghệ đáng nể. Cô là tác giả 32 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều hội nghị khoa học, tập huấn, hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng.
Tình yêu sẽ mang đến quả ngọt
Theo TS Dương Thị Thùy Vân, làm nghiên cứu khoa học, nhất là ngành Công nghệ thông tin, việc phải bỏ dở bữa cơm, thức khuya dậy sớm hoặc bật dậy giữa đêm để làm việc là chuyện bình thường. Bởi khi nghĩ ra một ý tưởng gì đó, phải viết ngay những dòng “code”, sợ ý tưởng trôi mất.
Làm nghiên cứu khoa học vất vả về cả trí lực lẫn thể lực. Với phụ nữ, nỗi vất vả này gấp nhiều lần “cánh mày râu” vì họ phải quản lý, sắp xếp thời gian để vừa chu toàn việc cơ quan, vừa chăm lo cho gia đình. Thật may mắn, gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho cô Vân, bởi phần lớn các thành viên đều theo nghề giáo.
“Tôi luôn đặt mức độ ưu tiên cho mỗi công việc mình dự định làm trong tương lai, từ đó thiết lập một thời gian biểu cụ thể giúp tôi tránh được tình trạng nhiều việc, không biết làm gì trước và tiết giảm được tối đa thời gian lãng phí”, TS Vân chia sẻ.
Nữ tiến sĩ cho rằng, dù có nhiều điểm bất lợi song phụ nữ cũng có nhiều lợi thế hơn nam đồng nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Sự tỉ mỉ, nhẫn nại giúp ích rất lớn cho những nữ nhà khoa học trong quá trình thử nghiệm nghiên cứu, làm thí nghiệm.
“Tình yêu, niềm đam mê nghiên cứu khoa học sẽ mang đến những thành quả. Hãy luôn tự tin và nỗ lực không ngừng với đam mê của mình, quả ngọt sẽ đến”, TS Dương Thị Thùy Vân nhắn nhủ với những nữ đồng nghiệp trẻ.
Với những thành tựu, giải thưởng đạt được, TS Dương Thị Thùy Vân gửi sự tri ân đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng - ngôi nhà thứ hai, nơi cô được tạo cơ hội để phát huy hết năng lực của bản thân.
“Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy tối đa năng lực của bản thân. Mọi nỗ lực của cán bộ, giảng viên, nhân viên đều được trân trọng và ghi nhận xứng đáng. Tại đây, tôi luôn nhận được sự động viên và hỗ trợ của đồng nghiệp, những người bạn đồng hành sẵn sàng chia sẻ, cống hiến cho sự phát triển chung”, TS Vân chia sẻ.