Nữ tiến sĩ sáng tác thơ bằng tiếng Hàn

GD&TĐ - Nguyễn Thị Thu Vân hiện là giảng viên, Trưởng Bộ môn Dịch tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

e
e

Cô là dịch giả của một số tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc và cũng có tình yêu đặc biệt với văn thơ.

Tập thơ 400km của cô vừa được NXB Dohun ấn hành và ra mắt tại Hàn Quốc gồm 48 bài thơ được viết theo thể thơ tự do, ghi lại những cảm xúc và kỷ niệm của tác giả trong thời gian sinh sống và học tập tại Hàn Quốc 12 năm trước với minh họa là hơn 30 bức ảnh mà tác giả chụp trong những chuyến đi qua lại Hàn Quốc gần 20 năm qua.

400km là khoảng cách từ Seoul đến Busan, vì thế tập thơ cũng như một chuyến hành trình dọc theo đất nước Hàn Quốc mà ở đó người đọc sẽ bắt gặp những hình ảnh cảnh vật và con người Hàn Quốc cùng những cảm xúc rất riêng của tác giả, giúp người đọc hiểu hơn về một đất nước Hàn Quốc với một vẻ đẹp giản dị, đầy chiều sâu, khác xa với vẻ đẹp thường thấy trên phim ảnh.

Trao đổi sâu hơn với chị về cuộc đời văn chương nói chung cũng như tập thơ 400km nói riêng, những tò mò, hiếu kỳ của phóng viên, người hâm mộ chị dần dần được hé mở.


- Xin chào, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình cho mọi người cùng biết được không?

Tiến sĩ, Dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân: Tôi là Nguyễn Thị Thu Vân, hiện là giảng viên kiêm Trưởng Bộ môn Dịch tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi đi du học ở Hàn Quốc về năm 2011, tôi bắt đầu công tác tại trường từ năm 2012 đến nay đã được hơn 10 năm. Chuyên ngành cử nhân của tôi là Hàn Quốc học và chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ là Nhân học.

- Quá trình viết văn/làm thơ cũng như dịch sách của chị chắc hẳn là một chặng đường dài?

Như bạn cũng biết, ngoài công việc giảng dạy tại trường, tôi còn làm công việc như một dịch giả, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu.

Từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ hình thành cho thói quen đọc sách, từ đó dần dà đã giúp nuôi dưỡng tình yêu đối với văn chương của tôi.

Tôi vẫn nhớ những bài học đầu đời đến với tôi một cách rất tự nhiên từ những trang sách: những chuyện giản dị về gia đình, bạn bè, những câu chuyện ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ Grim, truyện cổ Andersen. Lớn hơn chút nữa là những tiểu thuyết kinh điển phương Tây như Đồi gió hú, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Ruồi Trâu, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai...

Sau khi vào đại học, vì quan tâm đến đất nước và văn hóa Hàn Quốc nên tôi đã theo học chuyên ngành Hàn Quốc học. Cá nhân tôi thấy khác với văn học phương Tây, văn học Hàn Quốc có một sức hút rất riêng và rất gần gũi với văn học Việt Nam.

Văn học vốn là tấm gương phản chiếu một phần tâm tư tình cảm cũng như cuộc sống của những con người sáng tác nên những tác phẩm văn học đó. Vì vậy, trong gần 20 năm gắn bó với Hàn Quốc, với tiếng Hàn, tôi cũng đã tìm đọc và tìm hiểu về rất nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc để hiểu hơn về đất nước và con người Hàn Quốc, giúp tôi tích lũy những kiến thức phục vụ cho công việc của tôi.

Năm 2011, khi trở về Việt Nam, tôi bắt đầu giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Và với mong muốn truyền tải, giới thiệu văn học Hàn Quốc đến được với thật nhiều bạn đọc Việt Nam nên nhờ một cơ duyên nho nhỏ, tôi đã bắt đầu dịch cuốn sách đầu tay đó chính là tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng” (tác giả Hwang Sun-mi) và được Nxb. Hội nhà văn phát hành năm 2013.

Sau khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được phản hồi tích cực cũng như tình yêu mến của rất nhiều độc giả. Điều này đã giúp tôi có động lực để tiếp tục dịch những tác phẩm văn học khác sang tiếng Việt.

Mặt khác, ngoài dịch thuật, tôi cũng đã luôn ấp ủ sẽ sáng tác những tác phẩm văn học bằng chính tiếng Hàn. Và đó chính là tiền đề để tôi sáng tác nên tập thơ “400km”.


- Mới đây tập thơ “400km” của chị đã được ra mắt tại Hàn Quốc, cảm xúc của chị ra sao?

Vâng, tháng 4 năm 2022, tập thơ “400km” của tôi đã được NXB Dohun phát hành đúng vào mùa hoa anh đào nở rộ ở Hàn Quốc. Thực sự, tôi có rất nhiều cảm xúc. Đó là niềm vui xen lẫn một chút gì đó tự hào, một chút cảm giác như tôi đã đạt được một mục tiêu mà bấy lâu nay tôi ấp ủ - đó là sáng tác văn học bằng tiếng Hàn.

Bản thân ở vai trò một người giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc thì việc có thể có một công trình gì đó dù rất nhỏ thôi nhưng cũng giúp tôi có thể phần nào tạo động lực cho các em sinh viên mới bắt đầu bước chân vào học ngôn ngữ này.

Tôi vẫn nhớ trong phần bình luận về tập thơ của nhà phê bình văn học Hàn Quốc Son Hyun-sook, cô đã chia sẻ rằng: “Những bài thơ trong tập thơ “400km” này đến với tôi như một sự chấn động, một vẻ đẹp kì lạ, một dấu ấn vô cùng đặc biệt bởi nó là tập thơ được viết nên bởi một nhà thơ người nước ngoài sáng tác thơ bằng thứ ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình.

Tôi băn khoăn liệu rằng trước đây, khi lần đầu tiên tiếp xúc với ngôn ngữ của chúng ta, tác giả đã từng có suy nghĩ rằng một ngày nào đó có thể sáng tác thơ như thế này hay không? Tác giả đã vô cùng thuần thục với từng âm, từng chữ của một ngôn ngữ xa lạ, vượt qua sự sắp xếp câu từ đơn thuần để sáng tác nên những vần thơ đầy xúc cảm cùng sự chiêm nghiệm sâu sắc. Bản thân việc tác giả thử tài ngôn ngữ của mình đối với loại hình văn chương là thơ cũng là một điều đáng khâm phục”.

Quả thực, thông qua tập thơ này, tôi muốn nhắn nhủ với các em sinh viên rằng: “Khi học ngoại ngữ, nếu các em chăm chỉ và quyết tâm thì một ngày nào đó các em hoàn toàn có thể chinh phục được nó".

- Chị lấy cảm hứng từ đâu để quyết định cầm bút viết tập thơ “400km”?

Thực ra cảm hứng đến với tôi một cách hết sức tự nhiên. Như tôi đã chia sẻ ở trên thì tôi luôn ấp ủ sáng tác văn học bằng tiếng Hàn. Bởi vậy, trong khoảng thời gian sinh sống và học tập tại Hàn Quốc, cũng như sau khi trở về Việt Nam, trong những chuyến công tác, du lịch qua lại Hàn Quốc, tôi đã dành thời gian để thăm thú khắp các ngõ ngách từ Seoul cho đến Busan, ghi chép lại những cảm nhận của tôi cũng như lưu giữ những khoảnh khắc đẹp qua những bức ảnh tôi tự chụp.

Đến năm 2021, tức là tròn 10 năm kể từ ngày trở về Việt Nam, khi ngắm nhìn từng bức ảnh đã chụp, tôi đã quyết định chuyển tải những ghi chép cùng những bức ảnh đó thành một tập thơ để thể hiện tình cảm, lòng yêu mến của tôi đối với đất nước và con người Hàn Quốc. Và đặc biệt, nó sẽ mang một dáng vẻ rất khác với những gì các bạn thường thấy trên phim ảnh hay K-pop. Đó là một đất nước Hàn Quốc với những hình ảnh giản dị hơn và nhiều chiều sâu hơn.

- Một vài kỷ niệm đáng nhớ và khó khăn trong quá trình viết tập thơ “400km” của chị?

Nói thật có thể các bạn khá bất ngờ nhưng từ lúc chính thức bắt tay vào sáng tác tập thơ cho đến khi hoàn thành bài thơ cuối cùng là bài số 48, tôi chỉ mất đúng hai tuần. Các ý thơ cũng như các câu thơ đến với tôi một cách hết sức tự nhiên, trôi chảy và hầu như không có khó khăn gì đáng kể cả.

Một điều may mắn đối với tôi là trong quá trình sáng tác và chuẩn bị để tập thơ được ra mắt, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những quý nhân. Và cũng nhân đây, nhân dịp tập thơ được ấn hành, tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ngài Lee Sang-chul - nguyên Lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam và cũng là sếp cũ của tôi cách đây hơn 10 năm. (Khi mới ra trường, trước khi đi du học tại Hàn Quốc, tôi đã có cơ hội làm việc tại Phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội).

Ngài Lee Sang-chul là một người mà có lẽ tiếng Việt còn giỏi hơn tôi và cũng rất yêu thích văn chương. Nhờ đó ngài Lee đã giúp tôi biên tập, chỉnh lý tập thơ rất chi tiết, đưa ra cho tôi những gợi ý để tôi có thể hoàn thiện được tốt nhất bản thảo của mình.

Một may mắn thứ hai đó là tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà thơ Lee Do-hun là Giám đốc NXB Dohun trong suốt quá trình biên tập và cho ra mắt tập thơ, sự nhiệt tình chỉ dẫn và viết lời đề tặng từ nhà thơ Mai Văn Phấn.

Nhờ những sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình như vậy mà tôi đã có thể hoàn thiện và giới thiệu tập thơ “400km” đến với độc giả tại Hàn Quốc và Việt Nam.

Từ đầu tháng 5 năm nay, tập thơ “400km” đã được lên kệ giới thiệu tới bạn đọc Hàn Quốc ở hầu hết các nhà sách online và offline tại Hàn Quốc và cũng được lên báo tại Hàn Quốc. Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng đã có lời mời phỏng vấn tôi về tập thơ này. Thực sự đây là những thành quả tuy rất nhỏ nhưng cũng giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục niềm đam mê viết lách của tôi hiện tại và trong tương lai.

- Gần 10 năm làm công việc dịch sách, bản thân chị gặp phải những khó khăn gì và chị có lời khuyên nào dành cho các bạn dịch giả hiện nay không?

Cho đến nay, tôi đã dịch và giới thiệu 5 tác phẩm của Hàn Quốc sang tiếng Việt trong đó có 4 tác phẩm văn học (3 tác phẩm văn xuôi, 1 tập thơ: Cô gà mái xổng chuồng (Tác giả Hwang Sun-Mi, NXB Hội Nhà văn, 2013), Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi (Tác giả Shin Kyung-Sook, NXB Hội Nhà văn, 2014), Bố con cá gai (Tác giả Jo Chang-In, NXB Hội Nhà văn 2017), Thác mặt trời (Thơ, Tác giả Ko Hyung-Ryul, NXB Hội nhà văn, 2019) và 1 sách nghiên cứu: Sự lý thú của Hàn Quốc học (Tác giả Joo Young-Ha chủ biên, NXB Hội Nhà văn, 2017)). Các tác phẩm kể trên đều nhận được phản hồi tích cực và giành được sự yêu mến của độc giả tại Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng đã viết 2 cuốn sách chuyên khảo về chuyên ngành Nhân học trong đó có một cuốn viết bằng tiếng Anh phát hành năm 2019, sáng tác một tập thơ về Hà Nội với tiêu đề “Ngân đôi” được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2020.

Trong quá trình làm công việc dịch sách, tôi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định đến từ rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Đặc biệt, khi dịch những tài liệu về chuyên ngành thì việc tìm hiểu, đối chiếu từ vựng chuyên môn là một việc rất cần sự kiên trì và nhẫn nại.

Theo tôi đối với những bạn mới bắt đầu bước chân vào con đường dịch thuật thì điều quan trọng là xây dựng cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên tâm. Thái độ đó sẽ là kim chỉ nam giúp chúng ta có thể có được những công trình dịch thuật đạt chất lượng. Ngoài ra, không chỉ về ngôn ngữ thì việc mở rộng, tích lũy những kiến thức nền về văn hóa, xã hội, lịch sử v.v.. cũng là điều kiện cần để có thể nâng cao chất lượng dịch thuật.

- Không chỉ ở vai trò nhà văn, biên dịch, chị hiện còn là giảng viên Khoa NN&VH Hàn Quốc. Chị có điều gì muốn chia sẻ trong quá trình công tác tại đây?

Như đã chia sẻ ở trên, tôi bắt đầu công việc giảng viên tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội được hơn 10 năm. Việc được công tác tại Khoa với Ban Chủ nhiệm khoa đầy nhiệt huyết, với các đồng nghiệp có năng lực, giàu tinh thần sáng tạo và đoàn kết là một điều may mắn đối với tôi.

Đặc biệt, việc được tiếp xúc thường xuyên với các em sinh viên năng động, trẻ trung và rất ham học luôn là động lực để tôi cố gắng hơn mỗi ngày trong công việc của mình. Tôi luôn tự nhủ cần phải trau dồi tốt hơn nữa về năng lực chuyên môn, cập nhật nhiều kiến thức liên quan hơn để có thể làm tròn được vai trò và làm tốt được công việc của mình.

- Trong tương lai, chị có kế hoạch gì cho con đường viết văn/làm thơ cũng như dịch sách của mình?

Hiện tại và trong tương lai, tôi vẫn sẽ cố gắng làm việc thật chăm chỉ để có thể cho ra nhiều tác phẩm dịch thuật đạt chất lượng hơn nữa. Bên cạnh đó, tôi cũng đặt mục tiêu và lộ trình biên soạn sách về giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, sách về chuyên ngành Nhân học của tôi cũng như sáng tác các tác phẩm văn học.

Gần đây, tôi có tham gia đề án viết sách chuyên khảo về lý luận dịch liên ngành, và sắp tới tôi cũng dự kiến ra mắt cuốn sách “48 giờ chinh phục tiếng Hàn OPIc” viết cùng TS. Hà Minh Thành, Trường ĐHKHXH& NV, ĐHQG Hà Nội. Tôi cũng rất mong rằng từng bước mình sẽ thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra, và những cuốn sách tôi dịch và viết sẽ luôn nhận được sự quan tâm, yêu mến từ các độc giả.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.