Nữ “thuyền trưởng” mang đến diện mạo mới cho trường Mầm non vùng cao

GD&TĐ - Gương mẫu về đạo đức, chuẩn mực trong văn hóa công sở, cô Đỗ Thị Thu, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) được giáo viên, phụ huynh và học sinh yêu mến, noi theo.

Cô Đỗ Thị Thu - Hiệu trưởng trường Mầm non Mường Khoa
Cô Đỗ Thị Thu - Hiệu trưởng trường Mầm non Mường Khoa

Tâm huyết xây dựng văn hóa công sở

Sinh ra và lớn lên ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), từ khi còn là học sinh, cô Đỗ Thị Thu luôn khát khao trở thành cô giáo mầm non. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, cô Thu lên công tác tại Lai Châu và được phân về trường Mầm non xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) giảng dạy.

Từ sự phấn đấu bền bỉ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đến năm 2009 cô Thu được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm chức Phó Hiệu trưởng nhà trường. Và từ năm 2015 đến nay cô giữ cương vị hiệu trưởng.

“Bản thân tôi không ngừng trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Tôi luôn cố gắng làm sao để mình trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tin yêu” – cô Thu chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Thu
Cô Đỗ Thị Thu dạy học sinh về nhạc cụ dân gian

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của trường, cô Thu cùng tập thể Ban giám hiệu luôn xác định: Xây dựng, nâng cao chất lượng văn hóa trường học là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tập thể sư phạm ở đây.

“Cô Thu thường nói với chúng tôi, đối với trẻ mầm non, cô giáo phải là người mẹ hiền thứ 2. Chúng tôi là người đặt nét bút đầu tiên để giúp trẻ phát triển toàn diện. Chính vì vậy, văn hóa công sở sẽ giúp chúng tôi xây dựng môi trường thân thiện” – cô Hoàng Thị Hà, giáo viên trường Mầm non Mường Khoa chia sẻ.

Đầu mỗi năm học, cô Thu cùng Ban giám hiệu đã triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên về Quy chế văn hóa công sở trường học. Cùng với đó, chỉ đạo lựa chọn nội dung cốt lõi triển khai tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho toàn trường, đặc biệt về tinh thần, thái độ làm việc.

Chia sẻ về người “thuyền trưởng”, cô Lê Thị Thoa cho biết: “Từ chuẩn mực về đạo đức, lối sống cho đến trang phục công sở, cô Thu luôn nêu gương cho mọi người. Trong giao tiếp, ứng xử cô luôn là tấm gương để chúng tôi học tập và noi theo”.

Đối với phụ huynh và nhân dân trên địa bàn, cô Thu luôn gần gũi, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh. Nói đi đôi với làm, không chỉ dùng lời nói dễ hiểu, cử chỉ thân thiện, mà còn bằng những việc làm cụ thể được nhân dân và phụ huynh ủng hộ.

Cô Đỗ Thị Thu
Cô Thu giúp trẻ khám phá nét đẹp trong trang phục dân tộc địa phương.

Đến bản Hô Tra, một bản vùng cao dân tộc Mông trên địa bàn xã Mường Khoa, hình ảnh những giáo viên cùng phụ huynh xây dựng môi trường cho hoạt động và dạy học không còn xa lạ. Nhà trường đã huy động phụ huynh cùng đóng góp tre, đá, gỗ và ngày công lao động để tạo sân chơi cho trẻ, xây dựng cảnh quan nhà trường.

“Bản Hô Tra có rất nhiều địa lan. Dịp Tết, chúng tôi mang địa lan về điểm trường và trung tâm để trưng bày và bán, mang lại thu nhập cho người dân. Nhờ đó mà phụ huynh ở đây rất quý mến, ủng hộ giáo viên trong việc cho con em đi học. Hơn nữa, họ còn đóng góp để tăng khẩu phần, dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ tại trường” – cô Thu cho biết.

Dạy trẻ từ điều giản đơn

Trường Mầm non Mường Khoa hiện có 25 lớp với 553 trẻ, học tại 17 điểm trường. Theo cô Thu, bậc học mầm non chính là cánh cửa đầu tiên trong quá trình hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ. Do đó, mỗi giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là cô giáo, mà còn phải là mẹ, là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.

Cô Đỗ Thị Thu
Cô trò cùng hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

“Trong giáo án mỗi giáo viên, cô Thu luôn yêu cầu bài giảng cần lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học” – Lê Thị Thoa chia sẻ

Trường Mầm non Mường Khoa luôn chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, đoàn kết, ấm cúng, cởi mở giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với môi trường xung quanh… Cùng với đó, triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, vận động trẻ mặc trang phục truyền thống, đồng phục trong các ngày hội, lễ.

“Nhà trường chọn lớp Mẫu giáo ghép Hô Tra 2 là lớp điểm về giao tiếp ứng xử, trang phục trong dạy và học. Chúng tôi dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất như lễ phép, biết khoanh tay chào cô, bố mẹ… Đồng thời, dạy trẻ biết yêu thương, đoàn kết trong khi dạy và hoạt động cùng trẻ. Từ đó, lan tỏa để các lớp khác học tập và noi theo” – cô Thu chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Thu
Cô Thu cùng học sinh trải nghiệm mô hình cọn nước

Cũng theo cô Thu, nhà trường dạy trẻ luôn tôn trọng và phát huy nền văn hóa, trang phục, ngôn ngữ địa phương. Trong lớp học có trang trí góc văn hóa truyền thống để trẻ hiểu hơn về nét đẹp bản sắc dân tộc.

“Trong hội thi bé với văn hóa dân tộc cấp huyện, tôi tìm hiểu và nhờ đội múa của bản cùng các cô thiết kế món ăn, trò chơi, điệu múa mang đậm bản sắc của địa phương. Nhờ đó, nhà trường đạt tiết mục đặc sắc nhất” – cô Thu cho biết.

Từ việc thực hiện tốt văn hóa công sở, hằng năm trường mầm non xã Mường Khoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục. Nhà trường được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Riêng cô giáo Đỗ Thị Thu đạt Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Cô là tấm gương sáng để đồng nghiệp học tập, làm theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.