Đó là em Nguyễn Lê Minh Hạnh, lớp 4G, trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang).
Ngay từ khi còn nhỏ, tối nào Minh Hạnh cũng được mẹ đọc truyện cho nghe. Rồi lớn lên biết đọc, mẹ thường mua sách, khuyến khích em đọc.
Với Minh Hạnh, mỗi ngày đọc một trang sách không những giúp mở mang kiến thức mà còn dạy chúng ta nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
Bên cạnh đọc sách, Minh Hạnh cũng học nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng dẫn chương trình. Hạnh chia sẻ: “Với em dẫn chương trình quan trọng là giọng nói cũng như nét mặt biểu cảm từ đôi mắt đến nụ cười”.
Trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Minh Hạnh lựa chọn làm video giới thiệu cuốn sách hay, qua đó cảm nhận và rút ra bài học. Hạnh giới thiệu về cuốn sách “Cậu bé cầm bút thần đánh giặc”.
Cuốn sách bao gồm 24 câu chuyện cổ tích dân tộc Cao Lan do soạn giả Triệu Thị Linh sưu tầm, ghi chép và giới thiệu đến bạn đọc. Bằng cách dẫn dắt tự nhiên, giọng nói truyền cảm, em Nguyễn Lê Minh Hạnh đã giới thiệu cuốn sách một cách lôi cuốn, sinh động.
Hạnh chia sẻ: “Cuốn sách là những câu chuyện cổ tích gần gũi. Mỗi câu chuyện đều khép lại với những cái kết có hậu “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”.
Tác phẩm còn có nhiều câu chuyện kể về quá trình đánh đuổi giặc xâm lược, đuổi loài thú dữ vào rừng sâu của đồng bào Cao Lan nhiều mưu trí, dũng cảm. Bạn đọc nhỏ tuổi như được phiêu lưu trong những câu chuyện cổ. Đó là những chàng trai, cô gái dũng cảm một lòng giúp đỡ bản làng, đất nước thoát khỏi giặc dã ngoại xâm”.
Với cách cảm thụ tác phẩm sâu sắc, dẫn dắt lôi cuốn, bài dự thi của Minh Hạnh đoạt giải Nhất và được lựa chọn tham dự vòng chung khảo Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2024.