Ăn sắn thay cơm vẫn nỗ lực theo con chữ
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái ở bản Cao, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, nơi nhiều bạn bè cùng trang lứa nghỉ học từ rất sớm vì hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng với cô học trò Hà Thị Diễm (lớp 11A2, Trường THCS&THPT Bá Thước, Thanh Hoá) dù khó khăn đến mấy em vẫn khát khao được đến trường đi học.
Diễm kể, ngôi nhà hiện em đang ở mới chỉ chuyển xuống đây được vài năm, còn những năm trước nằm cheo leo trên một quả đồi.
Để đến được trường, em phải dậy thật sớm và đi bộ hơn 3km. Vậy mà từ từ lớp 1, cô bé đã phải một mình đi từ đỉnh đồi xuống rồi băng qua những cánh đồng vắng vẻ để tìm con chữ. Dù ngày nắng hay ngày mưa, chưa một ngày Diễm muốn nghỉ học.
Có những ngày mưa, đường trơn trượt, em nhiều lần ngã xuống ruộng bẩn hết quần áo nhưng rồi vẫn tiếp tục đến trường. Diễm cũng không nhớ bao lần ôm bụng đói, chân trần lên lớp. Niềm vui đến lớp đã khiến học trò quên đi những vất vả nhọc nhằn.
“Những năm học cấp 1, em liên tục phải ăn sắn thay cơm. Có những ngày đi học bụng đói, chân mỏi rời. Đi học về thì lên đồi làm ngô, lúa cùng bố mẹ. Có lẽ vì nghèo đói nên luôn thôi thúc em phải cố gắng học tập để thoát khỏi cảnh cơ cực này”, Hà Thị Diễm tâm sự.
Nhà Diễm chưa bao giờ thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo do mẹ của Diễm quanh năm đau ốm. Với 2 sào ruộng cấy không đủ gạo ăn, bố của Diễm phải đi làm thuê, làm mướn.
Dù khó khăn nhưng Diễm luôn nỗ lực học tập tốt. |
Diễm đi học được chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước vì em trong vùng đặc biệt khó khăn. Hoàn cảnh là vậy, nhưng chưa bao giờ bố mẹ Diễm có ý định cho em nghỉ học, mà luôn động viên con cố gắng học tập, vươn lên. Mỗi lần bố đi làm thuê, làm mướn có tiền đều dành dụm, chắt bóp nuôi Diễm ăn học. Bát cơm vơi đi một ít thì cô con gái nhỏ cũng có cơ hội học thêm được con chữ.
Chị Hà Thị Trường - mẹ của Diễm chia sẻ: “Từ lớp 1 con đi học về đã biết nấu cơm, sau đó leo lên đồi làm cùng mẹ. Tối đến thì học bài đến khuya. Cháu rất chăm chỉ học, luôn cố gắng được học sinh giỏi hoặc phấn đấu có giải để được tặng sách vở và miễn tiền học thêm
Từ khi đi học đến nay, năm nào con cũng là học sinh giỏi. Tôi chỉ mong con học chữ để không phải khổ như bố mẹ”.
Viết ước mơ làm giáo viên
Trong căn nhà tuềnh toàng, với rất nhiều những lỗ hổng trên nóc, mùa đông gió lùa, mùa hè nắng rọi vào trong. Tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình của Diễm, từ việc nấu ăn, góc học tập, chỗ ngủ của gia đình đều sử dụng trong một không gian chật hẹp không đầy 20m2. Thứ duy nhất chúng tôi nhìn thấy là những tấm giấy khen của cô học trò từ những năm lớp 1, giấy khen của trường, của huyện.
Lớn lên bằng củ sắn, bắp ngô, măng rừng nơi vùng cao còn nhiều gian khó, cái nghèo, cái đói bủa vây thế nhưng suốt 10 năm qua, Diễm luôn là học sinh xuất sắc của trường. Không những vậy, em còn giành giải Khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện (năm lớp 6); môn Giáo dục công dân (lớp 9); Nghiên cứu Khoa học; Tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ…
Bà Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm nhà của Diễm và trao học bổng “Viết tiếp ước mơ” tới em. |
Ước mơ của cô học trò nghèo này là trở thành cô giáo để mang kiến thức về cho bản làng. Bởi với Diễm không học thì không bao giờ thoát khỏi được cái nghèo cái khổ. Bố Diễm cũng vì khó khăn mà không được đi học, không biết chữ, mẹ Diễm cũng bỏ học khi mới học hết lớp 9.
“Nếu làm cô giáo, em sẽ động viên học sinh ở quê em cố gắng đến trường, học tốt để thay đổi cuộc sống của mình. Em đang đặt ra mục tiêu sẽ thi đậu vào lớp chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức để được giảm nhiều khoản đóng góp”, Diễm tâm sự.
Cô giáo Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước cho biết: “Diễm như là bông hoa núi rừng dù trong điều kiện sỏi đá khô cằn vẫn vươn mình mạnh mẽ để đơm những bông hoa ngát hương.
Ở vùng núi này, nhiều học sinh khó khăn nhưng khó khăn mà vươn lên học tập tốt như Diễm là rất hiếm. Thầy cô giáo cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Diễm trong việc học hành để em không vì khó khăn mà chùn bước”.
Với cô Thu, Diễm là niềm tự hào, tấm gương về nghị lực vượt khó học giỏi, rất năng động, tích cực tham gia các hoạt động bề nổi trong trường và luôn quan tâm, giúp đỡ bạn bè trong học tập.
Dù chặng đường phía trước còn dài và lắm chông gai, nhưng tin chắc rằng Diễm sẽ vượt qua tất cả để thực hiện được ước mơ của mình.
Hà Thị Diễm là một trong 2 học sinh của tỉnh Thanh Hoá được Công đoàn Giáo dục Việt Nam chọn trao học bổng “Viết tiếp ước mơ” trị giá 24 triệu đồng. Học bổng này sẽ hỗ trợ Diễm mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến năm Diễm 18 tuổi.