Nữ sinh người Xinh Mun ước mơ trở thành cô giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 10 tuổi, Vì Thị Minh Tuyết rời gia đình, đi học trường dân tộc nội trú. Được thầy cô chăm sóc, dạy dỗ, Minh Tuyết ước mơ cũng trở thành cô giáo.

Em Vì Thị Minh Tuyết, sinh viên năm nhất, Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.
Em Vì Thị Minh Tuyết, sinh viên năm nhất, Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Hơn 10 tuổi rời nhà đi học nội trú

Sinh ra ở huyện Phiêng Khoài, tỉnh Sơn La trong gia đình thuần nông, bố ốm đau quanh năm không thể làm gì. Một mình mẹ làm lụng nuôi cả gia đình. Do vậy, từ nhỏ Vì Thị Minh Tuyết, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ham học, bám con chữ để thoát nghèo, giảm bớt gánh nặng cho gia đình sau này.

Minh Tuyết tâm sự: “Gia đình là nông dân, suốt ngày chỉ bám vào mấy sào ruộng cằn cỗi không đủ ăn, mẹ luôn nhắc nhở hai chị em cố gắng học tập để thay đổi cuộc đời”.

Vì gia đình khó khăn hành trình đến với con chữ của Minh Tuyết không hề dễ dàng, bởi vậy năm cuối tiểu học, cô học trò nghèo được thầy cô định hướng vào trường dân tộc nội trú.

“Hơn 10 tuổi em rời nhà, đến với môi trường mới, bạn bè, thầy cô hoàn toàn xa lạ. Không ít lần, em đã khóc vì nhớ nhà, muốn bỏ trường lớp về với mẹ và em. Thế nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của thầy cô đã giúp em vượt qua những khó khăn ban đầu, hoà nhập với cuộc sống trường nội trú.

Tại trường, em được ăn no, thầy cô chăm lo học hành, từ đó em biết ước mơ, hoài bão cho bản thân mình, cũng từ đó hành trình bảy năm gắn bó với trường dân tộc nội trú bắt đầu từ đây”, Minh Tuyết trải lòng.

Không chỉ biết ước mơ, ý thức vươn lên tại trường dân tộc nội trú đã giúp Minh Tuyết rèn luyện nhiều kỹ năng tự lập, chăm sóc và bảo vệ bản thân.

“Bên cạnh thời gian học trên lớp, nhà trường và thầy cô đã tạo điều kiện cho chúng em tham gia vào các buổi ngoại khóa để hiểu hơn về giới tính, pháp luật, kĩ năng tự bảo vệ bản thân, những kiến thức về nghề nghiệp để đưa ra lựa chọn hướng đi cho tương lai của mình.

Hiện nay, chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số miền núi, các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được đầu tư là cơ hội để học trò chúng em có môi trường học tập tốt, phát triển toàn diện. Những chính sách đó là bệ đỡ giúp chúng em đến gần hơn với ước mơ của mình” Minh Tuyết chia sẻ.

Vì Thị Minh Tuyết là một trong 143 gương mặt được vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.

Ước mơ trở thành cô giáo

Hành trình đến với cánh cửa giảng đường đại học của Minh Tuyết đỡ vất vả hơn nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của những người thầy, cô trong trường dân tộc nội trú suốt 7 năm qua. Cũng chính những điều đó, nữ sinh người Xinh Mun đã quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm.

Minh Tuyết chia sẻ thêm: “Em muốn trở thành cô giáo mang con chữ, giúp học trò người dân tộc thiểu số gieo ước mơ hay cùng góp tiếng nói để hỗ trợ học trò nghèo như em đến với giảng đường đại học. Dẫu biết rằng, hành trình đến với cánh cổng trường đại học sẽ còn nhiều gian nan và vất vả”.

Chính vì thế khi rời quê xuống Hà Nội học tập, Minh Tuyết xác định phải nỗ lực học để khắc phục những điểm hạn chế của bản thân, xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng năm học để không bị động hay cảm thấy bỡ ngỡ khi gặp những tình huống bất ngờ.

“Em quan điểm rằng, học đại học không chỉ là nơi mình học nghề đây là môi trường để tôi luyện bản thân, tập đi những bước đi đầu tiên cho hành trình sau này do vậy phải tận dụng tối đa thời gian có để học hỏi”, Minh Tuyết chia sẻ.

Đồng hành cùng Minh Tuyết hai năm cuối ở bậc phổ thông, cô Nguyễn Thị Mai – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La (Sơn La) cho biết: “Khi nhắc đến Minh Tuyết, tôi phải dùng hai từ tuyệt vời. Gia đình Tuyết rất khó khăn, bố bị liệt chỉ một mình mẹ em lo lắng, cáng đáng việc gia đình, nuôi hai chị em ăn học. Cũng chính vì thế, Tuyết luôn ý thức mình phải nỗ lực học tập, phấn đấu vươn lên. Trong em toát lên được ý chí, nghị lực để hoàn thành được mục tiêu đề ra. Ở lớp, em luôn hoà nhã với bạn bè, kinh trọng thầy cô giáo không bao giờ ỷ lại hay cảm thấy tự ti vì gia cảnh của mình”.

“Để đạt được kết quả cao trong mỗi kỳ thi, em cho rằng điều quan trọng nhất là tìm ra phương pháp học hiệu quả. Nếu bạn chỉ chăm mà không có cách học đúng đắn sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, cần xác định rõ ràng mục đích của mình học để làm gì để có động lực phấn đấu”, Vì Thị Minh Tuyết, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.