Nữ tiến sĩ người Cao Lan "cháy" hết mình với giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Từ việc yêu thích những giờ học tiếng Việt, Ngữ văn và ước mơ cháy bỏng được đứng trên bục giảng, cô bé Đặng Thị Hường ngày nào nay đã trở thành tiến sĩ đầu tiên của người dân tộc Cao Lan.

Cô Đặng Thị Hường được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Tuyên Quang lần thứ V (2020 - 2025). Ảnh: NVCC
Cô Đặng Thị Hường được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Tuyên Quang lần thứ V (2020 - 2025). Ảnh: NVCC

Cô là tấm gương về tinh thần hiếu học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Vượt lên hoàn cảnh

Mới đó mà cô Hường đã có 34 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cho vùng đất khó. Hiện, cô là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú – THPT tỉnh Tuyên Quang. Thế nhưng, ít ai biết được cô Hường từng có tuổi thơ nghèo khó. Cô mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên mấy chị em sống nương tựa vào nhau.

Hoàn cảnh khó khăn, cô Hường phải làm đủ thứ nghề, từ đi làm thuê cho đến mò cua, bắt ốc, đãi sỏi ở bãi sông để có tiền đi học và trang trải sinh hoạt hàng ngày. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng cô vẫn nuôi ước mơ được làm cô giáo. Bởi vậy, dù có vất vả đến đâu cô cũng chuyên cần đến lớp học bài. Sau này, cô quyết  định theo học Khoa Văn tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên). Ra trường đi làm, cô tiếp tục học thạc sĩ, rồi lên tiến sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

34 năm bám trường, bám lớp, cô Hường được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau: Từ Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ cho đến Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú – THPT tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, cô còn là Trưởng ban Nữ công, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang. Dù vậy, cô vẫn lên lớp giảng bài cho học trò hằng ngày.

Để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được phân công trong cùng một thời điểm, cô Hường đã tự xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc và học tập. Trước hết, cô dành thời gian tự đọc, tự học, tự nghiên cứu sách vở để bổ sung kiến thức chuyên sâu. Cô cũng tranh thủ học hỏi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy và kinh nghiệm quản lý từ bạn bè, đồng nghiệp… “Sau đó, tôi sắp xếp công việc thật khoa học để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa làm tốt thiên chức của người phụ nữ trong gia đình và hoàn thành nhiệm vụ học tập, nghiên cứu” – cô Hường bộc bạch.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi cô đã hoàn thành kế hoạch 10 năm (2005 – 2015). Trong thời gian này, cô Hường đã hoàn thành chương trình thạc sĩ (năm 2007), bảo vệ Đề án tốt nghiệp lý luận cao cấp chính trị và Luận án tiến sĩ (năm 2015). Ngoài ra, cô có 9 công trình nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, tham gia nghiên cứu 1 đề tài khoa học cấp tỉnh. Cô còn tham gia Hội thảo khoa học về tách thành phần dân tộc Cao Lan, Sán Chí và là thành viên của Hội đồng khoa học tỉnh Tuyên Quang… “Tôi rất vui vì đã đóng góp một phần công sức vào công tác nghiên cứu khoa học của địa phương và cả nước” – cô Hường bộc bạch.

Cô Đặng Thị Hường cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC
Cô Đặng Thị Hường cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Tấm gương “rất đời” cho học sinh

Trở thành tiến sĩ, cô Hường cũng có nhiều cơ hội để làm những công việc khác, với mức thu nhập cao hơn, nhưng chưa bao giờ cô thấy nản lòng và có ý định rời bỏ bục giảng, phấn trắng, bảng đen. “Tôi tự thấy mình đủ tâm huyết, yêu nghề và gắn bó với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số - ngôi trường mình đang công tác, giảng dạy” – cô Hường chia sẻ, đồng thời cho hay:

Khi quyết định xin đi học nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, cô đã ấp ủ và mong muốn trở về trường công tác với rất nhiều hy vọng: Sẽ là tấm gương rất thật và “rất đời” để học trò của mình vượt qua rào cản tự ti dân tộc, vươn lên trong học tập. Vì thế, cô quyết tâm dồn hết tâm sức của mình để tham gia ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi các cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường…

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú – THPT tỉnh Tuyên Quang có 550 học sinh, chủ yếu là dân tộc thiểu số, với nhiều điểm khác biệt về kĩ năng sống, tâm lí lứa tuổi, trong đó có ảnh hưởng của phong tục tập quán vùng miền và hoàn cảnh sống… Theo cô Hường, với 100% học sinh ở nội trú nên công tác quản lí học sinh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục kĩ năng sống cho các em là vô cùng quan trọng. Điều mà cô băn khoăn nhất ở thời điểm sắp nghỉ hưu (1/6/2022) là công tác tư vấn tâm lí, hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn khi các em gặp vấn đề cần giúp đỡ.

Cô Hường nhớ lại, trong quá trình công tác, cô đã giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn cho nhiều học sinh gặp vấn đề về tâm lí như: Giới tính thứ 3, bạo lực gia đình, khúc mắc về tình bạn, tình yêu, bị cô lập do cá tính khác biệt, quan hệ thầy – trò… Thậm chí, nhiều học sinh có suy nghĩ tiêu cực, với biểu hiện rất xấu, nếu không được tháo gỡ thì có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo kinh nghiệm của cô Hường, nguyên tắc của người tư vấn tâm lí là phải tôn trọng câu chuyện mà học trò giãi bày, phải chia sẻ với học sinh về vấn đề mà các em gặp phải. “Bằng những kiến thức thu thập được, cùng với những trải nghiệm, kinh nghiệm, vốn sống của mình, tôi tìm đã cách hỗ trợ, giúp nhiều học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý”, cô Hường bộc bạch.

Vừa là đồng nghiệp và cũng là cấp trên của cô Hường, bà Nguyễn Thị Uyên – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang – nhận xét: Cô Hường là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên. Ở cô có sự kiên trì, bền bỉ, với tinh thần tự học, tự nghiên cứu và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ rất tuyệt vời.

“Dù sắp nghỉ hưu nhưng cô Hường vẫn luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh và chủ động bắt nhịp với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cô có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng khó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú – THPT tỉnh Tuyên Quang nói riêng và địa phương nói chung” – bà Uyên bày tỏ.

Có những câu chuyện mà cô - trò nhiều thế hệ đã trải qua cùng nhau nhưng chỉ có 2 người biết với nhau và trở thành kỉ niệm không bao giờ quên. Ý tôi muốn nhấn mạnh đến nguyên tắc giữ bí mật khi tham gia tư vấn tâm lí cho học sinh của mình. - TS Đặng Thị Hường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.