'Khắc tinh' của bệnh Alzheimer

GD&TĐ - Nữ Tiến sĩ ngành Thần kinh học muốn giải được nhiều bài toán về sức khỏe não bộ và tâm thần cho người Việt, đặc biệt là bệnh Alzheimer.

TS Hà Thị Thanh Hương cùng cộng sự thực nghiệm nghiên cứu về thần kinh. Ảnh: HCMUI
TS Hà Thị Thanh Hương cùng cộng sự thực nghiệm nghiên cứu về thần kinh. Ảnh: HCMUI

Giấc mơ của nữ sinh lớp chuyên

Sinh năm 1989, lớn lên trong gia đình có cha và mẹ làm giáo viên dạy Hóa và Sinh, TS Hà Thị Thanh Hương sớm bộc lộ sở thích các môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là Sinh học. Năm 16 tuổi, Thanh Hương trúng tuyển vào lớp chuyên Sinh, Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM).

Ở ngôi trường chuyên nổi tiếng này, niềm đam mê Sinh học của nữ sinh như “diều gặp gió” khi được học nhiều bài giảng hấp dẫn. Nữ sinh liên tiếp gặt hái nhiều thành tích: Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố lớp 11, 12; Giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Sinh học.

Tại Hội nghị thường niên tổ chức hồi cuối năm 2023, Đại học Quốc gia TPHCM vinh danh 54 nhà khoa học, 7 tập thể có thành tích khoa học và công nghệ xuất sắc nhất năm. TS Hà Thị Thanh Hương (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) là một trong những gương mặt nổi bật nhất, bởi trong năm 2023, cô giành được 2 giải thưởng về khoa học và công nghệ: Women of the Future Awards Southeast Asia và Quả cầu vàng; đồng thời nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Cũng trong năm 2023, TS Hà Thị Thanh Hương được Thành đoàn TPHCM giới thiệu bình chọn danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu thành phố.

Năm 2007, Thanh Hương trúng tuyển ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Tại đây, chị có cơ hội thực hiện những ước mơ ấp ủ trước đó về ngành Sinh học.

Chị lĩnh hội nhiều kiến thức về sinh học phân tử, tế bào gốc, công nghệ sinh học… và tốt nghiệp đại học với danh hiệu thủ khoa ngành vào năm 2011. Trong năm đó, chị đăng ký làm trợ lý 6 tháng cho một nhóm nghiên cứu về bệnh sa sút trí tuệ do HIV/AIDS gây ra tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) tại Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, TS Hương nộp hồ sơ học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để theo đuổi ước mơ nghiên cứu về Thần kinh học tại Đại học Stanford, Mỹ. Vượt qua mong đợi, chị nhận thêm học bổng danh giá của cựu sinh viên Đại học Stanford, trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học, với trọng tâm là nghiên cứu bệnh tự kỷ.

Sáu năm học tập, nghiên cứu ở Mỹ, chị nhiều lần trăn trở với câu hỏi: Bài toán nào về sức khỏe, y học đang tồn tại ở Việt Nam? Câu trả lời khi đó chị tìm được là căn bệnh Alzheimer bởi số lượng trung tâm có khả năng chẩn đoán bệnh này rất hiếm. Năm 2018, chị tốt nghiệp Tiến sĩ rồi về Việt Nam công tác tại Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế.

Những ứng dụng chẩn đoán Alzheimer

Thời gian đầu về nước, TS Hà Thị Thanh Hương khá vất vả khi mất nhiều thời gian tạo các mối quan hệ với bác sĩ, bệnh viện để triển khai ý tưởng nghiên cứu sức khỏe tâm thần.

Chị chăm chỉ dự các hội thảo nghiên cứu khoa học, làm quen nhà khoa học, bác sĩ, mời họ cùng viết sách nghiên cứu. Từ đó, chị hiểu thêm các bài toán trong lâm sàng, đưa ra định hướng nghiên cứu và làm sản phẩm hỗ trợ cho bác sĩ, bệnh nhân.

Từ những khảo sát ban đầu, TS Hương xác định có 2 bài toán lớn về bệnh não bộ có thể giải quyết dựa trên kiến thức mình đã học, gồm: Bệnh liên quan đến stress và Alzheimer.

Bắt tay thực hiện những bài toán cải thiện chức năng bộ não, TS Hương thành lập nhóm nghiên cứu mang tên Brain Health Lab (Phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ) với thành viên là đồng nghiệp, nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và sinh viên.

TS Hà Thị Thanh Hương (giữa) nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023, tháng 10/2023. Ảnh: HCMUI

TS Hà Thị Thanh Hương (giữa) nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023, tháng 10/2023. Ảnh: HCMUI

Nghiên cứu sâu về bệnh Alzheimer, TS Hương nhận thấy, đây là một trong những căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết.

Nhóm đã phát triển thành công phần mềm Brain Analytics - phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer tự động, nhanh, được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Brain Analytics giúp Brain Health Lab giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo, khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước.

Gần đây nhất, TS Hương cùng nhóm nghiên cứu phát triển kit chẩn đoán nhanh bệnh Alzheimer thay vì phải dùng thiết bị chụp chiếu và làm các xét nghiệm. Theo TS Hương, bộ kit dựa trên dấu ấn sinh học là protein p-tau 217 - chỉ dấu không chỉ có giá trị chẩn đoán sớm mà có thể tiên lượng tiến triển của bệnh.

Dựa trên hàm lượng protein p-tau 217 có thể biết bệnh trong những năm tới tiến triển nhanh hay chậm. Dự án chẩn đoán Alzheimer này của TS Hương được xét trao học bổng khoa học quốc gia L’Oreal - UNESCO For Women in Science 2022.

Hiện, TS Hương và Brain Health Lab tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khỏe não bộ, nhất là bài toán đặc trưng cho bối cảnh ở Việt Nam, điển hình như thiết kế các phương pháp can thiệp giúp hạn chế suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, giảm stress, trầm cảm, rối loạn lo âu...

“Người thân của tôi bị bệnh trầm cảm. Chứng kiến nỗi đau đớn giày vò do căn bệnh này gây nên khiến tôi muốn nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh học, đem các hiểu biết sinh học và kỹ thuật của mình đến với lĩnh vực này”, Trưởng nhóm Brain Health Lab chia sẻ.

Cảm hứng từ thầy và đồng nghiệp

TS Hà Thị Thanh Hương. Ảnh: HCMUI

TS Hà Thị Thanh Hương. Ảnh: HCMUI

Suốt hành trình từ cô học trò Trường Phổ thông Năng khiếu đến vị trí giảng viên, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh (Trường Đại học Quốc tế), TS Hương được dìu dắt bởi những người thầy đáng kính.

Khi còn là học sinh THPT, thăm người thân tại các bệnh viện tâm thần, TS Hương nhận thấy những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Từ đó, chị nhen nhóm trong lòng mong muốn cải thiện tình trạng đó.

Thầy cô tại Trường Phổ thông Năng khiếu cũng là những nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hoặc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Động lực và mơ ước nghiên cứu khoa học của chị đến từ đó.

Sau đó, TS Hương được theo học nhiều người thầy nổi tiếng trong lĩnh vực Sinh học như PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương, GS.TS Nguyễn Linh Thước và nhiều giáo sư đầu ngành tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Cuối tháng 10/2023, TS Hà Thị Thanh Hương là một trong 10 gương mặt được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2023. Khi biết tin mình đạt giải thưởng, nữ Tiến sĩ “vừa bất ngờ, vừa vui mừng và cảm thấy biết ơn”.

Theo chị, giải thưởng không chỉ dành cho riêng mình, mà còn có tập thể Khoa Kỹ thuật Y sinh, gồm những thầy cô, đồng nghiệp, học viên và sinh viên. Đặc biệt, những đồng nghiệp đồng hành sát sao với chị trong hành trình nghiên cứu về bệnh Alzheimer như TS Huỳnh Chấn Khôn, TS Ngô Thị Lụa.

“Là giảng viên dưới mái Trường Đại học Quốc tế, tôi như được đứng trên vai người khổng lồ, thừa hưởng vô vàn thành tựu từ các thế hệ đi trước. Từ cơ sở vật chất đầy đủ, tới những anh chị đồng nghiệp giỏi giang, năng động, nhiệt huyết và trên hết là chương trình đào tạo chuyên sâu kiến thức kỹ thuật, bài bản về kỹ năng”, TS Hương chia sẻ. Đồng thời, chị kể tên những người thầy đáng kính như GS.TS Võ Văn Tới, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, PGS.TS Vòng Bính Long, những người chèo lái “con thuyền” Khoa Kỹ thuật Y sinh một cách xuất sắc.

“Tôi biết ơn cha mẹ, gia đình, các thầy cô đã truyền lửa, kiến thức và dạy dỗ tôi từ mái trường phổ thông, đại học và nghiên cứu sinh sau này. Tôi cũng thầm cảm ơn doanh nghiệp, quỹ nghiên cứu đã hỗ trợ nhóm tôi và cộng sự đắc lực trong các dự án nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật Y sinh, Bệnh viện Quân y 175, Đại học Y Dược, 30 - 4 và Chợ Rẫy, cũng như các đồng nghiệp tại VKIST và Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Hà Nội”, TS Hương nói lời cảm ơn những người đã “tiếp lửa” cho mình suốt hành trình dài.

Gia đình là chỗ dựa

Khi được hỏi “có bao giờ chị cảm thấy áp lực với con đường nghiên cứu khoa học”, nữ Tiến sĩ thổ lộ: “Nhiều người hỏi tôi vì sao có thể theo đuổi nghiên cứu khi khó khăn muôn trùng như vậy? Thực sự làm nghiên cứu khó thật. Viết bài báo khoa học cũng ‘khoai’, xin quỹ tài trợ nghiên cứu khó, tìm kiếm đối tác từ phía lâm sàng cũng rất vất vả.

Nhưng bù lại, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt sáng rực của sinh viên, sự trưởng thành hơn và theo đuổi được ước mơ du học của mình, hay khi biết tin có bệnh nhân dùng sản phẩm nghiên cứu của nhóm tại bệnh viện có tiến triển tốt… thì tôi cảm thấy mọi thử thách đều xứng đáng”.

Theo TS Hương, gia đình luôn là chỗ dựa, nguồn động viên lớn đối với sự nghiệp của mình. Chồng, gia đình nội ngoại cùng hỗ trợ, chăm sóc các con để chị yên tâm công tác. Khi rời công sở, TS Hương trở về vai trò một người vợ, mẹ đảm đang, dành phần lớn thời gian cho gia đình. Chị cùng con nấu các món ăn, tráng miệng mới, đưa các con tới lớp học đàn, tiếng Anh.

“Hiểu biết về y khoa giúp tôi có thêm kiến thức khi chăm sóc con, nhưng có lẽ tính cách khi làm khoa học của tôi cũng khiến hai con thiệt thòi vì mẹ quá khắt khe, kỳ vọng. Tôi cũng bận rộn nên đòi hỏi hai con phải tự lập. Do vậy, tôi tự nhủ luôn tìm cho mình những khoảng lặng để nhìn nhận, chấn chỉnh lại, để tuổi thơ của con no đủ ấm áp và vui tươi. Làm nghiên cứu phải học cái mới mỗi ngày thì làm mẹ cũng như vậy”, TS Hương chia sẻ.

Theo TS Hà Thị Thanh Hương, phụ nữ thế kỷ 21 có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Sẽ không còn nhiều người đánh giá nếu một người phụ nữ chọn làm cầu thủ bóng đá, luật sư hay nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa con đường họ chọn ít gian nan, thử thách. “Chúc các bạn luôn chân cứng đá mềm trên bất kỳ con đường nào bạn chọn; cố gắng không chỉ cho bản thân, mà còn cho những thế hệ mai sau”, nữ Tiến sĩ nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.