Nữ sinh người Nùng vượt khó trở thành thủ khoa đầu ra

GD&TĐ - Cuối năm lớp 12, những tưởng giấc mơ đại học đã khép lại với Hứa Thị Len, nhưng bằng quyết tâm vượt khó sau 4 năm đại học em đã trở thành thủ khoa.

Hứa Thị Len (2002) - sinh viên K14 ngành Quản trị văn phòng, khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục.
Hứa Thị Len (2002) - sinh viên K14 ngành Quản trị văn phòng, khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục.

Hứa Thị Len (2002) là sinh viên K14 ngành Quản trị văn phòng, khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục. Sau 4 năm học đại học, em đạt GPA 3.67; là một trong 100 thủ khoa tiêu biểu, xuất sắc của thành phố Hà Nội được vinh danh năm 2024.

Bước ngoặt lớn

Hứa Thị Len sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Hồng Thái, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Từ nhỏ, cha mẹ Len đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc học và cố gắng cho em môi trường học tập tốt nhất. Cũng vì vậy, Len lần lượt theo học THCS và THPT tại trường dân tộc nội trú của huyện và của tỉnh trong sự ủng hộ hết mình từ phía gia đình.

Thời điểm em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, Len đã từng có suy nghĩ sẽ không tiếp tục đi học vì điều kiện gia đình không thể chu cấp toàn bộ cho thời gian đại học. Nhưng trái với suy nghĩ đó, cha mẹ em lại khuyến khích em đi học với lời động viên sẽ hỗ trợ em hết mức.

82b78258d18a68d4319b-3148.jpg
Hứa Thị Len trong Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Ảnh NVCC.

“Sau khi vào đại học, Học viện có nhiều chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên vượt khó là yếu tố để bản thân quyết tâm học hành hơn”, thủ khoa chia sẻ.

Năm 2020, dịch Covid bùng phát và lan rộng trên cả nước cũng là năm mà cô gái quê Lạng Sơn bước chân vào giảng đường đại học với đầy bỡ ngỡ. Nhớ lại khoảng thời gian đó, nữ sinh từng đi làm thêm nhiều công việc trả lương theo ngày vào thời gian rảnh cuối tuần để có tiền lo chi phí sinh hoạt, vừa đỡ phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của gia đình.

Len kể: “Khi vừa học vừa làm như vậy, em phải cố gắng mới cân bằng được, nhất là khi nhiệm vụ học và ở nơi làm việc chồng chéo vào nhau đợi mình giải quyết”.

Tuy vậy, nữ sinh đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu bởi em nhận thức rõ cơ hội học tập đến với em vô cùng khó khăn, vì vậy càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha mẹ.

Đáp lại sự kỳ vọng của hậu phương ấy, Len tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục với số điểm GPA 3.67/4, đạt nhiều danh hiệu sinh viên Giỏi, Sinh viên thành tích xuất sắc cùng nhiều học bổng giá trị trong và ngoài nước như học bổng Hessen do bang Hessen nước CHLB Đức trao cho sinh viên vượt khó học tốt tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngoài ra kết quả học tốt, các đề tài nghiên cứu khoa học của em được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội,...

Được hỏi về phương pháp học tập em áp dụng có gì đặc biệt, Len cho biết: “Mỗi kỳ học em chỉ đặt mục tiêu cụ thể như dành học bổng, từ đó phân bổ thời gian nhiều nhất có thể cho học tập để đạt được kết quả đó”.

Nhìn lại quá trình trưởng thành của bản thân ở đại học, em chia sẻ thêm: “So với những ngày đầu nhập học, em đã học được nhiều kĩ năng ứng xử với mọi người xung quanh. Chuyên môn của em được rèn luyện phát huy trong thực tế, học được cách tìm tòi, tự cập nhật thông tin cho công việc của mình".

e0c42a2e79fcc0a299ed-5867.jpg
Hứa Thị Len chụp lưu niệm cùng giảng viên hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Ảnh NVCC.

Niềm vui và kinh nghiệm từ nghiên cứu khoa học

Bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm 2 đại học, cô gái xứ Lạng không tránh khỏi bất ngờ trước những điều lần đầu em tiếp cận, khó khăn trong xác định hướng giải quyết đề tài, những suy nghĩ như: mình không làm được, mình không làm nổi, khiến Len vô cùng áp lực.

Thời gian đó, cố vấn học tập – cũng là giảng viên hướng dẫn của Len, cô Nguyễn Diệu Cúc luôn đồng hành cùng nhóm nghiên cứu khoa học của em, chia sẻ về kinh nghiệm cũng như đưa ra định hướng giúp em chọn được đề tài.

“Cô luôn dành lời khen cho những điều nhỏ nhặt em làm được như phỏng vấn tốt, em có được những thông tin quan trọng hay tìm được nguồn tài liệu thiết thực”, Len chia sẻ và cho biết thêm: “Với những lời động viên như thế, em có động lực hơn để nghiên cứu và cố gắng nỗ lực hết mình".

47fc9d21cef377ad2ee2-644.jpg
Hứa Thị Len chụp ảnh cùng Trưởng phòng Tổ chức Hành chính nơi em thực tập. Ảnh NVCC.

Với Hứa Thị Len, nghiên cứu khoa học là cơ hội tốt để lĩnh hội những kiến thức khó bắt gặp trên giảng đường, từ những thứ nhỏ nhất như giao tiếp với nhân vật được phỏng vấn, biết cách chọn lọc thông tin, tìm kiếm tài liệu hiệu quả và trình bày văn bản chỉn chu, khoa học đúng với tác phong và yêu cầu đặc thù của ngành Quản trị văn phòng.

Sớm có được những kinh nghiệm đắt giá đó, lần thực tập chuyên ngành thứ 2 của Len ngay tại Phòng Tổ chức và Hành chính, Học viện Quản lý Giáo dục diễn ra suôn sẻ trong sự quan tâm chu đáo của các thầy cô, đặc biệt là thầy Trưởng phòng Tổ chức Hành chính.

“Thầy giống như một người bạn, luôn kể những câu chuyện của thầy về công việc một người quản trị văn phòng phải làm, chia sẻ thẳng thắn xem sinh viên có đóng góp gì để Phòng cải thiện giúp sinh viên thực tập thích ứng tốt hơn với công việc văn phòng tại Học viện”, cô nữ sinh chia sẻ đầy tự hào.

Dẫn dắt, kèm cặp em suốt 4 năm đại học với vai trò cố vấn học tập, TS Nguyễn Diệu Cúc - giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục nhận xét: “Sinh viên Hứa Thị Len là một tấm gương trong học tập và phát triển bản thân. Mặc dù gia đình em có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực và giành kết quả học tập xuất sắc, trở thành thủ khoa đầu ra của ngành QTVP K14. Bên cạnh đó, em cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để đóng góp tri thức, sức trẻ cho xã hội’".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ