Ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh người Nùng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sinh ra trong gia đình nông dân đông con nhưng Hoàng Thị Hồng Thơ luôn được bố mẹ tạo điều kiện để học tập, theo đuổi ước mơ.

Hoàng Thị Hồng Thơ, người dân tộc Nùng, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.
Hoàng Thị Hồng Thơ, người dân tộc Nùng, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Ước mơ trở thành cô giáo Lịch sử

Sinh ra ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, Hoàng Thị Hồng Thơ (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) từ nhỏ đã ước mơ trở thành một cô giáo để truyền kiến thức cho học sinh vùng cao, đặc biệt là quê hương Bạch Thông của mình.

Hồng Thơ tâm sự: “Học sinh vùng cao chúng em rất thiệt thòi bởi điều kiện sống, học tập phần nào đó bị hạn chế. Nhiều em vì gia đình khó khăn con cái phải dừng việc học giữa chừng bởi vậy thôi thúc em sau này trở thành một cô giáo”.

Theo đó, những năm học phổ thông Hồng Thơ luôn nỗ lực học tập để giành kết quả cao. Sau khi tốt nghiệp THCS, Thơ đậu vào lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).

“Tại đây, em được gặp các bạn cùng yêu môn Lịch sử cùng học, cùng chơi đã tạo thêm động lực cho em học tập”, Thơ nói.

Cũng chính tình yêu với môn Lịch sử, Thơ đã mạnh dạn tham gia ôn thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia từ năm lớp 11.

Hồng Thơ trải lòng: “Khi biết tin mình lọt vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, em đã xác định mình sẽ không có nhiều thời gian để học những môn khác. Bởi vậy, em luôn cố gắng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tự nghiên cứu. Những phần nào khó, em tận dụng hỏi thầy cô nhằm giúp bản thân không bị hổng kiến thức để khi trở lại học cùng các bạn không bị quá áp lực”.

Thơ chia sẻ: “Năm lớp 11, em cũng đạt giải Ba môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Em đã nắm chắc trong tay mình tấm vé tuyển thẳng vào đại học. Song, em không muốn bản thân cảm thấy tiếc nuối với bất kỳ điều gì tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi cả đời học sinh chỉ được trải qua một lần do đó em đã nỗ lực hết sức có thể”.

Lên lớp 12, Hồng Thơ tiếp tục tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và giành giải Ba môn Lịch sử. Thế nhưng để theo kịp các bạn cùng lớp trong chặng đường ôn thi tốt nghiệp Thơ đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng môn học trong 4 tháng cuối cùng.

Đối với thời gian học trên lớp Hồng Thơ ghi chú lại những phần thầy cô nhấn mạnh, tranh thủ tham khảo, trao đổi với các bạn cùng lớp, tìm kiếm và luyện đề thi ở trên các lớp dạy học trực tuyến.

Hồng Thơ luôn cố gắng để bản thân không bị áp lực bởi ôn thi giai đoạn nước rút. “Những lúc căng thẳng, em sẽ dừng lại việc ôn tập, thư giãn bằng các phương pháp như nghe nhạc, nghỉ ngơi, tâm sự với bạn bè, xin ý kiến thầy cô,.. tự thưởng cho bản thân một buổi nghỉ ngơi để giảm áp lực”, Thơ chia sẻ.

Nỗ lực để duy trì thành tích

Việc thay đổi môi trường học từ THPT lên đại học là một bước ngoặt đối với Hồng Thơ trong hành trình hiện thực hoá ước mơ. “Em biết hành trình mới này sẽ nhiều thách thức lớn đòi hỏi ý chí, nghị lực để vượt qua các cám dỗ”, Hồng Thơ trải lòng.

Theo đó, để đạt được mục tiêu mà bản thân đề ra, Hồng Thơ đã thay đổi suy nghĩ, phương pháp học cũng như bắt nhịp với cuộc sống mới. “Với học sinh dân tộc thiểu số như chúng em được đến trường, học tập theo đuổi ước mơ là điều hạnh phúc vô cùng quý giá. Là một học sinh dân tộc, em và các bạn được hưởng nhiều chính sách về bảo hiểm, học phí, điểm cộng,… hết sức ý nghĩa.

Đây là sự động viên, động lực to lớn giúp các học sinh dân tộc được vững bước đến trường học tập, giao lưu, bù đắp cho những thiệt thòi về điều kiện kinh tế, xã hội, có nhiều cơ hội để tiếp cận với ước mơ của mình, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai của bản thân em nói riêng và các bạn học sinh dân tộc nói chung.

Hiện nay, chương trình Mục tiêu quốc gia với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội – giáo dục. Trong đó có biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... là cơ hội vô cùng quý giá để chúng em được học tập và phát triển trong điều kiện môi trường tốt. Vì vậy, em tự nhủ với bản thân phải nỗ lực hết sức”.

Là người gắn bó cùng Hoàng Thị Hồng Thơ từ những năm học phổ thông, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường THPT chuyên Bắc Kạn cho biết: “Hồng Thơ tuy gia đình khó khăn nhưng em luôn chăm chỉ, chịu khó, cầu tiến. Quá trình học tập luôn có mục tiêu cụ thể cho bản thân để học tập, trong quá trình ôn thi học sinh giỏi quốc gia khi giao bài em luôn nỗ lực để làm bài, đạt kết quả cao. Hồng Thơ hai lần đạt giải Ba môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 11 và 12”.

Năm 2023, La Thị Diệp là một trong 143 gương mặt được vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ