Nữ sinh người Nùng ước mơ trở thành cô giáo dạy Ngữ văn

GD&TĐ -  Từ ngày đi học, cô nữ sinh người dân tộc Nùng Đàm Tuyết Nhung đã đam mê văn học. Bởi vậy, Tuyết Nhung đã ước mơ trở thành cô giáo dạy Ngữ văn.

Đàm Tuyết Nhung, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.
Đàm Tuyết Nhung, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Khởi đầu đam mê

Đàm Tuyết Nhung, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi đi học đã rất thích viết lách. Vì vậy lên bậc THCS, em say mê tìm tòi, học hỏi kiến thức văn chương để ấp ủ ước mơ thi đỗ vào lớp chuyên văn, Trường THPT Chuyên Cao Bằng nhằm có thể thoả sức khám phá môn học mình yêu thích.

“Nhiều người suy nghĩ trường chuyên, lớp chọn là đào tạo gà nòi. Tuy nhiên, bước vào trường chuyên đã giúp em có cơ hội phát triển đam mê văn học của mình; trải nghiệm, khám phá sự giàu có của kho tàng văn học của nước ta cũng như thế giới”, Tuyết Nhung chia sẻ.

Để có kết quả học tập tốt tại trường chuyên ngay từ đầu, Tuyết Nhung xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân từ đó xây dựng chiến lược học tập phù hợp. Ngoài việc học tập ở trên lớp, Tuyết Nhung dành khá nhiều thời gian cho việc tự học tại nhà. “Em luôn tự giác học, tránh được tình trạng lề mề, ỷ lại để nước đến chân mới nhảy”, Tuyết Nhung nói.

Song song với việc học chắc kiến thức, nữ sinh người Nùng thường xuyên luyện nhiều dạng đề để nâng cao kĩ năng làm bài cũng như tốc độ xử lí câu hỏi trắc nghiệm của mình.

Từ những kinh nghiệm mà bản thân đã có, Tuyết Nhung cho rằng mỗi học sinh muốn có được thành tích cao trong học tập cần xây dựng kế hoạch học phù hợp với bản thân, đặt ra cho mình mục tiêu để nỗ lực phấn đấu.

Đối với học sinh cuối cấp, cần duy trì thành tích học tập tốt để có cơ hội thực hiện xét tuyển thẳng, xét học bạ… vào các trường đại học. Quan trọng nhất, cần nghiêm túc ôn luyện cho các kỳ thi quan trọng, cân bằng giữa thời gian ôn tập và nghỉ ngơi, giữ trạng thái tinh thần của bản thân luôn tích cực, sẵn sàng đương đầu với kì thi, coi việc thi cử như chiếc “chìa khoá vàng” mở ra một cánh cửa mới thay đổi tương lai của chính mình.

Đàm Tuyết Nhung người dân tộc Nùng. Ảnh NVCC.
Đàm Tuyết Nhung người dân tộc Nùng. Ảnh NVCC.

Nhiều chính sách có lợi cho học trò người dân tộc thiểu số

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Đàm Tuyết Nhung đạt 28,25 điểm tổ hợp C00 trong đó môn Ngữ văn 8,75 điểm; môn Lịch sử 10 điểm; môn Địa lí 9,5 điểm. Tuyết Nhung là một trong 143 gương mặt được vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.

Tuyết Nhung hiểu hơn ai hết những hạn chế, khó khăn của học sinh vùng dân tộc thiểu số khi đến trường. Bởi vậy, những chính sách hỗ trợ học tập cho các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước là động lực để Nhung cũng như các bạn yên tâm học tập, phấn đấu

Tuyết Nhung chia sẻ: “Bản thân em là người dân tộc Nùng, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúng em có cơ hội được tiếp cận với nền tri thức tiến bộ của nhân loại, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Song song với đó, các chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện cho chúng em phát triển đầy đủ, bình đẳng, giúp chúng em an tâm đi tìm con chữ khi được hỗ trợ từ vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế, chúng em cơ hội được tiếp cận với giáo dục, xây dựng ước mơ của bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Tốt nghiệp THPT, Tuyết Nhung quyết định chọn ngành Sư phạm Ngữ văn. “Em yêu văn chương bởi vậy em muốn chọn nghề giáo không chỉ truyền những đam mê văn học của em tới các bạn trẻ mà bản thân em rất ngưỡng mộ các thầy cô đứng trên bục giảng truyền lửa, ước mơ cho học trò, một sứ mệnh cao cả mà, vinh quang không phải nghề nào cũng có được. Thầy cô còn giúp chúng em hiểu giá trị của việc học, biết xây dựng tương lai.”.

Mặc dù vậy, ngày đầu bước đến với giảng đường đại học Tuyết Nhung cũng không khỏi bỡ ngỡ, áp lực bởi môi trường, phương pháp học mới. “Rất may, em có sự trợ giúp của thầy cô, anh chị khoá trên nên bản thân vượt qua những áp lực trong giai đoạn mới đầu nhập trường, từ đó thích ứng dần với môi trường, cách học mới”, Tuyết Nhung chia sẻ.

Là giáo viên chủ nhiệm luôn sát sao với học trò trong đó có Tuyết Nhung, cô Nội Thị Thị Cúc, giáo viên Trường THPT chuyên Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: "Nhung là học sinh chăm chỉ, ý thức kỷ luật. Em ấy có thế mạnh học các môn xã hội, luôn cố gắng để đạt được mục tiêu mà bản thân đề ra".

“Hiện nay, chương trình Mục tiêu quốc gia với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chính sách hỗ trợ cho các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú vì vậy cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, điều kiện học tập đầy đủ là môi trường học này rất lý tưởng cho học sinh người dân tộc thiểu số đặc biệt là các bạn gia đình hoàn cảnh khó khăn có thêm chỗ dựa để vươn đến ước mơ cho mình”, Đàm Tuyết Nhung, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.