Nữ tiến sĩ điều chế rau má, nha đam chữa vết thương mãn tính

GD&TĐ - TS Hoàng Thị Thái Thanh và cộng sự đã nghiên cứu điều chế thành công hệ hydrogel từ rau má, nha đam, điều trị vết thương mạn tính và nhiễm trùng.

Phản ứng điều chế hệ hydrogels chitosan chứa dịch nha đam.
Phản ứng điều chế hệ hydrogels chitosan chứa dịch nha đam.

Chữa vết thương nhiễm trùng bằng thực vật lành tính

Hydrogel chăm sóc vết thương là xu hướng mới của các nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. TS Hoàng Thị Thái Thanh và nhóm nghiên cứu Viện Khoa học vật liệu ứng dụng đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu điều chế và khảo sát các hệ hydrogel từ thực vật nhiệt đới và polymer tự nhiên ứng dụng trong điều trị vết thương mạn tính và nhiễm trùng”. Đề tài vừa được nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.

Nghiên cứu này là phát triển hydrogel đa chức năng có thể tiêm truyền dùng làm băng gạc vết thương. Đặc biệt là khả năng kháng khuẩn và các hợp chất hoạt tính sinh học từ thực vật nhiệt đới được đưa vào hydrogel nhằm chứng minh tác dụng tiềm năng của nguồn thực vật nhiệt đới trong điều trị vết thương mãn tính và cấp tính để đạt được sự tái tạo mô tốt nhất.

Sự kết hợp giữa polymer tự nhiên và chiết xuất/thành phần thực vật nhiệt đới tạo hydrogels là để giảm độc tính của glutaradehyde, để tìm hiểu tương tác của các hợp chất hoạt tính sinh học tự nhiên trong nền hydrogel, cũng như mở ra thêm phương pháp mới vận dụng nguồn thực vật nhiệt đới trong chữa trị các loại vết thương khác nhau hay trong các ứng dụng y sinh khác với cách điều chế đơn giản và kinh tế.

TS Hoàng Thị Thái Thanh cho biết, nhóm nghiên cứu đã tận dụng các ưu điểm nổi bật của gel nha đam để điều chế hệ hydrogel chitosan/dịch nha đam ứng dụng làm băng gạc vết thương kháng khuẩn và hỗ trợ làm lành nhanh vết thương. Dịch gel nha đam giúp làm giảm bớt hàm lượng glutaraldehyde sử dụng, trong khi vẫn duy trì được cơ lý hóa tính của vật liệu hydrogels.

Hệ hydrogels này có khả năng nhả chậm các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao có tiềm năng để phát triển trong điều trị bệnh và làm lành nhanh vết thương.

Đặc biệt, hệ hydrogel chitosan/dịch nha đam có khả năng nhả chậm nitrite có triển vọng trong ứng dụng điều chế NO in situ khi cấy ghép trong cơ thể sống nhằm hỗ trợ điều trị lâm sàng liên quan đến tim mạch hay sự phân hóa tế bào gốc.

Hệ hydrogels này có khả năng kháng khuẩn cao trên hai chủng E. coli và S. aureus. Đồng thời, các hydrogels chitosan/dịch nha đam được tạo với nồng độ glutaraldehyde nhỏ hơn hay bằng 0,5% đạt độ tương hợp tế bào cao, thậm chí làm tăng khả năng sinh trưởng của nguyên bào sợi da người.

Hệ hydrogels tiếp theo mà nhóm phát triển là hệ gelatin hydrogel mang cao chiết rau má. Rau má là một trong những cây thảo dược được nghiên cứu nhiều và ứng dụng trong y học cổ truyền từ lâu đời.

Nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học tốt (flavonoids, saponins, polyphenols và triterpenoids) ứng dụng trong chữa trị nhiều bệnh đã được tìm thấy trong cây rau má, bao gồm khả năng chữa lành vết thương, bảo vệ thần kinh, kháng u, kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, chống tụ máu và chống viêm.

Chống nhiễm trùng, tạo mạch máu

TS Thái Thanh cho biết, sử dụng cao chiết rau má kết hợp với hệ hydrogels được tạo thành từ gelatin và glutaraldehyde đã đạt được nhiều ưu điểm: 1- Nhả chậm polyphenols có nhiều tiềm năng trong chống lão hóa và hấp thu các gốc tự do phòng ngừa/điều trị nhiều bệnh do gốc tự do gây ra; 2- Cấu trúc xốp và tính trương nở thấp có thể dùng bên trong cơ thể mà không gây chèn ép mô/cơ quan lân cận; 3- Tương hợp sinh học cao, không gây độc khi thử nghiệm với nguyên bào sợi da người.

Như vậy, công thức hydrogel gồm chitosan/gel nha đam hay gelatin/cao rau má là công thức hydrogel đầu tiên được công bố ở Việt Nam mà nhóm nghiên cứu TS Hoàng Thị Thái Thanh đã tiến hành.

Với những kết quả khả quan trong phòng thí nghiệm, hai hệ hydrogels này cần được tiến hành thử nghiệm in vivo trên chuột để chứng minh được khả năng ứng dụng chống nhiễm trùng, cầm máu, và nhả chậm sinh NO giúp tạo mạch máu.

“Hiện, đây mới là bước thành công đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa đưa sản phẩm từ thực vật thành giải pháp điều trị vết thương nhiễm trùng. Các bước tiếp theo sẽ còn gian nan, song triển vọng thành công rất lớn. Nhóm hy vọng có thể tiếp tục nghiên cứu nhiều loại thực vật khác với hướng nghiên cứu này”, TS Thái Thanh cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu kết quả in vivo thành công, hai hệ hydrogels này sẽ hữu ích không những trong chữa lành vết thương mạn tính và/hay nhiễm trùng mà còn là tiềm năng cho các ứng dụng y sinh khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ