Những xúc cảm của tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” đã thôi thúc nữ sinh quyết định “mổ lợn”, dành toàn bộ số tiền tích cóp nhiều năm gửi vào tâm dịch…
Xúc động trước một tấm ảnh
Trong dòng chảy của những hoạt động tình nguyện về tâm dịch Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) những ngày qua, tôi ấn tượng với một nữ sinh 17 tuổi. Đó là em Nguyễn Thùy Anh, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, thành phố Điện Biên Phủ. Tôi cảm động không phải vì số tiền em ủng hộ, mà từ chính những chia sẻ đầy cảm xúc của một cô bé còn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” về trách nhiệm với cuộc sống, cộng đồng.
“Từ khi dịch Covid-19 phức tạp, em đã nghĩ mình phải làm một điều gì đó để góp phần ngăn chặn dịch bệnh, nhưng lúc đó em chỉ nghĩ đến hoạt động truyền thông. Thế rồi, dịch bùng phát tại Điện Biên, Si Pa Phìn trở thành tâm dịch. Những thông điệp từ tâm dịch được truyền đi rất nhiều. Em cảm thấy nhói lòng khi chứng kiến một bức ảnh ghi lại gương mặt ngơ ngác của các em nhỏ trong khu cách ly còn nhiều thiếu thốn. Vậy là em quyết định mổ lợn!” – Thùy Anh tâm sự.
Con lợn đất Thùy Anh nuôi được vài năm, từ số tiền mừng tuổi, tiền ăn sáng tích cóp mỗi ngày, được 5 triệu đồng. Số tiền không mang nhiều giá trị về vật chất, nhưng là nguồn động viên rất lớn đối với những người đang góp sức ở “tiền tuyến”, nhất là các em nhỏ.
Với suy nghĩ này, Thùy Anh đã nhận được sự khuyến khích, ủng hộ rất lớn của bố mẹ. Bố nữ sinh đã phải sắp xếp công việc để mang “món quà” của em đến tận tay các bạn nhỏ tại điểm cách ly, cùng với chuyến hàng từ thiện mà bản thân ông đã quyên góp, kêu gọi được.
“Thủ lĩnh” của hoạt động vì cộng đồng
“Với thành tích học tập, rèn luyện trong thời gian theo học, đặc biệt là những đóng góp của cá nhân Thùy Anh trong Câu lạc bộ (CLB) LDM (Lương Thế Vinh Dream Maker Club) của nhà trường, tôi không quá ngạc nhiên khi biết thông tin em ủng hộ 5 triệu đồng cho tâm dịch Si Pa Phìn” – thầy Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết.
Theo chia sẻ của thầy Thông, cùng hơn 40 thành viên trong CLB LDM, Thùy Anh phối hợp nhịp nhàng để tổ chức, tham gia các hoạt động bề nổi, mang nhiều giá trị và ý nghĩa cho cộng đồng. Trong đợt dịch này, sau khi được nhà trường phát động phong trào góp sức cho vùng dịch, em đã truyền đi thông điệp, kêu gọi các thành viên và toàn thể bạn bè trong lớp hưởng ứng.
“Em đăng lời kêu gọi trong nhóm của CLB và cả ở lớp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn. Chúng em quyết định liên lạc với những người có trách nhiệm ở vùng dịch, xem người dân và nhất là các em nhỏ cần gì, thiếu gì sẽ mua để gửi vào” – Thùy Anh cho hay.
Để có được những cá nhân tiêu biểu, thì bên cạnh gia đình, môi trường giáo dục hết sức quan trọng. “Ngay từ khi thành lập, nhà trường đã luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức để hướng học sinh đến những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc” – thầy Thông nhấn mạnh.
Không dừng lại ở những bài học khô cứng, Trường THPT Lương Thế Vinh còn tập trung giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết. Công việc này được tổ chức phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức. Đơn cử như việc cho khóa cũ chào học sinh khóa mới. Tổ chức tìm hiểu truyền thống của nhà trường, hay như những buổi sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm thực tế…
Trong đó, các hoạt động đều hướng về cộng đồng như: Ủng hộ trẻ em vùng khó, bão lũ, thiên tai, chương trình áo ấm mùa đông… diễn ra thường niên. Qua đó tạo môi trường, điều kiện cho học sinh trải nghiệm, dần hình thành thói quen sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết quan tâm, chia sẻ.