Dưới đây là bài viết của Quỳnh Anh về kinh nghiệm chọn ngành học và tìm ra hướng đi yêu thích của mình trong những năm tháng tuổi trẻ với nhiều nỗi băn khoăn, bất định tại môi trường đại học Mỹ:
Cứ mỗi mùa hè, lại có những em chuẩn bị lên đại học trong nước hay ở nước ngoài tìm mình xin lời khuyên. Mình có thể chỉ cho các em kinh nghiệm trong những trường hợp cụ thể, nhưng làm sao nói hết cho các em về những cung bậc tâm lý hỗn độn, những ngã rẽ và câu hỏi ngổn ngang độc nhất với từng người?
Người nói đã vậy, người nghe lại thường chỉ muốn mấy bài học giắt túi dạng khẩu hiệu. Biết như vậy nhưng vẫn cứ thao thức muốn viết ra một điều gì đó thuật lại 4 năm qua với những trải nghiệm của chính bản thân mình.
Những câu hỏi và ngã rẽ
Thời điểm nhận được email của các bạn là khi mình ở cuối năm nhất, đầu năm hai, bắt đầu phân vân giữa các ngành học. Nền giáo dục khai phóng (liberal arts) ở Mỹ cho phép sinh viên được học thử các lớp ở nhiều ngành khác nhau trước khi chọn ngành học chính (muộn nhất là năm ba).
Kì đầu tiên ở đại học, mình "vấp" phải môn lịch sử hết sức tình cờ - nhìn thấy một môn có tên "Trung Quốc hiện đại" (Modern China) có vẻ thú vị nên đăng ký.
Môn này đánh số 400, nghĩa là khuyên dành cho sinh viên năm cuối. Mình biết vậy nhưng nghĩ rằng chắc sẽ chẳng bao giờ học chuyên ngành sử, vì thế cứ học dự thính xem sao.
Khi mình viết email xin phép giáo sư, thầy bất ngờ khuyến khích mình đăng ký học chính thức luôn thay vì dự thính. Và thế là mình bước vào học cùng các anh chị chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp, nhận ra rằng nếu cố gắng thì cũng không đến nỗi nào.
Một trong những lý do mình đăng ký lớp này là vì muốn học thêm về phương pháp tư duy lịch sử. Hồi năm 2015, khi tự học cho kỳ thi SAT II để apply vào các trường đại học Mỹ, bên cạnh môn Toán, mình đã chọn Lịch sử Mỹ dù khi đó gần như chưa biết gì.
Quyết định ấy được đưa ra sau một buổi sáng đọc lướt qua cuốn sử của AMSCO gặp đâu đó trên mạng.
Mình nhận ra có một cách học sử mình chưa từng biết: học không phải chỉ để ghi nhớ mà để đưa ra những câu hỏi vì sao. Học để lật lại những điều mình đã chấp nhận từ lâu và hỏi bằng cách nào quá khứ được diễn giải như đã biết. Lớp Modern China tiếp tục khơi gợi hướng tư duy ấy.
Đến kì hai năm nhất, mình đăng ký thêm hai lớp cấp 400, vốn chỉ dành cho sinh viên chuyên ngành: Philosophy of History (Triết học về Lịch sử?) và Research Seminar: Internationalism (Hội thảo nghiên cứu chủ đề Quốc tế học).
Cũng trong thời điểm này, bài báo mình viết cho lớp Modern China được đăng trên tạp chí lịch sử (Journal of History) của trường, mình được mời vào ban biên tập.
Những điều này xảy ra rất nhanh và hết sức tự nhiên. Cho tới thời điểm đó, ngành sử vẫn là một trò chơi mà mình tiếp tục khi còn có thể nhưng chưa bao giờ có ý định lâu dài với nó.
Một tuần đầu năm hai, mình xăm xăm đến phòng cô Elana - GS dạy mình lớp seminar để chào cô vì "bây giờ chắc em không lấy thêm lớp sử nào nữa".
Năm nhất vui chơi thế là đủ, từ giờ phải học những điều có ích cho tương lai của bản thân và xã hội, trước hết là kinh tế. Rồi mình lại xăm xăm đến phòng thầy Raja, GS Kinh tế, xin được không học lớp Kinh tế nhập môn để học các lớp cao hơn.
Lí do là mình đã học hết các chủ đề ấy ở trường Ngoại Thương (mình gap year một năm trước khi qua Mỹ) và tự học lại trong một khóa online của MIT vào mùa hè rồi.
Thuyết phục đến gần một tiếng mà thầy vẫn không cho. Vậy thì đành đi học lớp nhập môn cùng hai lớp Kinh tế cao hơn liên quan đến thương mại quốc tế, bất bình đẳng (inequality) và tái phân phối (redistribution) thu nhập.
Từ đây, mình mới bắt đầu hiểu hơn về những ảnh hưởng trái chiều của mỗi quyết sách và hiện tượng lên những nhóm khác nhau của nền kinh tế.
Trong một bài nghiên cứu cuối kì, mình dành ba tháng để tìm hiểu về mối tương quan giữa bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục và bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ từ thập niên 70 tới hiện tại.
Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với phần thắng cuối cùng thuộc về Donald Trump. Trường học cuộn sóng.
Mình cũng hăm hở viết vài bài cho báo trường và các trang tạp chí, đầu tư nhất chắc là một bài phân tích trên Odyssey về sự phân cực trong xã hội Mỹ. Bài báo này (đọc lại thì thấy rất lỏng lẻo), mình thức đêm thức hôm, bỏ cả lớp để viết.
Viết xong mới nhận ra rằng hóa ra cái khiến mình hứng thú nhất trong mấy lớp kinh tế vừa qua là mối tương quan giữa các mô hình kinh tế và các giả thuyết về tâm lý con người, về cách chúng ta đưa ra và lí giải quyết định của mình dựa trên những nhận định mang tính khái quát và đôi khi rập khuôn về bản thân và người khác.
Mình bắt đầu học các lớp Tâm lý học, bắt đầu là Cross-Cultural Psychology (Tâm lý học xuyên văn hóa?), sau đó là Personality (Tìm hiểu về tính cách), Psychology of Prejudice (Tâm lý học về định kiến) và cả một lớp về các bệnh tâm lý.
Mặc dù những lớp học này cho mình những hệ thống khá hữu dụng để quan sát, phân loại những khía cạnh khác nhau của tâm lý con người, mình vẫn cảm thấy chúng chưa đủ.
Có thể nhận định rằng những nền văn hóa phương Đông mang tính cộng đồng hơn nền văn hóa phương Tây được chấp nhận rộng rãi, nhưng trong những trường hợp cụ thể, những nhãn dán ấy biểu hiện như thế nào? Chúng xuất phát từ đâu, được tạo ra bởi ai, nhằm mục đích gì, vì sao được hưởng ứng, và đã tác động tới hành xử của các cộng đồng và cá nhân ra sao?...
Thời điểm ấy là kì hai năm hai - mình vẫn chưa thể xác định ngành, bắt đầu cảm thấy khuôn viên trường ĐH đã trở nên chật chội và cách tiếp cận học thuật dường như không còn đủ.
Mình muốn xin bảo lưu (gap year) một năm để tách ra, đi chậm lại và suy nghĩ. Hết sức tình cờ, một buổi chiều tháng ba, mình nhận được một email từ cô Elana. Cô nhắn rằng có một chương trình research seminar về lịch sử ở Chicago đang mở đơn, và cô tin mình nên apply.
Khi cô nhắn về chương trình research (nghiên cứu) vào cuối năm hai, mình nghĩ đằng nào thì cũng đang trải qua một cuộc “khủng hoảng niềm tin” với những ngành học mới, với cuộc sống ĐH nói chung. Thế nên mình quyết định apply và được chọn. Kì seminar diễn ra vào kì một năm ba. Chỉ sau thời điểm ấy, mình mới quyết định “chốt” ngành lịch sử vào khoảng tháng ba năm 2018.
Quyết định apply PhD và theo đuổi con đường nghiên cứu đến không lâu sau đó và may mắn nhận được học bổng để tiếp tục cao học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng kể cả sau khi đã xác định ngành sử, mình vẫn lấy thêm lớp ở các ngành khác, nhiều nhất là sáu lớp Triết (Philosophy), hơn cả yêu cầu cho chuyên ngành phụ.
Nhìn lại
Khác với một số người mà mình biết - chọn một con đường mình thích hoặc giỏi ngay từ đầu, kiên định với con đường ấy để rồi đạt được một thành quả nhất định, con đường của mình không thẳng mà "zigzag", với khá nhiều thử nghiệm, băn khoăn và thay đổi.
Mình đã nghĩ rằng con đường mình đi là một ngoại lệ cho tới khi gặp các bạn/ anh chị nghiên cứu sinh khác. Có người đang làm cho Google thì nghỉ việc, học tiến sĩ ngành Lịch sử. Có người học đại học ngành âm nhạc và văn học, "gap year" hai năm rồi học PhD ngành Văn hóa và Ngôn ngữ Á Đông.
Có người khác chỉ apply PhD ngành sử duy nhất cho một trường (nơi chị đang theo học bây giờ), nếu không được nhận thì có thể sẽ làm công việc liên quan đến nghiên cứu môi trường kinh doanh, cũng là một việc mà chị thích.
Cả ba nhân vật kể trên đều là người Việt hoặc gốc Việt, học ở các trường lớn và khó vào như Columbia và UC Berkeley. Gặp được và biết được câu chuyện của họ là may mắn đối với mình.
Điểm đặc biệt là họ cũng như mình, không thấy những đoạn đường trước là vô ích. Cách gọi tên ngành học, lĩnh vực có thể khác nhau, nhưng các thao tác tư duy và câu hỏi theo đuổi lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mình chưa xin phép để được kể ra câu chuyện của họ nên mình đã thuật lại vắn tắt bên trên những ngã rẽ thời đại học của mình.
Mình có tự do suy nghĩ và lựa chọn nhưng cũng như các bạn sinh viên Việt Nam, mình phải tự tìm kiếm các cơ hội để theo đuổi con đường mình chọn.
Và cũng như thời apply cho các trường đại học Mỹ, mình cũng apply PhD từ một trường nhỏ, chưa được biết đến nhiều, giáo sư viết thư giới thiệu cũng không phải là cái tên lớn.
Mình cũng đã lo sợ rằng hồ sơ quá thiếu trọng tâm và không đủ nặng, rằng nếu không được nhận ở đâu thì cuộc sống bỗng nhiên đảo lộn và mình không còn điều kiện tiếp tục làm những gì mình thích.
Nhiều bạn mình biết có thừa ý chí, khả năng và niềm say mê học hỏi, nhưng mình nghĩ rằng các bạn và ngay chính bản thân mình trong thời điểm này cần nhận ra rằng con đường mình đi không nhất thiết phải là một đường thẳng dài hoàn hảo đã biết sẵn vạch đích từ khi xuất phát.
Mình thích nghĩ như một người lữ hành bước đi trong rừng rậm, tay cầm chiếc bản đồ là những gì người đi trước đã khuyên. Trước khi đi, mình có một hình dung về con đường tối ưu, về những gì cần làm, muốn làm để đạt được một mục tiêu. Nhưng qua mỗi chặng, hình dung của mình thay đổi.
Từ góc nhìn xa, có những người cùng đến một nơi - cùng đạt được một loại thành tựu. Nhưng con đường mỗi người đi và sẽ đi là độc nhất.
Mình nhớ lại lời một GS trường ĐH Chicago hồi tháng tư, khi mình tâm sự với cô về sự bất định của cách gọi tên các lĩnh vực và chủ đề trong nghiên cứu. Làm sao có thể gọi chính xác mình học gì khi có quá nhiều hứng thú và cảm thấy mọi thứ đều kết nối với nhau?
Cô nói rằng một người nghiên cứu phải luôn làm được hai việc song song. Phải nói được cho người khác về việc mình làm một cách ngắn gọn, rõ ràng, thú vị như thể đó là một con đường đã vạch sẵn từ lâu và sẽ tiếp tục.
Đồng thời phải đối mặt được với sự hỗn loạn của vấn đề mà mình quan sát, băng qua rào cản đặt ra ban đầu để khám phá các cách tiếp cận, các công cụ mới cần thiết.
Không ai có thể chỉ cho mình phải làm gì từng bước. Đó là một quá trình liên tục của phán đoán, thử sai, và sắp xếp lại thế giới hỗn độn mà mình nhìn thấy được sau mỗi bước đi.