Học chuyên Ams từ cấp 2, lên cấp 3 khi vừa vào năm lớp 10 thì Nguyễn Bích Diệp đăng ký thi và nhận được học bổng A* Star của Chính phủ Singapore. A*Star là một học bổng toàn phần, cung cấp 100% học phí trong 4 năm học, ăn ở miễn phí tại ký túc xá của trường, ngoài ra các ứng viên trúng tuyển còn được trợ cấp sinh hoạt phí, vé máy bay và nhiều lợi ích khác.
Cơ duyên đưa Bích Diệp đến với học bổng này cũng rất tình cờ: “Lúc đó, em vừa thi lớp 10 xong cũng không lo nghĩ gì, thấy thông báo dán ở trường, lệ phí thi thì khá rẻ nên quyết định thử sức”.
“Choáng” trong những ngày đầu
Những ngày đầu hòa nhập môi trường mới, Diệp đã “choáng” với nhiều thứ. Cô bé 16 tuổi lần đầu xa gia đình gặp một chút khó khăn trong việc sống tự lập, tự lo mọi thứ cho mình, nhưng sau đó em cũng quen dần nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn bè, mọi người xung quanh.
Bích Diệp trong Lễ kết nạp của hội sinh viên ký túc xá ACS Oldham Hall |
Bích Diệp trong một cuộc thi thuyết trình của trường |
“Bài kiểm tra tiếng Anh đầu tiên của em khi sang Sing rất thảm hại. Mặc dù em cảm thấy mãn nguyện, sáng tạo rồi nhưng cô gạch đỏ chi chít” – Diệp chia sẻ.
Hiện tại, em mới thi IELTS để nộp hồ sơ xin học bổng Canada và đạt điểm điểm số ấn tượng 8.5, trong đó kỹ năng Nghe, Nói của em đạt điểm tối đa 9.0. Cô gái này tiết lộ, ban đầu thì khá tự hào, nhưng sau đó biết nhiều bạn cũng đạt được điểm số này nên “không dám khoe nữa”.
Một sự “choáng” khác khi môi trường học tập ở ngôi trường Singapore Chinese Girls School khá áp lực. “Đến lớp, mọi người chỉ học, không nói chuyện gì cả. Em thấy hơi sợ. Khi em ra ngoài mua thức ăn, lúc vào cả lớp im phăng phắc, em tưởng đang làm bài kiểm tra, mở cửa ra thì hóa ra mọi người đang làm bài tập. Ngày nào cũng như ngày nào.”
Diệp trong một sự kiện thể thao |
Diệp cùng bạn biểu diễn tại ký túc xá của trường |
“Và em nhận ra là suốt 9 năm ở Việt Nam, em cũng là người như thế. Chỉ có điều các bạn là người đi ra ngoài mua đồ ăn, còn em là người học bài. Đến khi sang Sing thì ngược lại” – Diệp chia sẻ. Tuy nhiên, khi chuyển cấp, ngôi trường mới của Diệp là Innova Junior College có chương trình học nhẹ nhàng hơn.
Cô gái đặt nhiều câu hỏi cho bản thân
Trong thời gian học tập ở Sing, em nhận ra một thực tế và đặt câu hỏi cho chính mình: “Em nhận ra là cả 9 năm học, em giống như các bạn ở Sing: lao đầu vào học, sống theo ý bố mẹ: học xong lấy chồng hoặc không thì sống một cuộc sống bình lặng. Giả sử mình vào được trường danh tiếng, sau đó làm gì? Liệu mình có phải trả nợ sau khi học? Tên tuổi của những ngôi trường danh giá liệu có phải là thứ mà mình nên sống chết vì nó?”
Chính vì thế, Diệp quyết định tham gia các hoạt động để tập trung vào những gì mình thích, hiểu hơn về bản thân, phát triển chiều sâu suy nghĩ bên cạnh việc học tập. Thích ca hát, em tham gia đội hợp xướng của trường. Trong cuộc thi hợp xướng giữa các trường ở Sing - Singapore Youth Festival, nhóm của Diệp mang về giải cao nhất cho trường. Ngoài ra, đội hợp xướng mà em tham gia cũng thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc, mời phụ huynh tới để gây quỹ.
Thời gian đầu mới sang, em đăng ký thi diễn thuyết chỉ với hi vọng nâng cao kỹ năng tiếng Anh, thuyết trình nhưng không ngờ cũng “rinh” được giải Nhì, mang về niềm vui nho nhỏ cho em. Ngoài ra, Diệp còn là phó chủ tịch hội sinh viên ký túc xá – có nhiệm vụ tổ chức các sự kiện, làm cầu nối giữa ban quản lý ký túc xá và sinh viên.
Tuy nhiên, Diệp cho rằng mọi người không nên đánh giá nhau bằng thành tích và không muốn định nghĩa bản thân bằng điểm SAT, IELTS hay trường top cao... “Đó cũng là thứ mà em đang tìm kiếm. Nếu em không muốn mọi người đánh giá em bằng những cái này thì em phải trở thành một người như thế nào đây?”
Tại sao lại là Canada?
Hẹn gặp Bích Diệp ở thời điểm em đang rất bận rộn với nhiều công việc trong một năm về Việt Nam “gap year”: đi dạy thêm tiếng Anh, tham gia tổ chức hội thảo mô phỏng liên hiệp quốc VNMUN, viết luận xin học bổng, trong khi mẹ em đang bị bệnh và em muốn tranh thủ thời gian này để giúp đỡ mẹ.
Hiện tại, Diệp đã được 2 trường đại học của Canada chấp nhận, một trường cho em học bổng 5.000 USD/ năm – Guelph University và một trường khác là John Molson School of Business, Concordia University – nằm trong top 100 về “business” - đã nhận và em đang viết luận để xin hỗ trợ tài chính của trường này.
Bích Diệp và thầy hiệu trưởng trường cấp 3 |
Diệp và các bạn cùng phòng ký túc xá |
Diệp chia sẻ rất nhiều lý do để chọn đất nước Canada mà không phải là Anh, Mỹ như số đông các bạn khác. “Cơ hội việc làm ở Mỹ rất thấp, trong khi tỷ lệ tội phạm cao, nguy hiểm. Hay như cuộc bầu cử Tổng thống tới đây, em không biết ai sẽ lên và việc ai lên cũng kéo theo nhiều biến cố về sau. Trong khi Canada cũng có hệ thống giáo dục rất tốt, được thế giới công nhận. Chính sách của Thủ tướng Canada quan tâm nhiều đến lớp trẻ. Trong một buổi phỏng vấn, ông cũng nói rằng nên lắng nghe ý kiến của người trẻ và tập trung vào thế hệ tương lai”.
Diệp nói, qua việc đi du học ở Sing, em thấy môi trường là yếu tố làm nên thành công của một người. “Bản thân cũng quan trọng, nhưng nếu mình tự cố gắng trong một môi trường không có ai muốn mình cố gắng thì cũng rất khó” – cô gái sinh năm 1996 lập luận.
“Ngoài ra, theo tưởng tượng của em thì Canada là một đất nước thân thiện, xinh đẹp và có nhiều chủng tộc. Sự đa dạng cho mình thấy mình không phải là một người đứng ngoài, mà cũng là một mảnh ghép trong sự đa dạng ấy. Trường mà em muốn học nằm trong một bang nói tiếng Pháp trong khi em cũng đang muốn học thêm một ngôn ngữ nữa.”
Nguyễn Bích Diệp đã hoàn thành 4 năm học phổ thông tại Sing theo diện học bổng A*Star của Chính phủ nước này |
Bích Diệp cũng chia sẻ một câu chuyện nhỏ khiến em đã yêu mến đất nước Canada càng có thiện cảm với trường hơn: “Khi em được nhận rồi, có một vị làm nhiệm vụ cầu nối giữa du học sinh quốc tế và trường đã sang tận Hà Nội, gọi cho em và hỏi “có câu hỏi gì không”. Họ hiếu khách như thế, quý mình như thế thì tại sao mình lại không đến đây học và đóng góp cho họ. Em thấy hành động đó rất tuyệt vời và khiến em cảm kích”.
Tuy vậy, cô gái tự nhận mình là “khá tham lam” cho rằng : “Bây giờ mọi người được học bổng rất nhiều. Cái mà em quan tâm là mình làm được gì từ học bổng ấy và sẽ trở thành người như thế nào.”