Nữ sinh giải Nhất tỉnh môn Văn và bí quyết đọc chậm

GD&TĐ - “Em thích đọc sách nhưng đọc chậm lắm. Mỗi lần đọc, em lại nghiền ngẫm từng câu chữ, ghi lại những đoạn, những câu mình thích, rồi tưởng tượng, hình dung trong đầu những khung cảnh, con người trong sách. Đó cũng là một cách để giúp em có thêm kiến thức và học tốt môn Văn”, em Nguyễn Thị Thảo – học sinh lớp 12C1 Trường THPT Nghi Lộc 4, Nghệ An chia sẻ.

 Em Nguyễn Thị Thảo – học sinh lớp 12C1 Trường THPT Nghi Lộc 4
Em Nguyễn Thị Thảo – học sinh lớp 12C1 Trường THPT Nghi Lộc 4

Đọc sách chậm để thấm

Cô nữ sinh có vóc người nhỏ bé Nguyễn Thị Thảo đã từng khiến bạn bè, thầy cô vỡ òa niềm vui khi làn đầu tiên ẵm về giải Nhất HSG tỉnh môn Ngữ văn năm 2017 cho ngôi “trường làng” THPT Nghi Lộc 4, Nghệ An.

Sinh ra trong một gia đình ở làng quê ven biển xứ Nghệ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thảo và các anh chị em trong nhà đều rất hiếu học, ham học. Cô bé mê sách từ nhỏ nhưng không có tiền để mua, nên mỗi lần mượn được sách từ thư viện trường về để đọc là “em cảm thấy sung sướng, hạnh phúc lắm”.

Cái niềm hạnh phúc đó được Thảo lý giải là bởi vì em được gặp, được thấy những con người, số phận, và câu chuyện ở khắp mọi nơi, thu nhỏ lại trong cuốn sách.

“Em thấy may mắn cho em và cho tất cả các bạn khác là ngoài thư viện trường, thì các thầy cô cũng thường xuyên mua thêm sách và đưa đến văn phòng cho học sinh mượn đọc. Khi em ôn thi học sinh giỏi môn Văn năm lớp 11, thầy Đông là thầy giáo dạy văn của em đã cho em mượn nhiều sách tham khảo và cả những sách văn học trong nước và nước ngoài, để cung cấp thêm kiến thức cho chúng em”, Nguyễn Thị Thảo nói.

Nữ sinh này cũng bật mí thêm, các bạn vẫn phàn nàn là “răng bạn Thảo đọc sách chậm rứa. Bởi vì mỗi cuốn sách, Thảo thường đọc và nghiền ngẫm rất kỹ. Những câu nào hay, tâm đắc hoặc một cách diễn đạt hay, cách so sánh thú vị, em đều cẩn thận ghi lại để nghiền ngẫm thêm, hoặc gạch luôn ở dưới câu chữ. “Có lúc, em còn gạch chân luôn trong sách của thầy”!

Đó cũng là cách tự học của Thảo, để em làm phong phú thêm hiểu biết cho mình, “có thêm nhiều dẫn chứng, luận cứ để đưa vào bài văn khi cần thiết. Em cũng học được cách mở bài, cách viết nhiều câu văn trôi chảy, mạch lạc, cách kết thúc vấn đề, từ cách làm văn của các bạn trong sách những bài văn hay, hoặc sách truyện”.

“Khai thác hết kiến thức của thầy cô là đủ”

Thực ra, các năm học trước Nguyễn Thị Thảo chưa hề thích môn Văn mà chỉ là “học được”. Nhưng đến năm lớp 10, cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Ngân Hoa là đã khơi dậy niềm đam mê và phát huy năng khiếu văn học cho Thảo. Cũng chính từ cách giảng bài, giọng văn mượt mà của cô, mà khiến cho cô học trò mơ ước được trở thành cô giáo dạy văn để “làm được điều kỳ diệu như cô Hoa làm cho em”, Thảo xúc động nói.

Sau quá trình phát hiện và bồi dưỡng, năm lớp 11 Thảo được đưa vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh của trường. Thảo cho biết lúc đó bố mẹ em còn “không tin” và bảo “thôi con đừng đi thi, vì nhà mình có “truyền thống” không có duyên với các cuộc thi HSG, cứ đi thi là… trượt.

Nhưng ông bà em động viên và sau đó, mẹ em đã cho em tiền để bắt xe bus từ nhà lên TP Vinh dự thi. Không ngờ, em giành được giải cao nhất. Thảo kể lại: “Nghe cô giáo thông báo mà em còn chưa dám tin, mãi đến khi các bạn reo hò chúc mừng xung quanh, em mới nghĩ, ồ hóa ra là thật”.

Năm nay, lên lớp 12, Thảo chọn học khối xã hội vì em cũng học tốt các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Em chia sẻ quan điểm chỉ cần học thật tốt ở trường là đủ, không cần đi học thêm bên ngoài.

Đây cũng là điều mà bố mẹ định hướng cho em. Hoàn cảnh khó khăn, nên bố mẹ chỉ đầu tư cho các con học ở trường, ở thầy cô. Chính các anh chị của Thảo cũng đã trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà không đi học thêm.

“Em thấy các thầy cô ở trường khi dạy học, đều rất tâm huyết và đưa hết kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền cho học trò. Bên cạnh đó lại tìm nhiều tài liệu cho chúng em đọc thêm, làm bài tập thêm. Nên chỉ cần “khai thác” và tiếp thu được hết kho kiến thức của thầy cô là đủ rồi. Thời gian còn lại để mình củng cố kiến thức, ngấm những gì đã được học”, Nguyễn Thị Thảo nói.

Thầy Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 cũng cho biết: Em Thảo là một học sinh ngoan, ham học và có tố chất, mặc gia đình khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập. Về phía các thầy cô giáo cũng hết sức tạo điều kiện, dành tặng học bổng cho em Thảo và những em học sinh có hoàn cảnh tương tự. Qua đó, khuyến khích, tạo động lực và phong trào học tập trong toàn trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.